Anh “hai mái”
Ba mươi tuổi, dang dở vài mối tình, tôi chán đời, muốn đi tu. Cả nhà xúm lại can ngăn. Mấy đứa em khuyên, hay là xin nghỉ việc đi chơi vài ba tháng, chừng nào thấy hết buồn thì đi tìm việc làm khác. Tôi xách giỏ lên đường về quê ngoại.
Tiếng là ở quê, nhưng nhà ngoại buôn bán tạp hóa tại chợ thị trấn, sát mặt đường, người ra kẻ vô tấp nập suốt ngày. Sau một tuần nghỉ ngơi, đi thăm hỏi bà con, tôi bắt đầu phụ ngoại và cậu mợ buôn bán. Công việc không nặng nhọc, không mệt óc, nhưng lắt nhắt từ sáng đến chiều cũng khiến tôi vơi đi nỗi buồn.
Một buổi trưa, đang ngồi nghe nhạc trông quán cho cả nhà nghỉ ngơi, thì có một người trạc ba mươi tuổi bước vào, đưa cho tôi một tờ giấy dặn mua đường đậu… nói chung là toàn bộ những thứ để nấu một nồi chè đậu xanh. Thấy tôi cân đong còn lạng quạng, anh ấy tỏ ý phụ giúp rồi thoăn thoắt xúc mỗi loại vào một túi ni lông để tôi cân cho nhanh. Đến bữa cơm chiều, khi nghe tôi kể lại, mấy đứa em họ cùng ồ lên: Anh “hai mái”. Tôi thắc mắc, các em giải thích: “Tại ảnh chẻ tóc hai mái”. Ngoại nói thằng đó hiền lành, dễ thương nhứt xứ. Làm thầy giáo mà trưa nào cũng đi mua đường đậu về cho má nấu chè bán. Mấy đứa em lại hát lên: “Bà Tư bán chè có bốn người con”. Chỉ có vài chi tiết vậy mà sao tôi nhớ dai, hỏi thăm anh mỗi ngày vài câu, lâu dần thành quen biết, chuyện trò cũng rôm rả lắm. Ngoại thấy vậy, đốc vô. Mấy đứa em lại xúi ra. Ngoại kể, ba anh ấy mất sớm, má anh bệnh triền miên, một mình anh vừa lo má vừa chăm ba đứa em ốm o quặt quẹo, nên chuyện bếp núc, chợ búa anh rành rẽ. Chuyện nhà anh khiến tôi tò mò, tôi tìm đến ăn chè và học cách nấu… Sau đó chúng tôi hẹn hò. Lần đầu tiên anh nắm tay, tôi khai thiệt: “Em thiếu nữ tính. Anh có chê thì chê sớm sớm…”. Anh thiệt thà: “Còn anh thì hơi nhiều nữ tính, nên bị mấy cô nghi… mới ở vậy tới giờ”.
Tôi quyết định trụ lại ở quê, lấy chồng, làm ăn. Cả nhà phản đối… chàng rể, với lý do duy nhất: mềm yếu quá.
Mười lăm năm chung sống, có với nhau hai đứa con trai, hôn nhân chúng tôi không sóng gió gì lớn. Năm đầu cũng có chệch choạc, do tôi vốn vụng về, còn anh lại khéo tay quá… Sau đó thì tất cả đi vào nền nếp, thường thì anh làm bếp chính, tôi làm bếp phụ. Anh đi chợ, nấu cơm, tôi dọn dẹp nhà cửa, rửa chén, tưới cây. Anh chăm sóc bữa ăn, quần áo, bài vở cho con, còn tôi đưa đón chúng. Dạy con thì tôi đóng “vai ác”, anh đóng “vai hiền”. Khi có chuyện gì cần quyết định chung của cả nhà, sau khi “định hướng” kỹ lưỡng, cho tôi chọn lựa, anh thường nói: “Ý em sao, ý anh vậy”. Rồi hai thằng con: “Ý ba má sao, ý tụi con vậy” khiến tôi ngất ngây hạnh phúc.
Theo PNO