“Bán bò tậu ễnh ương”

Khi “say nắng”, đàn ông luôn so sánh, ước mong một sự thay đổi. Một bên là bà vợ suốt ngày nheo nhéo chuyện tiền nong, nhăn nhó, gắt gỏng với chồng con; một bên là cô tình nhân trẻ thơm như hoa, hiền như thỏ.

 
“Bán bò tậu ễnh ương” - 1


Vẻ tiều tụy, anh Minh Quân (41 tuổi, ở Q.Tân Bình) tìm đến bác sĩ tâm lý để điều trị chứng suy nhược. Mọi thứ như sụp đổ dưới chân khi anh nghe tin vợ cũ sắp kết hôn. Anh đau buồn, hụt hẫng vì “tin vui” này đến vào lúc anh đang nuôi ý định nối lại tình xưa.

 

Tại sao anh lại nuối tiếc người mà chính anh đã quyết dứt tình hai năm về trước; người mà anh đã gán ghép cho đủ thứ tội tình: tham lam, ích kỷ, chua ngoa…?

 

Những ngày đó, anh mới quen một cô họa sĩ trẻ duyên dáng, tình tứ trên một chuyến bay đêm lãng mạn nên càng ngày, anh càng thấy vợ xấu hơn, tệ hơn; trong khi lại thấy bao điều tốt đẹp, hấp dẫn ở cô tình nhân. “Sống là không chờ đợi”, anh không thể ép mình trói chân mãi bên “mụ phù thủy”.

 

Ban đầu, anh cũng chỉ toan lén lút quan hệ với cô bồ nhưng “giấy không gói được lửa”. Vợ anh phát hiện, làm ầm lên, tìm đến công ty của tình địch quậy tan tành. Cô họa sĩ bị đuổi việc, ức lòng đòi tự tử. Đến nước này, anh phải ra mặt bảo vệ người yêu. Anh nặng lời với vợ: “Phải hại chết người ta thì cô mới vừa lòng à? Cô quá độc ác, nhẫn tâm. Không hiểu sao tôi sống được với cô 10 năm qua”.

 

Không như anh nghĩ, cuộc hôn nhân thứ hai đã chóng vánh tan vỡ, nhanh như lúc hai người đến với nhau. Sống chung, thấy cô vợ mới không hề lý tưởng như mình mơ ước. Mỗi buổi tối đi làm về, anh ngán ngẩm nhìn giường chiếu bừa bộn, bếp núc lạnh tanh.

 

Vợ anh suốt ngày lo mua sắm, đi làm đẹp, đi bar bù khú với nhóm bạn... Anh chợt thèm tô canh chua bốc khói trên mâm, thèm mùi lá xông vợ cũ nấu mỗi khi anh cảm lạnh. Nằm đêm, nghe hơi thở sặc mùi bia và thuốc lá của vợ mới, anh lại nhớ đến vị mặn mồ hôi của người xưa.

 

Anh nhẹ nhàng góp ý, vợ mới cười khẩy: “Giờ là thời nào mà còn phải tam tòng tứ đức, mà vợ phải làm nô lệ cho chồng? Em là người kiếm được nhiều tiền, đâu phải ở nhà chờ chồng nuôi mà phải vào bếp”. Câu trả lời tỉnh bơ của vợ khiến anh mất ngủ hàng đêm.

 

Có nhiều nguyên nhân khiến anh Ngọc Sang (37 tuổi, thợ điện) bỏ vợ, nhưng quan trọng nhất là không hòa hợp tình dục. Trước đây, anh Sang đã không ngần ngại thổ lộ điều này với thẩm phán Lê Thị Hằng (Phó chánh án TAND Q.4, TPHCM).

 

Do sức khỏe không tốt, vợ anh thường xuyên từ chối chồng. “Cung không đáp ứng nổi cầu”, mâu thuẫn vợ chồng nảy sinh không có cơ hội giải tỏa. Để người ngoài thông cảm cho cái lý của người bỏ vợ, anh Sang cố kể nhiều khuyết điểm của vợ.

 

Trong con mắt anh, vợ anh chẳng còn điểm nào tốt đẹp, dễ thương, chỉ là một người đàn bà ngang bướng, không nhường nhịn chồng, không hiểu chồng, không làm ra tiền, lười biếng, hay ngồi lê đôi mách... Thấy anh quá cương quyết, không có thiện chí hàn gắn, tòa xử cho ly hôn.

 

Thế nhưng, chỉ sau vài năm, thẩm phán lại nhận được hồ sơ xin ly hôn của anh Sang với người vợ khác. Lần này, anh cũng có một danh sách dài kể tội vợ. Khi thẩm phán hòa giải để hàn gắn, anh thẳng thừng nói: “Tôi đã chịu đựng suốt ba năm nay vì sợ tiếng đời cười chê. Thực sự tôi không sống nổi với vợ thêm một ngày nào nữa. Tôi đã lầm và phải trả giá đắt khi bỏ người vợ tốt để rước về cái của nợ”. Đơn của anh Sang bị bác vì vợ anh mới sinh 10 tháng. Anh Sang cương quyết đến ngày sẽ nộp đơn lại, vì đã chán vợ đến tận cổ.

 

“Quay đầu là bờ”

 

Là con người, ai không có phút giây xao lòng hay khoảnh khắc ngoài chồng ngoài vợ. Nếu không dừng lại như một cuộc vui qua đường thì các ông dễ phụ bỏ vợ con để xây thiên đường hạnh phúc mới (nhất là trong tâm trạng vỡ mộng hôn nhân).

