5 mối bất hòa trong nhà

Các cuộc tranh cãi của vợ chồng xảy đến lúc này tới lúc khác, chuyện này tới chuyện khác nhưng thường xoay quanh 5 chủ đề chính: Tiền bạc, chuyện phòng the, con cái, công việc và việc nhà.

 
5 mối bất hòa trong nhà  - 1


1. Tiền bạc

 

Một cuộc khảo sát trên tạp chí Tài chính thông minh (Smart money magazine) cho biết, khoảng 70% cặp vợ chồng có mâu thuẫn chuyện tiền bạc ít nhất một lần trong tuần. Tình hình căng hơn khi một người chuyên tiết kiệm, còn người kia chuyên tiêu xài.

 

Say Ruth Hayden (tác giả cuốn sách Chuyện tiền bạc dành cho vợ chồng) gợi ý: “Cách tốt nhất để tránh mâu thuẫn là minh bạch về thu nhập. Vợ/ chồng có khoản riêng để chi tiêu cá nhân và khoản chung dành cho ngân quỹ gia đình”.

 

2. “Chuyện ấy”

 

“Chuyện đó” là keo gắn tốt nhưng cũng chứa chất đẩy khiến vợ chồng xa cách. Những mâu thuẫn ngấm ngầm về tần suất “giao ban”, cảm giác được yêu thương, tôn trọng có thể phá hoại tình cảm bất kỳ lúc nào. Tất nhiên, những cặp đôi có đời sống gối chăn viên mãn thì hạnh phúc hơn. Sự buồn chán chỉ xảy đến khi “chuyện đó” thành lộ trình buồn tẻ. Điều nguy hiểm là có những bất mãn, người vợ (chồng) thường giấu trong lòng thay vì tìm cách cởi mở. Khi vượt quá giới hạn thì việc ngoại tình cũng xảy đến.

 

Jan Sinatra (tác giả cuốn sách Tình yêu cho phụ nữ) chia sẻ: “Không giống một vết thương ngoài da, rắc rối về chuyện đó không phải lúc nào cũng hiển hiện. Cách tăng thân mật là vợ chồng cần nói chuyện và tạo thời gian cho tình yêu, tình dục”.

 

3. Công việc

 

Quyết định phân chia thời gian cho công việc, gia đình và người bạn đời trở nên ngày một khó khăn hơn. Mâu thuẫn sẽ phát sinh khi công việc của chồng (vợ) gây thất vọng cho người còn lại; chẳng hạn, người vợ muốn dành cuối tuần để cả nhà vui chơi trong khi người chồng dành thời gian đó cho việc làm thêm. Hoặc, một người làm việc, dồn hết việc nhà cho người còn lại. Anh ấy (cô ấy) sẽ cảm thấy không công bằng, chán nản vì đối phương vô trách nhiệm.

 

Một chuyên gia tâm lý cho biết: “Cãi vã nổ ra do quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, nếu bình tĩnh, biết thông cảm và chia sẻ, vợ chồng sẽ vượt qua được khó khăn này”.

 

4. Con cái

 

Chuyện có con ngay hay “kế hoạch” cũng có thể trở thành một cuộc cãi cọ. Những bất đồng lớn khác ở các cặp đôi khi có con gồm: Tiền bạc, trách nhiệm của vợ (chồng) với con, “chuyện ấy”, quan hệ với ông bà nội (ngoại)/ người trông bé…

 

Stenphen Covey (tác giả cuốn sách 7 thói quen ảnh hưởng đến gia đình) cho biết: “Khi chuyện chăm con trở nên căng thẳng, quan trọng là không để nó gây hại cho tình cảm vợ chồng. Nói chuyện và nói chuyện nhiều hơn sẽ rất tốt. Nhưng thật khó để giao tiếp khi cả hai luôn bận rộn và mệt mỏi. Hãy giải quyết vấn đề từ khi nó còn nhỏ thay vì đợi nó phình ra to hơn”.

 

5. Việc nhà

 

Tranh cãi về việc nhà là do vợ (chồng) cảm thấy không thỏa mãn và không được chia sẻ. Một người (thường là vợ) luôn mệt mỏi vì phải đảm đương việc nhà trong khi người còn lại “ung dung”. Điều này khiến người “bị bóc lột” có cảm giác không được yêu thương và tôn trọng. Nó còn dẫn tới sự bất công, nhất là khi người làm được nhiều tiền hơn (thường là chồng) coi việc nhà không phải trách nhiệm của bản thân.

 

Một chuyên gia tâm lý chia sẻ: “Tình yêu và sự tôn trọng luôn đi kèm với nhau. Vì thế, không có chuyện một người nhàn còn một người khổ cực”.

 

Yếu tố khác khiến vợ chồng hay cãi cọ về việc nhà là chuyện sạch - bẩn. Nếu một người luôn muốn sự hoàn mỹ, còn đối phương là kẻ qua loa thì cãi vã là điều khó tránh. Vì thế, vợ chồng cần ngồi xuống và lên lịch việc nhà chi tiết, nhất là khi đã có con nhỏ.

 

Cũng cần hạ bớt chuẩn khi hoàn thành việc nhà để đôi bên không bị áp lực; lắng nghe ý kiến của đối phương về cách chọn việc nhà thay vì áp đặt; động viên tinh thần người bạn đời thay vì “bới lông tìm vết”.

 

Theo Ngọc Diệp

Mẹ và bé/ Sixwise

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm