Anh không thích ở rể

Một trang web gần đây có mở cuộc thảo luận với chủ đề: “Thưa các quý ông, xin vui lòng cho biết ý kiến của các ông về vấn đề ở rể?” thì đồng loạt các “tham luận” cho rằng: Chỉ bất đắc dĩ đàn ông mới phải chịu cảnh “chó chui gầm chạn”.

Đại loại như sau:

 

- Được chứ sao không? Ngày xưa Hàn Tín chui qua háng người bán thịt lợn mà vẫn được người đời sau ngưỡng mộ là danh tướng. Có điều cả đời “chó chui gầm chạn” thì đúng là sống cũng uổng. - Chắc tui thì không.

 

- Một nguyên nhân duy nhất: “Phiền”! - Nếu không đủ khả năng nuôi vợ con, cũng không ngại bị... nghe chửi mỗi ngày, và cũng không còn lòng tự ái đàn ông thì cứ việc ở rể.

 

- Vì khi thiếu 3 điều trên, không ở rể thì còn biết sống ở đâu bây giờ? - Vừa có vợ, vừa được ăn ở không tốn tiền, vậy còn muốn gì nữa?...

 

Tất nhiên ai cũng hiểu đây chỉ là những câu nói đùa hài hước, nhưng nó cũng phản ánh một thực tế là hầu hết đàn ông Việt Nam không thích “ở rể”. Điều này thể hiện rất rõ trong đời sống các cặp vợ chồng trẻ thời nay, đặc biệt ở các chàng rể xuất thân ở tỉnh lẻ nhưng sống, làm việc và lấy vợ người thành phố.

 

Trong nhiều trường hợp, mặc dù gia đình vợ khá giả, có nhà cao cửa rộng, ông bà nhạc lại tha thiết mời chào đôi vợ chồng trẻ về “ở chung cho vui cửa vui nhà”, nhưng các chàng rể vẫn kiên quyết “thuê nhà ở riêng”. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng tựu chung là ở hai vấn đề sau đây:

 

1. Vì sĩ diện

 

Dù sao đàn ông Việt Nam cũng vẫn bị ảnh hưởng nặng nề của ý thức hệ phong kiến, tức là máu gia trưởng, độc đoán vẫn còn ăn sâu trong ý thức của họ. Quan niệm “thuyền theo lái, gái theo chồng”, hay “xuất giá tòng phu” dường như chưa có sự thay đổi căn bản ngay cả trong xã hội hiện đại. Đa số đàn ông đều không có hứng thú với việc ở rể vì sĩ diện.

 

Ở rể bao giờ cũng chịu điều tiếng của thiên hạ về sự bất tài nên phải núp bóng vợ, là “chó chui gầm chạn”. Theo khảo sát của công ty TNHH Nghiên cứu, tư vấn giải pháp tâm lý TNA thì trong 100 đấng nam nhi được hỏi, có tới 68% đàn ông khẳng định không bao giờ chịu ở “nhà bà ngoại”, 18% cho rằng còn tùy thuộc vào điều kiện cụ thể và chỉ có 14% trả lời “sẵn sàng ở rể nếu không có nhà”.

 

Anh Tuấn, quê Yên Bái, sau khi cưới quyết đi tìm thuê một căn nhà nhỏ để sống, mặc dù bố vợ tha thiết mời hai vợ chồng về ở cả căn nhà rộng thênh thang mà trước đó chỉ có 2 ông bà và cô con gái ở với nhau. Tuấn cho rằng nếu ở đó, thiên hạ sẽ dị nghị, cho rằng anh lăm le “chiếm nhà của bố vợ”. Hiền tuy rất thương bố mẹ nhưng vẫn phải nghe theo chồng ra ở trong căn nhà thuê chật chội và thiếu tiện nghi.

 

2. Vì mất tự do

 

Điều mà các đấng mày râu ngán ngẩm nhất khi ở chung với bố mẹ vợ là mất tự do cá nhân. Một chàng “ở rể” than thở: “Ở rể khó đủ đường. Nào là ăn nói phải để ý từng câu, từng chữ kẻo lỡ miệng là phạm thượng. Đi uống tí rượu với bạn về muộn cũng bị “soi”. Ở nhà vào mùa hè ngồi đối diện với mẹ vợ mà mặc quần đùi cũng bất tiện, và cái dở nhất là người ở rể không khác gì kẻ ăn nhờ ở đậu”.