 

Hầu hết các ông chỉ rút ra được bài học xương máu sau khi đã thực sự trải nghiệm, tựa như chuyện dù gặp nhiều biển báo “nguy hiểm chết người” trên đường, các tay phiêu lưu cũng không chùn bước vì tin phía trước có mỏ vàng. Không chỉ ở phái mạnh mà với phụ nữ, những ảo tưởng và lầm lẫn như thế cũng chẳng hiếm. “Trai thương vợ cũ, gái nhớ chồng xưa”, cho dù điều đó không có nghĩa là tất cả chuyến đò muộn đều không cập được bến mơ.

 

Vợ cũng có nhiều ưu điểm, chồng cũng từng yêu say đắm nhưng lâu quá nên… quên. Cuộc sống cơm áo gạo tiền với hàng ngàn thứ vặt vãnh thường khiến người phụ nữ khó giữ được lời nói mềm mại nhẹ nhàng và cách ứng xử tế nhị. Ngược lại, cô tình nhân của giai đoạn mới yêu thì luôn ngọt ngào, quyến rũ.

 

Những cuộc chơi lén lút, những cuộc hẹn trong bóng tối không phải là môi trường lý tưởng để hai bên bộc lộ tất cả những mặt tốt và xấu. Mà dù có biểu hiện xấu cũng là “xấu - dễ thương”, là “xấu - cá tính”, luôn dễ dàng được bỏ qua. Khi sống chung một nhà, va chạm về tiền bạc, áp lực công việc, gánh nặng con cái… những thói xấu dù có giấu kỹ trong bọc cũng… lòi ra.

 

Chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Ngọc Diệp (Phòng tham vấn NVH Phụ Nữ TPHCM) phân tích: “Nguyên nhân cán cân bị lệch là do người đàn ông tự cân sai về giá trị của mình. Nếu thấy mình giàu, hào hoa, học cao, vợ không xứng thì anh ta dễ cho mình đặc quyền kiếm thêm vợ hoặc đổi vợ.

 

Từ chỗ đề cao giá trị bề nổi, anh ta dễ chạy theo bóng sắc, phù phiếm, theo các giá trị bên ngoài. Thái độ hôn nhân theo kiểu trông chờ được “nhận”, được “hưởng” thì không ai đủ tốt để đem hạnh phúc cho anh ta. Mình sống thật tốt, thật tích cực mà không giữ được gia đình thì mới không phải hối tiếc”.

 

Hai cuộc hôn nhân tan vỡ, nhiều người phải trả giá. Người chồng trả giá cho sự nông nổi, tham lam, ích kỷ, dại dột của mình. Người vợ cũ trả giá cho sự chểnh mảng, không khéo léo giữ chồng lại cho mình, giữ cha lại cho con. Người vợ mới trả giá cho sự dễ dãi, bừa bãi, phá hoại gia cang của người khác.

 

Nhưng, còn những đứa con, chúng đã làm gì mà phải trả giá? Sau hành trình chạy theo ảo ảnh, người đàn ông trở về với gia đình. Có thể anh ta vẫn được gọi là chồng, là cha, nhưng tiếng gọi thiêng liêng ấy đã mất đi cái hồn vì những tổn thương mà anh ta đã gây ra cho gia đình.

 

Nghe chuyện đứa con của anh bạn bỏ nhà đi để phản đối việc ba bỏ mẹ dọn sang nhà bồ nhí, anh Kim Lân (KCX Tân Thuận, Q.7) đã dũng cảm đổi chỗ làm, thay số điện thoại để cắt đứt với người tình. Dù tội nghiệp cô nhân tình nhưng anh biết, không sớm thì muộn cũng phải kết thúc. Anh không thú thật với vợ chuyện thầm lén vì sợ vợ ám ảnh, nghi ngờ.

 

Thời gian đầu trở về làm chồng ngoan, anh Lân thực sự rất “khó sống”. Vợ anh là người không biết lắng nghe, hay gắt gỏng, chê bai, phủ định chồng. Nhưng, anh tập nhìn vợ ở những mặt tích cực: thủy chung, đảm đang, sống nghĩa tình. Anh sắp xếp về sớm sau khi tan sở, ít nhậu nhẹt, chia sẻ công việc nhiều hơn, đóng góp tiền bạc nhiều hơn. Sự thay đổi của anh khiến vợ anh cũng dần điều chỉnh lời nói, thái độ theo chiều hướng tích cực hơn.

 

Anh Nhựt Tâm (Q.Thủ Đức) lại có chiêu riêng để “bỏ phở về cơm”. Những khi nhớ cô tình nhân mới chia tay, anh “đánh tráo cảm xúc” bằng cách xem lại những bức ảnh vợ chồng chụp chung khi chưa cưới, dẫn vợ đi dạo chơi ở chốn xưa. Tình yêu lãng mạn hồi sinh làm cho không khí gia đình trở nên thoải mái, vui vầy, ấm cúng hơn. “Khi gia đình gặp “nạn”, người đàn ông đừng ngụy biện, đổ lỗi cho vợ con mà hãy “tiên trách kỷ”.

 

Hãy làm những gì tốt nhất trong khả năng của mình. Phải thật can đảm, kiên trì và có phương pháp mới chiến thắng được dục vọng. Tôi từng định ly thân để sáng suốt, tỉnh táo trước sự chọn “vợ hay bồ” nhưng giờ, tôi không cần đến phương án ấy nữa” - anh Tâm chia sẻ.

 

Theo PNO