Bẫy tình cay nghiệt
(Dân trí) - Lực lượng lao động miền xuôi đổ về huyện vùng cao A Lưới của tỉnh Thừa Thiên - Huế để thi công những công trình xây dựng ngày càng nhiều càng khiến lắm sơn nữ nơi đây sa vào bẫy tình rồi phải gánh chịu những hậu quả đáng thương.
Ngôi nhà lụp xụp của gia đình ông Hồ Phiên ở thôn A Ron, xã Hồng Hạ nằm nép mình dưới chân đèo Tà Lương với những con dốc lạnh người. Đã mấy tháng nay, kể từ ngày con gái bị lừa tình rồi sinh con ở tuổi 16, ông Phiên ngã bệnh nằm liệt giường. Vợ ông, bà Hồ Thị Cúc cũng vừa qua đời sau một thời gian đổ bệnh.
Sau ngày bị lừa tình, Hồ Thị N (16 tuổi) ở thôn A Ron, xã Hồng Hạ phải nuôi con một mình.
Hơn một năm trước, N gặp chàng công nhân quê Ninh Bình tên L đang thi công công trình thủy điện A Lưới trên địa bàn xã. Vẻ ngoài chải chuốt cùng với lời nói đường mật của L đã khiến N đem lòng yêu thương. Vào những buổi tối rảnh rỗi, L thường đến nhà đưa N đi chơi. Ngỡ con gái của mình đã gặp được chàng trai thật thà, bố mẹ N hết mực vun đắp cho đôi trẻ dù biết con gái chưa đến tuổi lấy chồng.
Nhưng rồi niềm tin của N và gia đình cô bé đã bị xúc phạm khi L lộ nguyên hình là một gã Sở Khanh. Trong một lần cùng nhau đi chơi, L đã giở trò đồi bại với N rồi yêu cầu cô bé không kể cho ai hành vi bỉ ổi của mình. Vì quá yêu và tin L, N đã giấu bặt mọi chuyện. Nhưng đến khi cô bé phát hiện mình có bầu và kể chuyện này với L thì gã công nhân lập tức chuyển công tác đến tỉnh khác. Rồi N sinh con. Đứa con của N chào đời trong nỗi đau bị phụ bạc của mẹ.
Hồ Thị D ở thôn Pa Hy, xã Hồng Hạ và đứa con - kết quả của một lần bị lừa tình.
Chỉ tính riêng xã Hồng Hạ đến nay đã có hơn 20 sơn nữ bị lừa tình và phải nuôi con một mình. “Số người vì tin vào lời dụ dỗ của kẻ xấu nên phải chịu hậu quả như ri ngày càng tăng mạnh” - Chị Hồ Thị Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hồng Hạ thở dài nói sau khi cung cấp cho chúng tôi một danh sách khá dài về những cô gái trong xã bị lừa tình.
Theo con số thống kê chưa đầy đủ từ các xã của huyện A Lưới, mỗi năm ở huyện này có bình quân từ 40 đến 60 sơn nữ bị lừa tình, tập trung nhiều nhất ở các xã Hồng Hạ, Hồng Vân, Hồng Thủy, nơi có nhiều công trình quốc gia đang thi công. Tương ứng với con số đó, có khoảng 40 trẻ đứa trẻ không cha là kết quả của những mối tình dở dang giữa sơn nữ và trai miền xuôi chào đời mỗi năm.
Cay đắng phận người
Sau 8 năm chào đời, Hồ Văn K ở thôn 2 xã Hồng Thủy vẫn chưa biết đến mặt chữ. Nó là kết quả cú lừa tình của chàng công nhân giao thông người miền xuôi với mẹ nó. Sinh nó được 5 tháng, mẹ nó bỏ nó lại cho bà ngoại để đi lấy chồng tận bên Lào.
“Muốn cho nó đến trường nhưng tui già yếu rồi, chỉ sống dựa vào mấy đồng tiền trợ cấp của Nhà nước thì lấy chi mà nuôi nó học. Tui đang định nhờ người gửi nó vào trại mồ côi để nó được biết đến cái chữ và để tui yên tâm khi chết đi” - Bà Hồ thị V, bà ngoại của K nói trong nước mắt.
Chị Hồ Thị C ở thôn Pa Hy, xã Hồng Hạ có hai đứa con sau hai lần bị lừa tình. Đứa con đầu của chị năm nay đã 15 tuổi, đứa thứ hai đã 13 tuổi, đều học Trường THCS Hồng Hạ. Chị C đặt tên cho hai đứa con của mình là Rơi và Rớt như để ghi nhớ nỗi đau của hai lần bị lừa gạt. Hai đứa con của chị thường thắc mắc với mẹ về việc giấy khai sinh của chúng bị bỏ trống phần dành ghi tên người cha. Mỗi lần như vậy chúng đều nhận được câu trả lời từ mẹ nó là “chết rồi”. “Hai đứa nó không nên biết về những người cha đã bỏ rơi chúng và lừa dối mẹ mình. Bọn hắn đã lừa mình thì không đáng để con mình gọi bằng cha!” - Chị C gay gắt.
Theo chị Hoàng Thị Loan, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện A Lưới, chuyện sơn nữ của huyện này sa vào bẫy tình của những công nhân, kỹ sư người miền xuôi lên công tác là chuyện xảy ra thường xuyên. Hội Phụ nữ huyện đã tiến hành tuyên truyền cho chị em biện pháp phòng tránh kẻ xấu nhưng vì phụ nữ ở đây hiểu biết hạn chế nên số nạn nhân vẫn cứ tăng nhanh hàng năm.
“Thương nhất là những đứa trẻ không cha, chúng phải chịu thiệt thòi rất lớn về tinh thần, không gì có thể bù đắp được. Đây là những đứa trẻ thường phải chịu cảnh thất học vì hoàn cảnh gia đình ngặt nghèo do không có bàn tay người cha” - Chị Loan buồn bã.
Đại Phong