Bà nuông chiều, cháu nhiều tính xấu

Bố mẹ đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, bé Na (Nam Định) sống với bà ngoại từ nhỏ. Do được bà quá nuông chiều, đáp ứng hết mọi yêu cầu nên Na rất dễ nổi khùng khi không hài lòng điều gì đó.

Chiều nào đi học về, Na cũng bắt bà Bình (bà ngoại Na) dắt một vòng qua chợ. Hết mua đồ ăn, cô lại đòi đồ chơi, lúc lại cái váy, đôi giày, đôi dép... Thấy cháu đòi cái gì, bà Bình cũng rút tiền ra mua. Bà luôn nghĩ, Na đã thiếu thốn tình cảm của bố mẹ thì bà phải có trách nhiệm bù đắp bằng vật chất và tình yêu thương của bà.

Bà Bình thương bé Na vô cùng. Từ khi Na mới được 2 tháng thì đã phải xa mẹ. Mẹ bé Na đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc nên vài năm mới có thể về thăm con một lần. Bé Na chỉ được gặp mẹ qua màn hình điện thoại smartphone. Dù mẹ gọi điện về thường xuyên nhưng không ở gần mẹ, không được mẹ vỗ về, yêu thương nên Na không có nhiều tình cảm với mẹ. Mẹ gọi về cũng được, mà chẳng gọi về cũng không sao. Na không có cảm giác nhớ nhung, mong ngóng mẹ.

Thương đứa cháu gái không được sống cùng bố mẹ nên bà Bình rất cưng chiều cháu. Khi học tiểu học, Na thường đòi bà mua đồ ăn vặt để mang đến lớp cho các bạn. Ngày nào cũng vậy, Na thường "mua chuộc" các bạn bằng đồ ăn, đồ chơi để các bạn chơi cùng mình. Thói quen thích gì được nấy, tiêu tiền không tiết kiệm đã "ngấm" vào Na như thế.

Bà nuông chiều, cháu nhiều tính xấu - 1

Ảnh minh họa.

Giờ lên lớp 6, nhu cầu tiêu tiền của Na không đơn giản là mấy món ăn vặt. Na điệu đà, đua đòi với các bạn nên thích ăn diện, trang điểm. Ban đầu, cần thứ gì, Na còn thẳng thắn xin tiền bà. Nhưng thấy cháu mua quá nhiều thứ không cần thiết, bà Bình đã "vặn vẹo" và từ chối cháu. Thấy bà không đáp ứng yêu cầu, Na nổi khùng và giận dỗi bà.

Bà không cho tiền, Na tìm cách xin tiền bà. Lúc thì Na nói đi sinh nhật bạn, lúc lại bảo phải nộp tiền mua trang thiết bị ở lớp, tiền học thêm... Sau này, số tiền này vẫn không đủ cho nhu cầu tiêu của Na, em đã tìm cách lấy trộm tiền của bà.

Ban đầu, mất số tiền ít, bà Bình còn không để ý. Nhưng có lần mất đến tiền triệu, bà Bình bỗng ngờ ngợ. Bà nhớ đến một vài cái áo, cái quần lạ mắt mà Na mặc. Rõ ràng, những bộ quần áo ấy không phải bà mua, cũng không phải người họ hàng trong gia đình tặng cho Na. Có lần hỏi, Na chỉ bảo đó là quần áo mà bạn bè cho mượn. Chưa hết, trong cặp sách của Na còn có bộ đồ trang điểm. Giờ thì bà chắc chắn, Na chính là "thủ phạm" trong vụ mất tiền của bà.

Thế nhưng khi được hỏi, Na chối bay chối biến. Na còn gào lên ăn vạ. Bà Bình cảm thấy chính vì mình quá nuông chiều cháu dẫn đến Na của ngày hôm nay. Bà đã đơn giản nghĩ, muốn được bù đắp cho cháu, muốn được cháu yêu quý hơn nên đáp ứng mọi yêu cầu của cháu. Bà đã không nghĩ rằng, yêu thương cháu thì cần phải nghĩ đến tương lai của cháu. Việc đáp ứng của trẻ chỉ để có được niềm vui trước mắt thì không thể gọi là tình yêu. Bà đã không nghĩ đến rồi trẻ nhỏ cũng sẽ phải bước qua thời dậy thì với nhiều rắc rối.

Chắc chắn, bà Bình sẽ nói chuyện với con gái cân nhắc việc về Việt Nam để chăm sóc, gần gũi, yêu thương, dạy dỗ cô con gái mới lớn. Khi cháu bước vào lứa tuổi có nhiều vấn đề này, với một người già như bà Bình, việc dạy dỗ cháu thực sự vượt quá khả năng của bà.

Theo N.Minh

Phụ Nữ Việt Nam