7 cách giúp cha mẹ dạy trẻ vượt qua sự ghen tỵ

Nếu cha mẹ không biết cách ứng xử sẽ khiến sự ghen tỵ ở trẻ sẽ phát triển thành lòng đố kỵ, cảm giác thiếu tự tin khi trẻ lớn lên. Vậy làm thế nào để cha mẹ dạy trẻ vượt qua sự ghen tỵ?

Đừng so sánh con với trẻ khác

Chẳng có hai đứa trẻ nào giống nhau nên nếu bạn mong đợi những kỹ năng, hành vi giống nhau từ chúng là điều phi thực tế. Những đứa trẻ ghen tỵ với người khác thì có lẽ đã bị so sánh với những đứa trẻ khác trong quá khứ. Bị so sánh với người khác đã dạy trẻ rằng mình không giỏi, có nhiều thiếu sót. Mặc khác, nếu trẻ thấy mình không đạt được kết quả như trẻ khác thì trẻ sẽ liên tục cảm thấy mình cần phải giống như trẻ đó và con người thật của mình không bao giờ được như kỳ vọng, mong muốn của cha mẹ.

7 cách giúp cha mẹ dạy trẻ vượt qua sự ghen tỵ - 1

Đừng so sánh con với trẻ khác sẽ làm nảy sinh sự ghen tỵ

Ví dụ, khi bạn liên tục bảo con trai mình: “Phải giống như chị con ấy” thì sẽ khó nuôi dưỡng tinh thần yêu thương anh chị em ở trẻ. Hoặc bố mẹ có thể so sánh các con với nhau và nói rằng đứa này, đứa kia là giỏi nhất. Đôi khi chúng ta không nhận thấy sự tổn thương mà mình đã gây ra cho trẻ bằng cách so sánh chúng với nhau, khiến trẻ thấy rằng bản thân kém cỏi, cảm giác bị bỏ rơi.

Con cái chúng ta càng tự tin thì chúng càng ít có khả năng bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cảm giác ghen tỵ. Những lời khẳng định tích cực của cha mẹ sẽ khuyến khích trẻ nhận ra hành vi tốt và điểm mạnh của mình. Vì thế, cha mẹ hãy tránh so sánh trẻ với những trẻ khác bởi vì ai cũng là phiên bản đặc biệt và duy nhất.

Khen ngợi cố gắng của trẻ thay vì chỉ nhìn vào kết quả

Cha mẹ hãy dạy con vượt qua sự ghen tỵ bằng việc đặt nền tảng vững chắc để xây dựng sự tự tin cho con. Khi sự ghen tỵ xuất hiện ví dụ như con cái thua kém trẻ khác thì những lời khẳng định tích cực, khen ngợi cho nỗ lực của con sẽ giúp xoa dịu cảm giác ghen tỵ, so bì ở trẻ. Và quan trọng nhất là tình yêu vô điều kiện của cha mẹ dành cho con dù con làm chưa tốt, chưa giỏi so với người khác.

Những đứa trẻ không an toàn trong tình yêu của cha mẹ thường tin rằng tình yêu dựa trên thành tích, kết quả chúng đạt được. Nếu con bạn biết rằng bạn yêu chúng và tự hào về chúng ngay cả khi trẻ không đứng đầu lớp hoặc không phải là người giành cúp vô địch trong môn thể thao trẻ tham gia thì trẻ sẽ nhận ra rằng bạn yêu chúng chứ không phải những gì chúng làm. Tình yêu vô điều kiện của cha mẹ giúp giảm bớt sự ghen tỵ ở trẻ; giúp trẻ biết rằng, từ khi sinh ra, mình đã được bố mẹ yêu thương đơn giản chỉ vì là chính bản thân mình chứ không phải vì mình giỏi giang, vượt trội mới được yêu thương.

Dừng ngay những lời lẽ tiêu cực của trẻ

Nếu bố mẹ nghe thấy con mình nói về bản thân bằng những lời lẽ tiêu cực thì hãy bảo trẻ dừng ngay việc này lại. Ví dụ, nếu con bạn tự gọi mình là “ngu ngốc” vì không làm được một bài toán khó cô giáo giao về nhà thì lúc này, hãy nhìn vào mắt con bạn và nói: “Con có thể không làm được bài tập về nhà nhưng điều đó không có nghĩa là con ngu ngốc”. 

Bạn nên chỉ ra những điểm mạnh và nhắc nhở, trò chuyện với con rằng mọi người đều khác nhau, có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Sau đó, bạn có thể cùng trẻ tìm cách giải và hoàn thành bài toán đó.