 

Một chàng khác tâm sự: Riêng việc làm quen với sinh hoạt gia đình vợ anh phải mất cả mấy tháng trời dưới sự chỉ bảo từng ly từng tý của... nhạc mẫu. Vợ anh đã quen với việc được mẹ lo cho mọi thứ nên giao toàn quyền cho mẹ “dạy chồng”. Sống ở nhà vợ anh chẳng khác nào tù giam lỏng. Nhiều lúc bực mình nhưng anh chẳng dám nặng lời một câu với vợ, vì có chuyện gì là vợ lại mếu máo đi mách mẹ. Con gái làm gì sai mẹ vợ anh không góp ý, còn “đỡ đạn”. “Tính nó thế, anh phải nhẹ nhàng đừng có làm nó sợ. Con gái người ta giận chồng còn có nhà mẹ đẻ mà bỏ về chứ nó biết bỏ đi đâu?”.

 

Gia đình của mình thật đấy, nhưng anh chẳng có tý “quyền đàn ông” nào, việc gì vợ anh cũng tham khảo ý kiến bố mẹ thay vì hỏi chồng. Đến cả chuyện lúc nào nên mang thai cũng do mẹ vợ lo, tin vui làm bố của anh cũng do mẹ vợ thông báo nốt!

 

Chuyện ở rể của anh H cũng là một “vấn đề”. Ba mẹ vợ anh là nhà giáo nên sống khá mô phạm. Ông bà lại rất tự tin về cách sống của mình. Do đó họ can thiệp, chỉ giáo cho vợ chồng anh thực hiện biện pháp tránh thai họ cũng tìm hiểu, góp ý.

 

Được ba mẹ vợ quan tâm mà H lại chẳng vui vì chưa bao giờ anh được làm theo ý mình. Hễ có điều gì không phải, anh nói lại là họ lại cho rằng khinh thường họ, còn cứ nhất nhất nghe theo thì vô hình chung anh đã mất hết chủ quyền ở trong ngôi nhà này, mà ba mẹ vợ anh mới là chủ và họ có quyền ra quyết định đối với tất cả mọi việc.

 

Thu nhập của hai vợ chồng Trung thấp, ra ngoài thuê nhà ở thì chi phí cũng khá lớn, trả tiền hằng tháng cho bố mẹ vợ thì ông bà không lấy, không trả thì cũng sống không yên.

 

Nhà tập thể chật chội, tối tối vui đùa với con cái cũng ngại vì ông bà xem tivi, có điện thoại gọi tới cũng bị kiểm soát chặt chẽ. Đêm muốn xem bóng đá cũng không được. Vợ chồng căng thẳng muốn cãi nhau cũng không xong...

 

Nói chung “ở rể” là còn nhiều nhiều vấn đề lắm, rất gò bó, mất tự do, ở riêng coi chuyện ở nhờ cha mẹ vợ như giải pháp tình thế trong lúc tiền bạc chưa dư giả để tậu mái nhà riêng cho chính mình.

 

Thời nay các gia đình ở thành phố đều ít con, thậm chí nhiều gia đình chỉ có 1- 2 cô con gái, do đó nhiều bậc cha mẹ mong con kiếm được tấm chồng “chịu ở rể”. Thế nhưng: “Mời chúng nó về ở mà chẳng đứa nào chịu cả”, đó là nỗi lo lắng và lời ca thán muôn thuở của những bậc phụ huynh không có con trai.

 

Tuy nhiên đã có không ít trường hợp ban đầu các chàng rể còn đắn đo vì lời khuyên “đừng dại mà chui gầm chạn”, nhưng rồi cuộc sống “ở rể” của họ lại khá thuận buồm xuôi gió. Kinh nghiệm cho thấy, nếu không vì mục đích vụ lợi, ỷ lại thì thật ra việc “ở rể” không có gì đáng ngại.

