Bằng chứng khắp thế giới về hiệu quả “học làm cha mẹ”

(Dân trí) - Theo TS. Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục, ĐH QGHN, hiện có khoảng 50 chương trình huấn luyện hành vi làm cha mẹ trên thế giới có hiệu quả như: Positive parenting program (Triple P), Incredible Years, Parent-Child Interaction Therapy (PCIT), REACH Parent Education, Systematic Training for Effective Parenting (STEP)...


TS Nguyễn Thành Nam trình bày tham luận tại buổi Seminar “Đẩy mạnh thực hành dựa trên bằng chứng”

TS Nguyễn Thành Nam trình bày tham luận tại buổi Seminar “Đẩy mạnh thực hành dựa trên bằng chứng”

Tại buổi Seminar “Đẩy mạnh thực hành dựa trên bằng chứng” do Quỹ Tài năng trẻ TLH- GDH thuộc Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam tổ chức nhân dịp lễ kỷ niệm ngày “Tâm lý học - Giáo dục học” vào tháng 8 vừa qua, lần đầu tiên có một tham luận đánh giá tổng thể về các chương trình “Huấn luyện hành vi làm cha mẹ” đã được du nhập vào Việt Nam trong những năm qua của TS. Trần Thành Nam.

Đây cũng là một trong những tham luận đáng chú ý nhất tại Hội thảo chuyên ngành với sự tham dự của các giảng viên, nhà nghiên cứu, các nhà thực hành trong trường học, trung tâm, bệnh viện và các phòng khám.

Mặc dầu mục tiêu chính của những chương trình này là giảm thiểu hành vi có vấn đề ở trẻ em và vị thành niên nhưng phần lớn thời gian của nhà tâm lý lại dành làm việc với cha mẹ các em.

TS Nam cũng chỉ ra mỗi chương trình tuy có những lưu ý về kỹ thuật can thiệp khác nhau nhưng lại chia sẻ một cấu trúc chung gồm việc Tư vấn tâm lý giáo dục cha mẹ về bản chất vấn đề hành vi, mối quan hệ tiêu cực cha mẹ - con cái; Xây dựng mối quan hệ tưởng thưởng cha mẹ - con cái; Rèn luyện kỹ năng làm cha mẹ tích cực (khen, hướng dẫn hiệu quả, thưởng); Rèn luyện kỹ năng kỷ luật tích cực (phớt lờ chủ động, khoảng lặng, kỷ luật tích cực); Khái quát hóa kỹ năng ra môi trường ngoài gia đình. Ngoài ra, các nhiệm vụ về nhà là không thể thiếu để giúp cha mẹ rèn luyện kỹ năng làm cha mẹ tích cực.

Theo đó, bằng chứng nghiên cứu cho thấy các chương trình này đã mang lại hiệu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn; cả trong can thiệp, phòng ngừa và phòng chống tái phát. Hiệu quả của những chương trình được thể hiện trên nhiều phương diện từ việc giảm các vấn đề hành vi của trẻ; tăng cảm giác hạnh phúc ở trẻ; tăng kiến thức và sự hài lòng về kỹ năng làm cha mẹ ở các bậc phụ huynh; tăng cương chất lượng mối quan hệ cha-mẹ-con…

Thậm chí, các chương trình huấn luyện hành vi làm cha mẹ còn có hiệu quả cả với trẻ dưới 12 tháng tuổi, các chương trình này đã giúp tăng cường sự đáp ứng của mẹ, tăng cường chất lượng giấc ngủ của trẻ; giảm quấy khóc; tự tin trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh; giảm trầm cảm sau sinh; tăng cảm giác làm cha mẹ hiệu quả.

Đáng chú ý, khi các chương trình này đưa vào Việt Nam có thể gặp những rào cản tâm lý. Mặc dầu các bậc cha mẹ Việt chấp nhận các kỹ thuật khen, thưởng hay các hình thức kỷ luật tích cực như phạt khoảng lặng nhưng nhiều cha mẹ vẫn cảm thấy ngại ngần vì không có thói quen khen con, thậm chí vẫn giữ niềm tin rằng khen con nhiều có thể dẫn trẻ đến việc chủ quan và kiêu ngạo, không tốt cho trẻ.

Với kỹ thuật như phớt lờ chủ động, phần lớn cha mẹ có xu hướng không chấp nhận do tin rằng đó là dấu hiệu của sự bất lực, không giáo dục được con; mặc cảm tội lỗi là mình bỏ mặc con khi con khó khăn... Việc phớt lờ những lỗi nhỏ của trẻ có thể dẫn đến trẻ mắc các lỗi lớn hơn.

Nhiều cha mẹ chấp nhận sử dụng nhưng không tin vào hiệu quả của phương pháp Phạt khoảng lặng bởi không đủ kiên nhẫn để giải thích và làm nhất quán ngay từ đầu. Nhiều phụ huynh không thể thực hiện được hình thức phạt này trong gia đình do sự can dự của ông bà...

Do đó, TS. Thành Nam đề xuất cần đưa ra những hiệu chỉnh cho các phiên bản huấn luyện hành vi làm cha mẹ phù hợp với bối cảnh và gia đình Việt Nam trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến giai đoạn tư vấn tâm lý giáo dục cho cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình (như ông bà) về triết lý can thiệp; dành nhiều thời gian để giúp gia đình thay đổi niềm tin sai lầm liên quan đến phớt lờ chủ động, khen thưởng hay thực hành nhất quán kỹ thuật phạt khoảng lặng. Về khía cạnh nghiên cứu, cũng cần có thêm các bằng chứng về tính hiệu quả của các chương trình can thiệp này đối với nhóm dưới 12 tháng tuổi và trên 15 tuổi.

Một số kỹ thuật cơ bản trong chương trình huấn luyện hành vi làm cha mẹ

Phớt lờ chủ động

Phớt Lờ có nghĩa là cha mẹ hoàn toàn không chú ý vào con khi con mắc lỗi hành vi nhỏ như mè nheo, khóc lóc, ăn vạ, la hét, cãi lại, vùng vằng. Khi phớt lờ, cha mẹ không nói với con, không nhìn con, không có bất kỳ một hành động cử chỉ nào thể hiện rằng cha mẹ đang chú ý đến hành vi của con. Kỹ thuật này có hiệu quả vì nếu cha mẹ chú ý đến hành vi xấu (VD như mắng cũng là một sự chú ý đến con) sẽ củng cố làm hành vi xấu tái diễn.

Phạt tạm lắng (Time out)

Thời Gian Tạm Lắng là kỹ thuật xử lý các lỗi hành vi nghiêm trọng hơn như đánh người, chửi bậy, hoặc không nghe lời. Thời Gian Tạm Lắng tạo cơ hội cho trẻ có thời gian bình tĩnh lại nhưng cũng là một hình thức phạt trẻ bởi vì trẻ bị tách ra khỏi những thứ trẻ thích hoặc muốn chơi trong một gian ngắn. Để thực hiện Thời Gian Tạm Lắng, ngay sau khi con có hành vi không hợp với sự mong đời cha mẹ nói một cách bình tĩnh nhưng kiên quyết: “Vì con đã đánh em nên con phải đến ngồi ở góc phạt”. Sau đó cha mẹ đưa cháu đến ghế ngồi phạt, lờ tất cả những lời phản đối hay hứa hẹn của con. Trẻ sẽ phải ngồi ở ghế phạt yên lặng cho đến hết thời gian phạt mà cha mẹ quy định.

Xây dựng quy tắc hành vi trong gia đình

Xây dựng Quy Tắc Hành Vi được sử dụng để giúp trẻ biết được phải làm và không được làm gì mà không phải nhắc nhở mỗi lần. Quy Tắc Hành Vi giúp trẻ tự giác thực hiện những hành vi đúng và tự kiểm soát hành vi của mình. Một số Quy Tắc Hành Vi trong gia đình có thể là: chơi ngoan và thân thiện với em, nói năng lễ phép với người lớn, dọn đồ chơi sau khi chơi xong. Trẻ sẽ tự giác thực hiện theo đúng những quy tắc này và khi nào trẻ vi phạm một nguyên tắc cháu sẽ bị phạt (VD: như phải ngồi phạt Thời Gian Tạm Lắng hoặc không được xem ti vi).

Trước sự quan tâm của khách mời đối với một đề tài mang tính ứng dụng cao, đại diện Quỹ Tài năng trẻ cho biết sẽ có một chuỗi các Xêmina chuyên sâu, mang tính ứng dụng cao dành cho các bạn trẻ và các cá nhân đang thực hành TLH- GDH trong cộng đồng trong thời gian tới.

Trần Phương