Khen ngợi, nuôi dưỡng thế mạnh riêng của trẻ

Cha mẹ có trách nhiệm rất lớn trong việc xây dựng cảm xúc của trẻ, khiến chúng thấy mình được khen ngợi, công nhận hay cảm thấy bất an, tầm thường. Trẻ nghe và cảm nhận mọi thứ rất khác so với người lớn. Vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ cần nhận thức được tác động của những từ ngữ mình dành cho trẻ. Hãy dành cho con những lời khen ngợi chính xác để trẻ thấy mình được công nhận, tự tin về bản thân.

7 cách giúp cha mẹ dạy trẻ vượt qua sự ghen tỵ - 2

Cha mẹ nên khen ngợi, nuôi dưỡng thế mạnh riêng của mỗi đứa trẻ

Bằng cách tìm cơ hội để khen ngợi con bạn một cách thích hợp, bạn nhắc nhở chúng rằng chúng thực sự có khả năng, có thế mạnh riêng. Mọi đứa trẻ đều thích nghe cha mẹ chia sẻ về điểm mạnh của mình. Nói về điểm mạnh đặc biệt nào đó sẽ nuôi dưỡng lòng tự trọng, tự tin của trẻ. Hãy khen ngợi những thế mạnh riêng của mỗi đứa trẻ và tạo điều kiện tốt để trẻ nuôi dưỡng, phát triển thế mạnh đó.

Mang lại cho trẻ nhiều trải nghiệm thay vì vật chất

Cảm giác ghen tỵ ở trẻ có thể là kết quả của việc tập trung quá nhiều vào của cải vật chất. Bằng cách mang lại cho con những trải nghiệm thực tế, thú vị sẽ giúp trẻ không còn quá để ý đến sự ghen tỵ, so bì với người khác. Chẳng hạn như cho trẻ tham gia chuyến đi đến viện bảo tàng, một kỳ nghỉ ngắn ngày dành cho gia đình thay vì để trẻ vùi đầu say mê với trò chơi điện tử mới. 

Qua đó, con bạn sẽ học được rằng có nhiều thứ như trải nghiệm vui vẻ, cảm giác hạnh phúc còn quan trọng, quý giá hơn những thứ vật chất. Hoặc bạn có thể đưa con đến thăm trại trẻ mồ côi, tham gia hoạt động tình nguyện giúp đỡ những người khó khăn để trẻ thấy rằng mình may mắn đến mức nào và thấy biết ơn với những gì mình đang có.

Nói “không” với những yêu cầu của trẻ

Việc nhượng bộ và đáp ứng mọi điều trẻ muốn sẽ khiến sự ghen tỵ ở trẻ càng lớn dần lên. Ví dụ, trẻ thấy bạn bè có đồ chơi, quần áo mới thì trẻ cũng muốn mình phải có những đó. Và nếu được nuông chiều quá mức, con sẽ có cảm giác mình phải hơn thua với người khác. Do đó, khi trẻ thấy ai đó giỏi hơn hoặc sở hữu đồ vật gì tốt hơn thì sẽ nảy sinh tâm lý ghen tỵ, trạng thái bất an.

7 cách giúp cha mẹ dạy trẻ vượt qua sự ghen tỵ - 3

Đừng nhượng bộ, đáp ứng mọi điều trẻ muốn

Thay vì đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ, cha mẹ nên học cách nói “không”. Bằng cách này, bạn có thể khơi dậy cảm giác đánh giá cao những lần bạn nói “có” với mong muốn của trẻ. Đây cũng là một cách tự nhiên dạy con bạn biết quý trọng những thứ mà chúng nhận được.

Cha mẹ làm gương cho con cái

Nếu bạn đang ao ước có chiếc xe mới của hàng xóm hoặc liên tục phàn nàn về tài năng, tiền bạc hoặc gia đình của người khác thì chính là bạn đang dạy con mình rằng việc nuôi dưỡng sự ghen tỵ là điều có thể chấp nhận được. Và trẻ sẽ nhìn vào cha mẹ để học và sẽ lớn lên với sự ghen tỵ, đố kỵ với người khác.

Không có gì dạy trẻ tốt hơn là tấm gương từ cha mẹ. Cha mẹ nên thể hiện lòng biết ơn và ý thức về giá trị bản thân bằng cách đánh giá cao đối với những của cải vật chất, tài năng mà mình có. Hài lòng với chính mình, hoàn cảnh gia đình mình và cũng luôn luôn nỗ lực để cải thiện mọi thứ tốt hơn chứ không phải ghen tỵ, đua tranh với người khác.