Bà cận kề tuổi 90, tôi rất sợ lần sau về quê không còn có ngoại nữa
(Dân trí) - Giữa trưa nắng hè, bạn chở tôi ra bến xe. Trên đường đi, bạn cứ hỏi đi hỏi lại một câu: "Không ở lại đi du lịch với cơ quan à? Ở quê có gì vui đâu mà về suốt thế". Tôi cười: "Ở quê, tôi có ngoại".
Vừa đến ngõ, tôi đã nghe mùi khói chiều từ trong bếp bay ra. Mái nhà cấp 4 nép bên hàng rào bằng cây rậm rạp là miền cổ tích tuổi thơ tôi suốt cả quãng đời thơ dại. Trên chiếc bàn gỗ nhỏ kê giữa sân là chiếc chõng tre, một đĩa ổi đã được ngoại hái sẵn bày ở đó. Tôi biết, ngoại đã hái để đợi tôi về.
Từ bếp đi ra, giọng ngoại run run không rõ mừng, không rõ vui: "Cún về rồi à?". Chao ôi, 28 tuổi rồi, ngoại vẫn gọi tôi bằng cái tên đặt từ thời thơ bé. Chẳng còn ai gọi tôi là "Cún" nữa, mà sao ngoại gọi nghe lại dễ thương đến lạ kỳ.
Ngoại có 6 người con, đã hai lần "đầu bạc tiễn đầu xanh". Cận kề tuổi 90, ngoại sống một mình. Con cái đều chọn lập nghiệp ở phương xa, cũng có đứa làm ông này bà nọ. Bao nhiêu cuộc họp gia đình đã diễn ra, bao nhiêu thuyết phục và cả giận hờn, không ai đưa nổi ngoại lên thành phố.
"Nhà tôi, tôi ở, sao phải đi đâu", trước sau gì ngoại cũng chỉ nói một câu có thế thôi. Con trai, con gái, con dâu, con rể cũng "bó tay" trước sự "ương bướng" của mẹ mình. Đến việc xây cho ngoại một ngôi nhà to hơn, đẹp hơn để con cháu có chốn đi về khang trang, rộng rãi, để "nở mày nở mặt" với hàng xóm láng giềng, ngoại cũng không cho.
Những người làng bảo ngoại "sướng không biết đường sướng", có người còn kêu ngoại "gàn dở". Thói đời, ai già rồi chẳng muốn ở gần con cháu để được chăm nom, còn ngoại mắt mờ, chân chậm vẫn ở một mình như người già neo đơn vậy.
Là đứa cháu nhỏ tuổi nhất của bà, tôi chưa từng hỏi vì sao ngoại không thích sum vầy cùng cháu con. Điều tôi có thể làm từ nhỏ là mỗi kỳ nghỉ hè đều xin bố mẹ về quê ở với ngoại 1-2 tháng. Sau này đi làm, tôi tranh thủ những ngày nghỉ lễ để về. Bạn bè tôi ở quê cũng nhiều, dù nơi này không phải nơi tôi sinh ra mà cả tuổi thơ in đầy kỷ niệm.
Sau bữa cơm, hai bà cháu ngồi ở bàn gỗ kê giữa sân, chiếc quạt quay vòng cũng không thể xua đàn muỗi đói. Những món ăn ngoại nấu, không sơn hào hải vị cao sang nhưng lần nào tôi cũng ăn căng bụng. Ăn xong rồi nằm ngửa nhìn trời đêm, im ắng đến lạ thường, không gian này lạ mà quen, quen rồi mà vẫn lạ.
Ngoại nhắc tôi gần 30 tuổi nên "yên bề gia thất" được rồi. Tôi kể với ngoại chuyện mẹ tôi nói, đợi khi nào tôi lấy vợ, mẹ giao nhà cửa lại cho vợ chồng tôi, mẹ về quê ở với ngoại.
Ngoại nói, ngoại hiểu tâm ý các con các cháu. Không phải ngoại thích ở một mình, ngoại cũng biết buồn chứ. Nhưng người già, tính nết khó chiều, ăn ở cũng có phần khác biệt, không muốn phiền cháu con. Huống hồ cả đời ngoại sống ở quê, thân thuộc từng khóm cây, bụi cỏ. Nơi đây, chồng và hai người con của mình đã nằm lại, ngoại không nỡ lòng nào rời đi.
Ngoại kể, dạo này ngoại hay thấy ông về. Ông đứng ở cửa, cứ nhìn ngoại không nói năng, nhìn rồi lẳng lặng rời đi. Ngoại hỏi tôi: "Có phải ông chờ ngoại lâu quá nên sốt ruột rồi không?". Tôi cười mà cay xè khóe mắt.
Chính mẹ và chị gái tôi vẫn không ngừng ngạc nhiên khi tôi chăm chỉ về quê đến vậy. Mỗi lần về quê, được ăn cơm ngoại nấu, được nghe tiếng ngoại nói cười, tôi thấy lòng bình yên và ấm áp.
Tôi cũng luôn tự lo lắng hỏi mình, không biết tôi còn được bao lần ngồi bên, nắm lấy bàn tay nhăn nheo, đồi mồi của ngoại, giã hộ ngoại cối trầu, chải hộ ngoại mái tóc lưa thưa bạc màu mây khói.
Dẫu biết trần gian chỉ là cõi tạm, ai rồi cũng phải rời đi, tôi vẫn hoảng sợ vô cùng khi nghĩ đến một ngày nào đó, tôi về nơi này chẳng còn ai ngóng đợi. Cuộc đời như một phép trừ, gặp nhau một lần, ít đi một lần. Lần nào rời đi, tôi cũng sợ rằng đó là lần cuối mình còn có ngoại.
Ngoại không chỉ là quê, là tuổi thơ, là kỷ niệm. Ngoại còn làm một miền yên bình trong trái tim tôi.
Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.