Bánh đúc có xương

(Dân trí) - Cứ ai hỏi sao Minh Anh có thể yêu ruột thịt của người khác thế, cô chỉ cười: “Chắc tại bé Bông ngoan”. Nhớ lần Minh Anh đưa bé đi thử váy, chị bán hàng cứ tíu tít: “Hai mẹ con giống nhau ghê...” khiến cô cháu cứ liếc nhau tủm tỉm.

Xinh đẹp, giỏi giang, tốt bụng với hàng tá vệ tinh quay quanh, vậy mà Minh Anh lại dành hết tình cảm cho Đàm, người đàn ông đã một lần lỡ dở. Hôm Đàm chính thức qua nhà “có lời” với các cụ, mẹ Minh Anh ngất lên ngất xuống.

 

Chả gì cô cũng là con một, quen được nuông chiều, bảo bọc từ bé tí xíu, được cô dì chú bác “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Song không vin vào nhung lụa để trượt dài trên con đường hư hỏng, Minh Anh sở hữu tính cách ngoan ngoãn, cần cù, nhân hậu.

 

Động viên mãi người yêu mới đủ can đảm qua nhà, lại bị mẹ “dội cho gáo nước lạnh”: “Con chúng tôi không thể hợp với hoàn cảnh của anh” làm Minh Anh thất vọng khóc như mưa. Sau bữa ấy, Đàm tự ái cao độ. Suốt một tháng trời ròng rã, anh không hề nhắn tin hay trả lời bất cứ cuộc gọi nào từ Minh Anh. Quyết chí vì tình yêu, Minh Anh lặn lội qua nhà chơi với bé Bông. Cái mục đích lấy bé làm “đồng minh tin cậy” chẳng ngờ thất bại thảm hại vì hai cô cháu bỗng chốc hợp nhau như “cá với nước”.

 

Một bận, tan sở trở về khi trời đã nhá nhem tối bắt gặp người yêu và con gái đang say sưa xem hoạt hình, lòng tự ái lại dâng lên tột độ, Đàm kiên quyết kéo tay lôi Minh Anh: “Em về đi. Bố con anh không cần ai thương hại cả”. Phản ứng lại, giằng co một hồi, chẳng may Minh Anh trượt chân ngã xuống cầu thang. “Cô ơi..” nhanh như chớp, bé Bông cũng lao theo Minh Anh và ngã...

 

Hai cô cháu cùng nằm viện với hai cái chân bó bột trắng xóa. Lúc này, tình yêu chân thành của Minh Anh đã khiến Đàm cảm động, đồng ý sống chết cùng nhau.

 

Cùng hoàn cảnh như Minh Anh nhưng Dung lại đang bị dư luận nghi kỵ, xì xầm lớn bé. Số là hôm về ra mắt họ hàng nhà chồng tương lai, thấy bé Bin nghịch ngợm, thiếu lễ phép, Dung chỉ to tiếng mắng cháu chút chút, tức thì chuyện nhanh chóng thành chủ đề hấp dẫn để cô dì đưa chuyện.

 

Bước chân ra ngõ, Dung đã nghe thoang thoảng lời đàm tiếu xung quanh, nào là “mấy đời bánh đúc có xương...”, nào là “Khổ thân thằng bé sớm mồ côi mẹ lại bị dì ghẻ lạnh thế, sống sao nổi”...

 

Tối ấy, mẹ chồng tương lai kéo Dung vào phòng, nước mắt ngắn nước mắt dài tha thiết: “Mẹ xin con. Mẹ biết thằng bé không phải máu mủ của con nhưng tội nghiệp nó...”. Dung chỉ biết “vâng dạ” cho qua chứ chẳng lẽ lại bảo “Mẹ ơi, con không ác như tin đồn thế đâu”.

 

Sau vụ “xì căng đan”, cô dì chú bác bên nhà chồng luôn cảnh giác với Dung. Ấm ức nhưng cô nàng phải giữ ý giữ tứ. Bé Bin lại hiếu động, tinh nghịch không để đâu cho hết. Nhiều khi muốn nghiêm khắc nạt nộ con đôi chút, y như rằng hôm sau ông bà bên ngoại bé đã hầm hầm: “Cho thằng bé về với chúng tôi...”.

 

Với người phụ nữ, nuôi nấng đứa con mình rứt ruột đẻ ra đã không dễ dàng gì. Nay chăm lo cho con riêng của chồng càng khó khăn gấp bội. “Vạn sự khởi đầu nan”, ở vào hoàn cảnh trên, nếu người vợ có tấm lòng vị tha, nhân hậu, khéo léo, đảm đang thu xếp thì chuyện “con anh, con chúng ta” mới không làm lung lay hay phá vỡ hạnh phúc gia đình.

 

Trên hết, tình yêu thương chân thành của “mẹ kế” sẽ là chất keo gắn kết các thành viên lại với nhau, là nguồn suối mát thay thế tình mẫu tử thực sự cho mỗi đứa trẻ.

 

Ngọc Anh