Bạo hành trẻ em, bao giờ chấm dứt…

(Dân trí) - Sáng ngày 17/12, trước những hành vi bạo hành trẻ em diễn ra ngày càng phức tạp gây nhiều bức xúc trong dư luận, để có một biện pháp xử lý cụ thể, dứt khoát hơn, Sở LĐTBXH TPHCM đã tổ chức buổi tọa đàm “Bạo hành trẻ em trong gia đình”.

Nguyên nhân từ nhận thức của phụ huynh

 

Tại TPHCM theo kết quả khảo sát tại 5 tỉnh, thành phố ngẫu nhiên của UBDS GĐTE (trước đây), 58,3% trẻ được phỏng vấn trả lời đã bị người lớn dùng các biện pháp quát mắng, chửi, sỉ nhục, tát, đánh vào mông, phạt úp mặt vào tường… khi các em mắc lỗi.

 

Với suy nghĩ con hư thì phải “dạy”, hay “con tôi sinh ra tôi có quyền đánh”, nhiều bậc phụ huynh đã xem việc đánh đập con cái là chuyện rất đỗi bình thường. Họ không hiểu được mình đang thực hiện hành vi “xâm hại sức khỏe tâm thần trẻ em”. Điều này dễ dẫn đến sự nguy hại về tinh thần của các em trước mắt và lâu dài, kèm theo đó, còn vi phạm quyền trẻ em của Việt Nam.  

 

Chính những hình thức như chửi mắng, dùng lời lẽ thô tục để làm nhục các em, dùng đòn roi trấn áp các em, dùng các vật dụng nguy hiểm như vật nhọn, nước sôi, bàn ủi, vật nặng để lại thương tích trên cơ thể các em… sẽ gây ra hậu quả khá nặng nề về thể chất và tinh thần các em.  

 

Những câu chuyện bạo hành trẻ em đang diễn ra hằng ngày đã làm cho dư luận xã hội lo sợ về tính chất thô bạo mà người lớn đã ứng xử với các em, về tính nhân văn trong giáo dục ngày càng thiếu vắng trong cuộc sống.  

 

Với cuộc sống như vậy, các em rất dễ dẫn đến ứng xử bằng bạo lực đối với bạn bè, đối với những cá nhân yếu thế hơn mình, xã hội sẽ có những con người chỉ xử sự bằng bạo lực mà quên đi tình người.  

 

Cần một chiến lược bảo vệ trẻ em thống nhất

 

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Đẩu, Phó trưởng Phòng LĐTBXH quận 2 cho rằng:  

 

Những vụ bạo hành trẻ em hiện nay, vì không để lại thương tích lớn nên khó có thể xử lý về mặt hình sự. Đồng thời, cũng có nhiều vướng mắc trong các khâu nên gây nhiều khó khăn trong việc xử lý. Bà Đẩu cho rằng, với mức lương ít ỏi hiện nay, những người đang thực hiện công tác về bạo hành trẻ em khó có thể thực hiện tốt công việc.

 

Chị Đặng Thị Mai, chủ nhiệm mái ấm Ánh Sáng TPHCM cho rằng: Bạo hành trẻ em là vấn đề mang tính chất tâm lý, nên chúng ta cần phải nâng cao nhận thức đối với các bậc cha mẹ đã bạo hành với con mình. Ngoài ra cũng cần quan tâm đến nạn bạo hành trong môi trường học đường. Ngay bản thân chị đã từng chứng kiến cảnh một cô bảo mẫu thờ ơ khi cháu bé 3 tuổi phải tự hốt đồ ăn bị ói ra vì ăn không được. Cần chú ý nâng cao ý thức của người có trách nhiệm ở các cơ sở, trường học.

 

Về phía ngành công an, trung tá Lê Hoàng Minh, PC13 CA TPHCM nhấn mạnh, thời gian tới nếu có được quy chế chặt chẽ trong hoạt động chống bạo hành trẻ em, ngành công an sẽ thiệt lập một bộ phận phối hợp giải quyết sự việc mọi lúc mọi nơi. Những hành vi chưa đúng của một số người thiếu ý thức trong công việc sẽ được tìm hiểu và xử lý thích đáng.

 

Thay mặt lãnh đạo thành phố, ông Nguyễn Văn Minh, Phó ban VHXH - HĐND TP cho rằng: Sở LĐTBXH cần làm ngay đề xuất với UBND TP để có một quy trình, quy chế làm việc cụ thể và chặt chẽ hơn. Các ban, ngành chức năng cần phối hợp tuyên truyền, giải quyết và xử phạt để người dân hiểu hơn tác hại và hậu quả của vấn đề bạo hành trẻ em. Ông Minh cũng đề nghị nên đưa ra một số điện thoại cụ thể giúp đối tượng bị bạo hành có thể cầu cứu một cách kịp thời và nhanh nhất.

 

Con số đáng báo động

 

Theo thống kê tại Hội nghị Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 2 về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em: Trong 3 năm 2005 - 2007, trung bình mỗi năm ở nước ta có 475 trường hợp tử vong do tự tử và 114 trường hợp tử vong trẻ em do bạo hành. Tỷ lệ tử vong do tự tử và bạo hành trẻ em mà ngành Y Tế cung cấp chiếm 9-10% trong tổng số các ca  tử vong do tai nạn thương tích.

 

Theo đường dây nóng của Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em, mức độ xâm hại và bạo lực trẻ em trong gia đình đã tăng gấp 3 lần, tại cộng đồng tăng gấp 7 lần, và trong trường học tăng 13 lần so với chục năm trước đây. (Trong thực tế, số vụ việc bạo lực, ngược đãi trẻ em còn cao hơn, song nhiều khi gia đình nạn nhân không khai báo, tố cáo đối tượng vì mặc cảm, sợ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ).

 

Bác sĩ Lê Văn Tùng, Trưởng khoa chấn thương và chỉnh hình bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cho biết: “Chỉ riêng từ đầu năm 2008 đến nay, số trẻ em bị bạo hành phải vào điều trị tại bệnh viện là 30 ca, tuy nhiên con số thực tế còn lớn hơn rất nhiều”.

 

  

Hoài Lương