 

Và để việc ở rể không ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc lứa đôi thì trước hết, các thành viên trong gia đình cần phải biết yêu thương, tôn trọng lẫn nhau. Để cho các chàng trai thời nay chịu “ở rể”, các nhà tâm lý học đã đưa ra những lời khuyên sau đây dành cho các thành viên gia đình bên vợ như sau:

 

1. Đối với bố mẹ vợ

 

 - Luôn nghĩ rằng yêu con gái mình trước hết phải yêu con rể. Điều này luôn đúng vì hạnh phúc của người phụ nữ phụ thuộc rất nhiều vào chồng. Sự yêu thương, quý mến từ bố mẹ vợ là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn đối với chàng rể. Điều đó góp phần vun xới hạnh phúc của chính con gái mình.

 

- Tiền bạc có thể kiếm được, nhưng một tấm chồng tốt thì cha mẹ không thể “mua” cho con bằng bất kỳ vật chất nào.

 

- “Dâu là con, rể là khách”. Nhớ được điều này giúp bố mẹ vợ dung hòa không khí trong gia đình và mối quan hệ với con rể.

 

- Tuy sống chung một nhà nhưng cha mẹ vợ đừng can thiệp quá sâu vào đời sống của đôi vợ chồng trẻ. Nên tế nhị để hai con có cuộc sống riêng tư, để chàng rể cảm thấy thoải mái, coi nhà vợ như nhà mình. Có như vậy cặp vợ chồng trẻ mới có hạnh phúc trọn vẹn.

 

2. Đối với người vợ

 

 - Hãy chứng tỏ bạn là người vợ khéo léo, tế nhị, hiểu chồng, đồng thời biết dung hòa mối quan hệ với bố mẹ để các cụ không mất lòng kẻo lại rơi vào tình huống khó xử “nhất bên trọng, nhất bên khinh”.

 

- Luôn tạo ra bầu không khí vui vẻ trong gia đình, làm “cầu nối” giữa chồng và bố mẹ. Lôi kéo cả hai bên tham gia vào những hoạt động chung của gia đình để mọi người hiểu nhau hơn.

 

- Giúp chàng trở thành người bạn tâm giao của “bố vợ”. Khiến cả hai xích lại gần nhau qua các sở thích chung như đánh cờ, cùng chăm cây cảnh, tranh luận về các vấn đề thời sự...

 

- Không ai hiểu con bằng cha mẹ, vì vậy bạn hãy thẳng thắn chia sẻ với các cụ những khó khăn của chàng khi phải “ở rể”. Chắc chắn hai cụ sẽ đưa ra những lời khuyên tốt nhất cho bạn, qua đó cũng hiểu con gái, con rể nhiều hơn.

 

- Đừng để mất “liên lạc” với chồng vì lúc đấy bạn sẽ không biết chàng nghĩ gì và phải làm gì để cải thiện tình hình. Việc này khiến chàng cảm thấy lạc lõng giữa gia đình nhà vợ. Thường xuyên trao đổi tâm sự, quan tâm đến chàng.

 

- Khi hai người có xung đột, hãy “đóng cửa bảo nhau”. Chớ nên vội vàng để mọi người trong nhà biết khi cả hai chưa cùng nói chuyện.

 

- Bây giờ hai người đã là một “gia đình”. Cần học cách vun vén cho “gia đình nhỏ” của mình ngay trong “gia đình lớn” với cha mẹ và anh chị em của bạn.

 

Đây là cách bạn thể hiện sự tôn trọng với chồng. Cư xử khéo léo khiến chàng không mất mặt trước “nhà vợ” dù lỗi có do ai. Chắc chắn khi “lặng gió” chàng sẽ rất hạnh phúc và thầm cảm ơn sự khéo léo, nhạy cảm của bạn trong việc “đối nội”.

 

Cuối cùng, điều bạn nên luôn tâm niệm là dù chàng “ở rể” hay bạn “làm dâu”, quan trọng nhất vẫn là vợ chồng được bên nhau và đời đời hạnh phúc.

 

Theo Yên Phong

Hạnh phúc gia đình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm