Bi kịch “phi công trẻ”

Càng ngày anh càng thấy ngột ngạt. Tệ hơn là “bà già” tuy không đáp ứng được nhu cầu sinh lý của “phi công trẻ” nữa nhưng sợ chồng “ăn chả” nên ngày nào cũng ép “trả bài”.

 
Bi kịch “phi công trẻ”  - 1


Vừa về đến ngõ, tôi gặp anh hàng xóm dắt chiếc Dream, phía sau buộc một chiếc vali đi ra cổng. Hỏi ra mới biết anh dọn sang nhà người em trai ở tạm. Anh vừa ra toà sáng nay. Và để đổi lấy tự do, anh đã phải để lại toàn bộ nhà cửa, tài sản cho chị vợ. Gia tài suốt một đời lao động, phấn đấu của anh giờ chỉ còn mấy bộ quần áo và chiếc xe cũ kỹ này.

 

Có thể đổ lỗi cho số phận không khi anh bước vào đời với rất nhiều lợi thế: học giỏi, đẹp trai, lại có nhiều tài lẻ (hát hay, đàn giỏi, vẽ đẹp). Thời sinh viên học cùng tôi, anh từng là thần tượng của bao cô gái. Vậy mà đùng một cái, anh rơi vào chiếc “bẫy tình” của người đàn bà hơn mình cả chục tuổi, đã có một đời chồng và một đứa con riêng.

 

Sau này thành hàng xóm với anh, nghe anh kể, tôi mới biết ngày xưa anh ngã vào vòng tay người đàn bà ấy phần vì chị ta đã nhắm trúng tâm lý “người hùng” muốn cứu vớt “mỹ nhân” (qua câu chuyện chị đã bất hạnh thế nào khi sống cạnh ông chồng vũ phu), phần vì chị biết tấn công vào cái dạ dày của chàng sinh viên xa nhà. Chưa kể, là người từng có chồng, chị rất cởi mởi chuyện chăn gối. Chàng trai tân vì thế mê chị như điếu đổ. Sau đó, chị tuyên bố có mang, đòi anh đưa về ra mắt gia đình.

 

 Tất nhiên, gia đình anh phản đối kịch liệt (trai tân có học vấn tử tế sao phải lấy một người không học hành, đã qua một đời chồng và hơn mình cả chục tuổi?). Nhưng nghe chị doạ sẽ tự tử cùng với đứa con trong bụng nếu không có đám cưới, rồi cũng sợ thanh danh của mình sẽ hoen ố (lúc đó anh đã là cán bộ ở một cơ quan nhà nước), anh quyết định cưới chị mà không có sự chứng kiến của gia đình.

 

Mọi chuyện chắc sẽ ổn hơn nếu chị sinh con và họ cùng nhau xây dựng một gia đình bình thường. Thiên hạ thiếu gì “phi công trẻ lái máy bay bà già”. Nhưng cưới xong, mãi chẳng thấy chị sinh nở, bảo cái thai kia đã sẩy. Rồi năm này qua năm khác, đến khi gia đình anh bắt đầu sốt ruột vì không có cháu đích tôn, người vợ bèn đưa anh đi khám ở một ông bác sĩ mà chị quen biết. Ông này phán: anh vô sinh. Từ đó, anh mặc nhiên thừa nhận mình vô sinh, cũng chẳng buồn thắc mắc tại sao trước khi cưới mình có thể khiến cho chị mang bầu, mà bây giờ lại... “điếc”!

 

Nhiều người biết chuyện đều bảo anh bị “quả lừa” to thế mà sao không tỉnh ra, sao vẫn chung sống với chị. Nhưng tôi thì tôi có thể hiểu phần nào... Ở liền vách với nhau nên tôi biết anh được chị chăm bẵm ghê lắm. Mọi việc trong nhà một tay chị lo toan hết. Anh đi làm về không phải đụng tay vào bất cứ việc gì. Mua sắm cái gì từ nhỏ đến lớn đều do chị quyết định. Cả việc sửa chữa nhà cửa hay làm các thủ tục gì có liên quan đến nhà chức trách, chị cũng lo tuốt.

 

Tuy không phải loại biếng nhác nhưng làm gì anh cũng bị chê, anh đâm chán, chẳng dám mó đến việc gì nữa. Dần dần từ việc nhỏ đến việc lớn anh đều bị phụ thuộc vào vợ. Có lần vợ đi chợ, ở nhà hết nước uống, anh bắc ấm nước lên đun, không biết bật bếp ga thế nào, đành chịu khát đợi vợ về.

 

Cũng chẳng hiểu chị tác động thế nào mà anh gần như mất hết quan hệ với bạn bè. Phụ nữ mà gọi điện đến thì thôi rồi, sẽ bị chị ghen tuông, truy vấn, đe nẹt phủ đầu đến nơi đến chốn. Lương bổng anh khá lắm nhưng vì chị quản lý hết nên dù gia đình ở quê khó khăn, anh cũng chẳng giúp đỡ được gì. Đến khi em trai anh về Hà Nội học, sợ chồng dành tiền giúp em, chị càng phong toả dữ. Đến cái quạt cóc anh định cho cậu em trai mượn, chị vợ cũng không đồng ý, bảo rằng để còn quạt cho cái... tivi.

 

Anh cũng chán kiểu cư xử của vợ, cũng muốn thay đổi nhưng không làm nổi, vì anh ì lắm rồi, đã thành cây tầm gửi thật sự rồi. Có lần, vì cãi vã to với vợ, anh đã xách va li sang nhà cậu em, tính ở luôn. Nhưng rồi bản tính yếu đuối, sợ xáo trộn, sợ hằng ngày không có ai nấu cơm cho ăn, giặt quần áo cho mặc, sợ vất vả lam lũ nên anh lại xách va li quay về. Biết được điểm yếu của chồng, khi anh về, chị vợ càng quá quắt, khiến tình cảm của anh với gia đình bị chia cắt.

 

Càng ngày anh càng thấy ngột ngạt trong chính ngôi nhà của mình. Tệ hơn là “bà già” đã từ lâu không còn đáp ứng được nhu cầu sinh lý của “phi công trẻ” nữa, nhưng cứ sợ anh “ăn chả” nên ngày nào cũng bắt ép “trả bài”, khiến anh cứ nhìn thấy cái giường là rùng mình ghê sợ.

 

Và rồi một ngày kia, anh ngả vào vòng tay một người đàn bà đang tuổi hồi xuân, goá chồng, đang làm ở một quán bar. Anh quyết định ly hôn để công khai đi lại.

 

Bẵng đi một thời gian, tôi lại gặp anh ở đầu ngõ. Anh vẫn tá túc ở nhà em trai, chẳng sung sướng gì vì tự nhiên thành “của nợ”. Kết hôn với cô kia thì anh không thể, vì anh sắp về hưu, làm sao cưu mang nổi ai, chưa kể lâu nay anh đã quen làm tầm gửi rồi. Có lúc anh chặc lưỡi định quay về với vợ cũ, nhưng rồi thật sự chán ngấy chị ta nên thôi.

 

 

Theo Gia Đình Trẻ