"Bắt chồng" từ tuổi 15
Ở xã biên giới Rờ Kơi (huyện Sa Thầy, Kon Tum), theo tục lệ dân tộc H’Lăng, trẻ vị thành niên đua nhau bỏ học để lập gia đình. Các cặp "vợ chồng trẻ con" hoặc ở riêng trong những ngôi nhà tranh vách đất, hoặc sống chung với cha mẹ, sinh ra đàn con nheo nhóc.
Anh A Bier, cán bộ phụ trách Dân số - Kế hoạch hoá gia đình dẫn PV đến thăm nhà Y Ă. Sinh năm 1991 nhưng Y Ă đã lấy chồng được mấy tháng.
Cô cho biết: “Ở đây cứ đến tuổi 14 - 15 là phải bỏ học “bắt chồng” (người con gái cưới người con trai về nhà mình), không thì “ế”. Mấy đứa trong làng cùng tuổi em nhưng bỏ học, bắt chồng trước em rồi. Học hành thì chỉ để biết con số, cái chữ giúp mình biết được đồng bạc mua bán, trao đổi khỏi lẫn lộn thôi, lấy chồng vui hơn...".
Y Hàng (sinh năm 1982), chị của Y Ă cũng “bắt chồng” rất sớm, nay con lớn đã chín tuổi.
Không riêng gì chị em Y Ă và Y Hàng. Cô hàng xóm Y Đương (sinh năm 1986), học xong lớp 4 thì bỏ học và đến cuối tuổi 15 thì “bắt chồng”. Hiện nay, con gái của Y Đương đã gần ba tuổi.
| |
Vợ chồng Y Ă |
Lập gia đình sớm vậy nên cô nào cũng nghèo. Con của Y Đương nhỏ tý, trông cứ như cây chuối rừng héo, do bữa nào cũng chỉ ăn cháo, rau, trộn măng rừng.
Anh A Bier cho biết: “Năm nay thôn Rờ Kơi này có đến 5 cô bắt chồng ở tuổi trẻ con, gồm: Y Ă, Y Trà (SN 1991), Y Đĩa, Y Thơk (SN 1992) và Y Đuôi (SN 1993). Y lớn nhất tròn 16 tuổi, Y nhỏ nhất (Y Đuôi) cưới chồng khi bước sang tuổi 14. Tất cả đều bỏ học khi mới đến lớp 5, cao hơn là lớp 6.
Toàn xã Rờ Kơi hiện có hơn 20 trường hợp bắt chồng ở độ tuổi dưới 15. Có trường hợp bắt chồng khi vừa bước sang tuổi 14 (Y Đuôi, SN 1993). Nhiều cặp đã ở riêng trong các ngôi nhà tạm bợ vách đất, mái tranh; nhưng cũng còn nhiều cặp vợ chồng… trẻ con, sống chung với nhau trong nhà cha mẹ rất chật chội, sinh ra cả đàn con nheo nhóc. Biết vậy nhưng bọn trẻ ở đây vẫn đua nhau bỏ học để "bắt chồng"...
Các cặp vợ chồng tảo hôn này đều đơn giản cho rằng: “Bắt chồng là để chồng giúp làm nương, rẫy, bẫy thú, bắn chim, được cha mẹ chia đất, cha mẹ đang còn khoẻ mạnh cũng dễ giúp khi mình sinh con, đẻ cái.
Chị Y Pheng - cán bộ Phụ nữ xã Rờ Kơi cho biết: "Chi hội phụ nữ xã chúng tôi thường xuyên bám cơ sở để tuyên truyền tác hại của việc lấy chồng sớm, vận động chị em bỏ hủ tục lạc hậu. Nhưng nghe hay không lại là quyền của các cháu.
Nhìn các cháu nhỏ tuổi đói khổ, tay xách nách bồng mấy đứa con, thương cái bụng lắm, nhưng rồi nói mãi các cháu đâu có nghe. Nhiều cặp vợ chồng “trẻ con” cưới nhau 5 - 7 năm sau mới đăng ký kết hôn. Nhưng cũng có trường hợp không biết kết hôn là gì và sinh con ra không làm cả giấy khai sinh. Chúng tôi phải đến từng gia đình vận động, thì họ mới chịu đi đăng ký và làm khai sinh, khi trẻ đã 3, 4 tuổi".
Theo chị Y Pheng, hiện tượng trẻ vị thành niên đua nhau bỏ học "bắt chồng" sớm theo tục lệ không chỉ có ở Rờ Kơi, mà xảy ra cả ở các xã lân cận khác trong huyện Sa Thầy như Ya Ly, Ya Tăng, Mo Rai và Ya Xia. Biết đây là một hủ tục lạc hậu, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của các cháu, nhưng các cấp hội phụ nữ chịu thua.
Toàn xã Rờ Kơi có 740 hộ với 3.381 nhân khẩu, do địa hình chủ yếu là đồi núi, có đến 426 hộ nghèo (chiếm 57,56%). Phần lớn các đối tượng nghèo đều chủ yếu do “bắt chồng” quá sớm, sinh đẻ không kế hoạch (kéo theo bệnh tật, ốm đau). Chưa ai có thể trả lời, bao giờ hủ tục này mới chấm dứt, để trẻ vị thành niên không sớm sa chân vào đói nghèo...
Theo Hân Minh
Vietnamnet