Bài học làm chồng
Quân cưới vợ sau vài ba cuộc tình dang dở, lại toàn bị người ta chủ động chia tay trước. Cũng vì vậy mà cả nhà gọi khinh là cậu út... khờ. Tất nhiên chỉ nói lén thôi, chứ dù gì Quân cũng là thầy giáo dạy văn ở một trường THPT có tiếng ngoài thị trấn, tuổi đã ngoài 30.
Hóa ra không phải vậy. Chưa gì đã thấy Quân khổ sở vì những lời dạy làm chồng trước ngày cưới. Ở nhà, Quân hay nói giỡn, nói nịnh kiểu má đẹp vậy sao lấy ba chi cho uổng, hay chị nấu ăn ngon thì cũng vừa vừa thôi, nấu ngon quá, quán tiệm mắc cỡ đóng cửa hết thì buồn lắm... Mọi người vẫn hỉ hả sung sướng, nhưng giờ thì má Quân nhắc nhở: Làm chồng không được khen vợ quá, vợ nó coi thường. Tánh Quân rất thoải mái, thường “sao cũng được, vậy cho khỏe”, nay bị rầy: Dễ dãi quá, vợ leo lên đầu ngồi. Làm chồng phải có phép tắc cho vợ nó sợ. Tình hình căng nhứt là lúc bên nhà gái qua nói chuyện xin cho đôi trẻ được thuê nhà ở riêng, vì lý do cô dâu phải dạy thêm vào buổi tối, học cao học vào thứ Bảy, Chủ nhật, không thể đi đi về về nhà cha mẹ chồng cách gần 20 cây số. Vạn bất đắc dĩ má Quân phải đồng ý. Nhưng, ngay sau đó, út Quân được cấp tốc “bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng” làm chồng, những bài căn bản như dạy vợ từ thuở còn thơ, ngày đầu chung sống kiên quyết không làm những việc nhỏ nhặt chỉ dành cho đàn bà như lặt rau, làm cá, quét nhà, giặt đồ, rửa chén... Vợ có nói lắm thì làm qua quýt, bầy hầy cho xong, vợ sẽ chán không sai biểu nữa. Bài này do chính chị gái của Quân “đứng lớp” truyền kinh nghiệm đau thương từ bản thân mình lại cho em trai. Ví dụ như đi chợ thì cứ mua thiệt nhiều, đừng thèm trả giá, vợ tiếc tiền, lần sau tự đi. Vợ bắt chở đi chợ, cứ giả bộ nhìn ngắm mê mẩn những bà, những cô xách giỏ tung tăng mặc đồ ngủ mỏng tang, bảo đảm lần sau vợ cho ở nhà ngủ khỏe...
Đến buổi học của người chị gái chưa chồng mới là ngán ngược. Quân được chị hẹn ra một quán cà phê sân vườn rồi bắt đầu thầm thì. Chị vốn kỹ tính, nói nhỏ, xài lại càng nhỏ hơn. Quân phải cố gắng lắm mới nghe được lời chị dạy, đại khái là chị cũng chậm chồng chị biết, gái cỡ tuổi này, công việc ổn định, không đua đòi ăn chơi, chắc chắn thế nào cũng có chút vốn lận lưng. Nếu vợ thiệt thà khai báo hết với chồng thì tốt, còn không em phải để ý coi vợ có ý đồ gì khác không, vợ có hay than thở chuyện tiền bạc không? Thường xuyên than túng thiếu cũng là một dấu hiệu của người keo kiệt, nếu vậy thì em không nên đưa hết thu nhập cho vợ quản lý, sẽ rất khó xin lại khi cần... Túm lại, bài học của người chị chưa chồng chỉ có một chữ: thủ, là cái tính mà xưa nay Quân ghét cay ghét đắng, nhưng vẫn phải cố gật gù nghe cho xong.
Học nhồi, học nhét riết tới ngày cưới, tưởng là xong. Ai dè, sau đó về thăm nhà, dì Năm kêu riêng ra hỏi: Vợ con nó vừa dạy, vừa học suốt, thời giờ đâu đi chợ nấu cơm, lo việc nhà? May là Quân đã được anh rể phụ đạo qua điện thoại, muốn hòa bình, má có hỏi gì đừng nói thiệt, nên cứ tỉnh bơ, dạ, vợ con lo hết, sáng dậy sớm đi chợ nấu cơm, tối thức khuya giặt quần áo, lau nhà, cổ chê con làm không sạch. Dì Năm có vẻ ưng bụng, ờ, vậy tốt, đừng cưng vợ, nó sẽ được trớn làm tới, sau này khó dạy.
Trên đường chở vợ về nhà, vợ thỏ thẻ: Nãy, má nói gì với anh? Nhớ lời dạy của anh rể, Quân nhanh trí trả lời, má nói ráng có cháu sớm cho má bồng. Vợ Quân vuốt ve lưng chồng, anh đó, đừng có chuyện gì cũng về nhà méc má, em mà biết được, đừng có trách. Quân nghe mà lạnh sống lưng, tự hỏi sao phụ nữ họ toàn làm khổ nhau không vậy? May mà có bài học của anh rể, chắc là còn áp dụng dài dài.
Theo Bạch Hạc
PNO