Bị bạo hành vì không... nấu ăn ngon

Không ít ông chồng đã hất đổ cả mâm cơm khi canh mặn, cơm khê. Không ít ông chồng đứng phắt khỏi bàn ăn khi vợ không nấu món mình ưa thích chỉ vì nghĩ rằng người vợ phải có trách nhiệm nấu từng bữa ăn ngon cho cả gia đình.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sự lãng mạn xuất phát từ gian bếp

Trên thực tế có những ông chồng rất yêu vợ, tự hào về vợ, lúc nào cũng cảm thấy vui vẻ thỏa mãn chỉ bởi… vợ nấu ăn ngon. Ngược lại, có không ít ông chồng cảm thấy mình là người bất hạnh, lúc nào cũng cau có bực bội chỉ vì không được ăn bữa cơm nhà nào… ngon miệng! Từ thực tế này nên mới có câu “con đường ngắn nhất đi đến trái tim người đàn ông là qua dạ dày”. Nhiều người, nhất là đàn ông xem đó như một câu tuyên ngôn thuộc về chân lý. Bởi vậy khi người vợ mà nấu cơm dở, không ít người chồng tự cho mình cái quyền “không yêu” vợ. Họ thể hiện quyền được phép “không yêu vợ” đó qua việc giận dỗi, chê trách, thậm chí là đánh chửi.

Nhưng có một sự thật mà đàn ông không hay biết đó là con đường ngắn nhất đi đến trái tim người phụ nữ cũng chính là qua… dạ dày giống như họ. Nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Đại học Drexel (Mỹ) cho thấy, khi no, não bộ của người phụ nữ đáp ứng với các tín hiệu lãng mạn tốt hơn lúc dạ dày trống rỗng. Tác giả nghiên cứu - TS. Alice Ely cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra rằng trung khu tưởng thưởng (reward center - khu vực thần kinh gây ra cảm giác vui sướng, hạnh phúc khi có kích thích) ở não bộ phụ nữ trẻ nhạy cảm hơn sau khi ăn. Một vài nghiên cứu trước đây cho thấy, trung khu tưởng thưởng cũng được kích hoạt bởi một số tác nhân nhất định, như thức ăn (khi đói), tiền và ma túy”. Nhóm nghiên cứu cho rằng, sau khi “thỏa mãn” được nhu cầu thiết yếu (lấp đầy dạ dày), phụ nữ hướng tới những điều tốt đẹp có tính… xa xỉ hơn, chẳng hạn như tình yêu, sự lãng mạn. Nghiên cứu này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy sự lãng mạn thường xuất phát từ gian bếp chứ không phải từ trong phòng ngủ. Sự thỏa mãn về ẩm thực là yếu tố quan trọng hàng đầu để đi đến trái tim của cả hai giới.

Sở dĩ sự thỏa mãn trong ăn uống thường dẫn đến những thỏa mãn khác về mặt tình cảm ở cả hai giới là bởi sự thỏa mãn trong ăn uống là nhu cầu thuộc về bản năng hưởng thụ của con người. Con người là chúng sinh ở trong cõi dục nên tâm lý chung là ưa thích hưởng thụ dục lạc, thích được ăn ngon mặc đẹp... Nên nhu cầu được ăn ngon mặc đẹp không chỉ của riêng đàn ông mà phụ nữ cũng vậy. Đó là đặc tính chung của người cõi dục nhưng là đặc tính khởi nguồn từ tâm tham.

Nhìn vào kết quả nghiên cứu này để thấy rằng, con đường từ dạ dày đi tới trái tim không chỉ là “đặc quyền” ở người nam. Thế nên khi người nam tự cho mình cái quyền được “phán xét”, được đòi hỏi người nữ phải làm cho cái dạ dày của mình được hài lòng là hết sức phi lý.

Nguyên nhân khiến vợ không muốn vào bếp

Thực ra thì, để chiều lòng người khác, để làm vừa lòng người khác là một việc không tưởng. Bởi ngay cả việc nấu ăn cho chính mình thế nào cho lúc nào cũng ngon miệng còn không thể làm được huống hồ là nấu cho người khác ăn. Bởi vậy, nếu vì món ăn vợ nấu bị hỏng mà người chồng đó thấy vợ không đáng được yêu, không biết ơn vợ, hay tệ hại hơn là chê trách, chửi mắng thì lúc này người đàn ông đã vượt qua giới hạn làm người tử tế của mình. Họ trở nên tồi tệ khi đối xử với vợ như vậy. Có ông chồng hất cả mâm cơm đi trước mặt vợ con chỉ vì ăn phải cơm nhão. Anh ta làm vậy là vì hiểu sai về quyền hạn của mình. Anh ta hiểu nhầm rằng mình có quyền được vợ phục vụ chăm sóc miếng ăn. Anh ta nhầm rằng làm vợ thì phải có trách nhiệm nấu ăn làm sao cho anh ta ăn cảm thấy ngon miệng, cảm thấy hài lòng.

Thực ra phụ nữ có một đặc tính rất lạ là thích chăm sóc người thân yêu của mình, thích nấu được những món ăn ngon cho chồng con. Đó là sở thích và cũng là niềm hạnh phúc của họ. Họ sẽ thấy điều đó là hạnh phúc khi mình mang lại niềm vui cho chồng con. Đó là đặc tính của phụ nữ không ai có thể phủ nhận được. Nhưng người phụ nữ chỉ có thể hạnh phúc với công việc đó khi bản thân họ tự nguyện. Tức là họ tự nguyện và họ muốn được làm điều đó. Còn khi người chồng xem công việc nấu cơm là bổn phận của vợ, người chồng có quyền đòi hỏi vợ thì lại trở thành câu chuyện của sự vi phạm “nhân quyền”. Chính sự đòi hỏi phi lý đó ở các ông chồng làm dập tắt niềm yêu thích vào bếp của người vợ. Bởi việc người vợ thích vào bếp là sở thích chứ không phải là sự phân chia một cách mặc định như một số ông chồng nghĩ. Người phụ nữ có được niềm yêu thích vào bếp một phần vô cùng quan trọng là ở tình yêu, ở thái độ ứng xử, sự quan tâm… của người chồng. Bởi khi cảm thấy được chồng yêu, được chồng trân trọng thì người phụ nữ nào cũng muốn được chăm sóc muốn thể hiện tình yêu của mình, cụ thể nhất là qua việc vào bếp làm những món ăn ngon cho chồng.

Cây viết trẻ Nhã Nam từng cho rằng:“Thật sự thì mình không nghĩ nấu nướng là việc bắt buộc phải làm, đặc biệt không nhất thiết cứ “là con gái thì cần phải biết nấu ăn”. Nhưng từ sau khi biết nấu ăn thì mình “ngộ” ra một điều là nấu ăn là một cách thể hiện sự chăm sóc, quan tâm và yêu thương giản dị nhưng lại vô cùng hiệu quả. Và có lẽ không chỉ với riêng đàn ông, mà với mọi giới, mọi lứa tuổi, con đường ngắn nhất để chạm tới trái tim chính là những món ăn tự chuẩn bị với cả tấm lòng, sự quan tâm và tình cảm yêu mến, là “sức mạnh thần kỳ” kéo bước chân của các thành viên trong gia đình trở về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi. Bản thân người đứng bếp khi ấy cũng sẽ cảm thấy hài lòng và mãn nguyện với những “thành quả” mà mình đã tạo ra từ căn bếp của chính mình.

Theo Ngân Khánh
Gia đình và Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm