Bán chồng
Nghĩ nát nước, bà hẹn gặp cô bồ của chồng để ra giá...
Ông chồng... cho không ai lấy
Vào khoảng năm 1995- 1996, tại Hàm Tân (cũ), Bình Thuận, có gia đình ông Trương Trí Dũng và bà Lê Thị Thảo sinh sống. Họ có ba đứa con nhỏ, đời sống túng bấn. Ông Dũng là y sĩ, sau giải phóng hầu như chỉ đi làm chơi chơi, không có nghề nghiệp gì ổn định.
Vì thế, bao nhiêu gánh nặng cơm áo, con cái oằn lên đôi vai của bà Thảo, mọi kinh tế của gia đình hầu như chỉ nhờ đến quán bún riêu đầu ngõ của bà. Không chí thú làm ăn, ông Dũng còn có sở thích tụ tập, la cà nhậu nhẹt quán xá với bạn bè, lại mắc thêm cái tật lăng nhăng.
Những đồng tiền ít ỏi làm ra được, ông đổ vào những bữa bù khú hoặc cho các em tiếp viên quán nhậu. Được cái, ông có cái mã khá ưa nhìn, ăn nói lại hoạt bát, tán chuyện nghe bùi tai.
Khổ cho bà Thảo hơn, không ít lần, các cô gái hớt tóc thanh nữ, bia “tươi mát” đến nhà bà xỉa xói vì tội ông chồng “đòi chiều chuộng mà quỵt tiền bo” khiến bà muối mặt với xóm giềng.
Nhiều lần, bạn bè hàng xóm hỏi bà, sao không “trị” đi, có ngày mất chồng, con mất cha vào tay mấy “yêu nữ”. Bà cười đau khổ: “Người ta giàu có, ngon lành ra sao mới sợ mất. Chứ người như ông ta, một xu dính túi cũng không có, chỉ biết ngồi tán phét là hay, lấy về nuôi không thì có ma nó rước đi”.
Ấy vậy mà, đức ông chồng tưởng như “cho không không ai lấy” của bà, rút cục cũng lọt vào mắt xanh của một người phụ nữ, không những thế còn “yêu sống yêu chết” khiến gia đình bà phải ly tán.
Bán chồng giá bao nhiêu?
Những năm 1995 -1996, hình thức giao tiếp qua mạng internet bắt đầu hình thành, dần trở thành một “phong trào”. Học theo đám bạn, ông Dũng cũng lập một tài khoản Yahoo với nick chat, địa chỉ mail. Từ đó ông Dũng có thú vui mới khiến ông say mê gấp bội phần: Kết bạn qua mạng.
Vào phòng chat, hoặc trang web kết bạn qua mạng, ông trở thành một con người khác hẳn, không còn là ông Dũng khố rách áo ôm. Ông trở thành người hào hoa, khéo ăn khéo nói như một trí thức thật sự.
Trong số những người mà ông làm quen qua mạng, người phụ nữ tên Kim có một mối quan hệ gắn bó sâu sắc nhất với ông. Chị đã ngoài ba mươi, nhan sắc ở mức trung bình, chưa có lấy một mảnh tình vắt vai.
Chị Kim đang làm thông dịch viên cho một công ty nước ngoài, thời ấy được coi là danh giá lắm. Sau một thời gian quen biết qua mạng, mê nhau qua “những lời có cánh”, họ bắt đầu chuyển sang hẹn hò.
Vài lần, ông mượn cớ vào Sài Gòn thăm bạn để gặp gỡ. Qua lời ông Dũng nói, chị Kim vô cùng yêu thương và thông cảm cho người đàn ông trí thức tài hoa nhưng không gặp thời, vì hoàn cảnh phải lấy người vợ ít học, không biết chia sẻ...
Chuyện trai gái của họ rồi cũng đến tai bà Thảo. Trong một lần cô bồ của ông chồng về Hàm Tân chơi, họ đang tình tự trong khách sạn thì nhờ có bạn bè mách nước, bà vợ đến nơi và “bắt tại trận”. Từ đó, thay vì chấm dứt hay năn nỉ van xin, cặp tình nhân bàn bạc và quyết định công khai mối quan hệ, ông Dũng về yêu cầu vợ kí vào đơn ly hôn để họ đến với nhau.
Ban đầu, buồn khổ, chán nản và quá thất vọng với người chồng bê tha lại lăng nhăng, bà Thảo định bụng sẽ “kí phắt” vào đơn, để “ông đi cho khuất mắt”, nhưng rồi, những người chung quanh đều chê bà dại dột, tự dưng đồng ý “cho không” chồng, trong khi mình một nách ba con nhỏ.
Một vài người bảo, “thứ chồng đó bỏ thì cũng được, nhưng con nhỏ đó tiền nhiều lắm, nói nó bỏ lại một số tiền để mà nuôi con, rồi dắt nhau đi đâu thì đi”.
Nghĩ nát nước, vài ngày sau, bà hẹn gặp cô bồ của chồng để ra giá, nếu muốn đến sống với ông Dũng thì để lại cho bà một số tiền đáng kể để nuôi con.
Không biết người phụ nữ kia suy nghĩ ra sao, nhưng vài ngày sau, người ta thấy chị Kim mang đến cho bà Thảo 10 cây vàng - số tiền khá lớn mà thiên hạ gọi là tiền “mua chồng”.
Từ đó, ông Dũng theo vợ mới vào TPHCM sinh sống, bà Thảo ở nhà dùng số tiền trên làm vốn kinh doanh, buôn bán và nuôi ba đứa con nhỏ.
Theo Pháp luật Việt Nam