Bất đắc dĩ “treo niêu”

Mới cưới nhau nhưng vợ chồng Mai chỉ “gặp gỡ” một tháng đôi lần. Không phải vì không ham muốn, mà vì giường ngủ của mẹ chồng ngay phía dưới gác xép.

 
Bất đắc dĩ “treo niêu”  - 1


Mẹ chồng khó ngủ

 

Vợ chồng Mai ở với mẹ chồng trong căn nhà tập thể chỉ 24 mét vuông, không gian của vợ chồng chỉ là chiếc gác xép nhỏ bằng gỗ chật chội. Qua mấy chục năm sử dụng, căn nhà đã có phần xuống cấp, động tới đâu là tróc vữa lở tường tới đó, nhưng chẳng ai dám nghĩ đến chuyện sửa chữa, vì sợ ảnh hưởng tới các hộ xung quanh.

 

Vì vậy, sinh hoạt của mỗi thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng và hạn chế rất nhiều, đặc biệt là… chuyện tế nhị của vợ chồng son, chỉ một chút chuyển mình là gác xép kêu cọt kẹt.

 

Nghiệt một điều, giường ngủ của mẹ ngay phía dưới gác xép. Mẹ chồng Mai bị bệnh mất ngủ, đêm đêm cứ trằn trọc, hết quay ra quay vào lại thở dài thườn thượt. Có khi bà sốt ruột quá, dậy mở ti vi xem chương trình phim truyện đêm khuya.

 

Nhiều khi muốn gần gũi nhau nhưng vợ chồng Mai cũng khó có thể tranh thủ ban ngày vì… mẹ đã nghỉ hưu, lại sống khép kín chỉ quanh quẩn ở nhà làm bạn với ti vi.

 

Không ít lần, vợ chồng Mai phải ra nhà cho thoải mái, nhưng xem ra phương án này không thể áp dụng lâu dài được.

 

Niềm mơ ước có được một căn nhà rộng rãi và thuận tiện sinh hoạt hơn của họ xem ra còn rất xa vời, bởi giá đất thì tăng vùn vụt mà đồng lương chỉ ở mức ba cọc ba đồng.

 

Và vì vậy, họ nào dám nghĩ đến chuyện có con. Vẫn biết là tình trạng ấy không ổn nhưng cho đến giờ vợ chồng Mai vẫn chưa tìm ra lời giải cho bài toán hóc búa về không gian sinh hoạt.

 

Lũ em tò mò

 

Nhà chồng Nụ ở nông thôn, lại đông anh em. Dù căn nhà ngói 3gian của gia đình chồng được coi là rộng rãi nhưng với cách sắp xếp không gian sinh hoạt truyền thống của bố mẹ chồng thì chuyện tế nhị của vợ chồng Nụ bị ảnh hưởng không ít.

 

Giường ngủ của đôi vợ chồng trẻ sát gần với giường ngủ các thành viên khác trong gia đình, và chỉ cách biệt với xung quanh bằng… hai tấm ri-đô.

 

Bố mẹ đã có tuổi, thường khó ngủ. Còn mấy đứa em chồng thì đang tuổi mới lớn, vì thế, chuyện vợ chồng không được tự do, cứ lén lén, lút lút như những người vụng trộm.

 

Trong tâm trạng thấp thỏm đó, họ không thể có được cảm giác hạnh phúc trọn vẹn. Thế nhưng, họ cũng không thể vượt qua cảm giác xấu hổ để giãi bày với bố mẹ và gia đình về chuyện tế nhị này, đành chấp nhận những hạn chế ấy rồi động viên nhau: “Chịu khó chờ ra ở riêng”.

 

Một lần, bố mẹ chồng đi thăm họ hàng xa, không thấy ai ở nhà nên vợ chồng Nụ tranh thủ. Cảm xúc đang thăng hoa thì họ nghe… tiếng động sau cửa sổ.

 

Hóa ra là mấy đứa em chồng đang lấp ló ngoài vườn, nhìn trộm qua khe cửa. Vợ chồng Nụ xấu hổ và bực bội vô cùng.

 

Giải pháp

 

Không gian sinh hoạt chật hẹp là trở ngại lớn cho đời sống sinh hoạt của vợ chồng, nhất là vợ chồng trẻ. Việc nín nhịn và chịu đựng không phải là lựa chọn sáng suốt, sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến tâm lý và sinh lý của các cặp vợ chồng.

 

Để hạn chế phần nào những trở ngại ấy, mọi thành viên trong gia đình cần có sự trao đổi, bàn bạc thống nhất để có cách sắp xếp hợp lý về lịch sinh hoạt và khoảng không gian riêng tư. Đó là một nhu cầu chính đáng và cần thiết.

 

Ai cũng mong muốn có được một chốn riêng tư thật hoàn chỉnh nhưng nếu không có điều đó thì thái độ thông cảm và việc tạo điều kiện của mọi người sẽ giúp các bạn trẻ cảm thấy thoải mái hơn.

 

Vì thế, các bạn nên tâm sự, bày tỏ một cách khéo léo, tế nhị về tình trạng cũng như những mong muốn thiết thực của hai vợ chồng để bố mẹ chồng hiểu. Đối với anh em hay các thành viên khác trong gia đình, nên lựa lời góp ý để họ rút kinh nghiệm về hành vi của mình.

 

Theo NLĐ