Phát triển cây mắc-ca trở thành sản phẩm quốc gia
Là Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ trưởng Trần Đại Quang yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng sớm đề xuất Chính phủ bổ sung mắc-ca là cây công nghiệp chiến lược mới.
Cây Macadamia (thường gọi là cây mắc-ca) là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao. Hạt mắc- ca có giá trị dinh dưỡng cao và được mệnh danh là “Hoàng hậu của quả khô”. Ngoài hạt là sản phẩm chính, vỏ quả mắc - ca có thể được nghiền làm thức ăn gia súc, trong khi vỏ hạt có thể dùng làm nhiên liệu, hoặc nghiền làm vật liệu hữu cơ. Hiện nay trên thế giới cầu gấp 4 lần cung.
Tuy nhiên loại cây này lại rất kén khí hậu và thổ nhưỡng, và Tây Nguyên, Việt Nam là một trong số ít nơi trên thế giới trồng được loại cây này với khí hậu không lạnh quá và không có sương muối khi thời điểm cây ra hoa, được xem là vùng đất thích hợp để trồng loại cây này.
Mặc dù được trồng ở Tây Nguyên từ những năm 1990, nhưng mắc-ca chưa thực sự được chú trọng, bởi người dân thiếu vốn, hơn nữa họ lo lắng về hạt giống cũng như “đầu ra” cho sản phẩm. Trước những vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank) khẳng định, ngân hàng sẽ dành nguồn vốn lớn, khoảng 10.000 tỷ đồng để cho các hộ nông dân vay để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là đầu tư cho cây mắc-ca.
Loại cây cà phê, cao su, tiêu, điều của đồng bào Tây Nguyên đang già cỗi, đặc biệt là cây cà phê. Do đó, đây chính là thời điểm đặt ra nhu cầu bức thiết về tái cơ cấu cây trồng và tìm kiếm, lựa chọn một cây trồng công nghiệp chiến lược mới cho Tây Nguyên. Cùng với đó, LienVietPostBank cũng sẽ phối hợp cùng Công ty CP Him Lam cử chuyên gia đến hướng dẫn người dân lựa chọn giống, cũng như cách thức trồng cây mắc-ca để loại cây này có thể mang lại hiệu quả cao nhất.
Với những lý do nêu trên cùng với khoảng 3 triệu hecta rừng; 1,5 triệu hecta đất bazan màu mỡ, chiếm đến 60% đất bazan cả nước, theo ông Hưởng “Tây Nguyên hoàn toàn có khả năng trở thành thủ phủ của “cây tỷ đô” mắc ca, không những tại Việt Nam mà còn toàn Đông Nam Á”.
Là ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực cung cấp tín dụng cho việc trồng và phát triển cây mắc ca - loài cây được xác định là cây chiến lược mới của khu vực Tây Nguyên - LienVietPostBank một lần nữa khẳng định mục tiêu trở thành “ngân hàng của mọi người”, luôn mang đến khách hàng những sản phẩm, dịch vụ tài chính nhiều tiện ích, đặc biệt là ngân hàng đi đầu trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn. Phát triển tín dụng cho khu vực Nông nghiệp – Nông thôn là một chính sách lớn và xuyên suốt trong quá trình hoạt động của LienVietPostBank. Hiện nay, khoảng 40% dư nợ tín dụng của LienVietPostBank thuộc khu vực này.
“Với cơ sở khoa học, thực tiễn trồng thử nghiệm, nhu cầu trong nước và trên thế giới về hạt mắc-ca, chúng ta đi đến thống nhất về định hướng đưa mắc-ca trở thành cây công nghiệp chiến lược mới, nhằm phát triển kinh tế-xã hội khu vực Tây Nguyên”.
Phát biểu tại hội thảo về phát triển cây mắc-ca tại khu vực Tây Nguyên, diễn ra ở Đà Lạt sáng 7/2, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhấn mạnh: Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của cả nước, là vùng giàu tiềm năng, lợi thế để phát triển. Khu vực này hiện có cây cà phê là chủ lực, nhưng phần lớn đã già cỗi, đang đứng trước yêu cầu tái canh.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng, mắc-ca là loại cây lâm-công nghiệp, có tuổi thọ kinh tế đến 40-60 năm. Và sau 10 năm nghiên cứu, thử nghiệm cho thấy, vùng Tây Nguyên và Tây Bắc có điều kiện sinh thái phù hợp để cây mắc-ca sinh trưởng, cho năng suất cao.
“Có thể khẳng định lợi thế của cây mắc-ca tại Tây Nguyên là rất lớn, khi vừa có thể trồng xen với cà phê, chè, vừa có thể trồng tập trung thành rừng công nghiệp. Đồng thời, một số mô hình trồng mắc-ca xen cà phê được người dân đánh giá cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với cây cà phê, do mắc-ca chịu hạn tốt, ít tốn công chăm sóc và hiện chưa phát hiện sâu bệnh gây hại”, Đại tướng Trần Đại Quang nói.
Là Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ trưởng Trần Đại Quang yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng sớm đề xuất Chính phủ bổ sung mắc-ca là cây công nghiệp chiến lược mới. Đồng thời, ban hành các chủ trương, chính sách khuyến khích trồng, tiêu thụ sản phẩm của loại cây này.
Ông cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy nhanh xây dựng một chương trình quốc gia về phát triển cây mắc-ca tại Việt Nam, trên cơ sở phối hợp với các địa phương có tiềm năng như các tỉnh Tây Nguyên, chú trọng trồng và sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và khai thác đồng bộ chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ và tận thu sản phẩm từ mắc-ca.
Đáng chú ý, theo Bộ trưởng, cấp ủy và chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cần xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai phát triển mắc-ca trên địa bàn. “Tiến tới, mắc-ca phải trở thành sản phẩm quốc gia, đưa Việt Nam không chỉ có tên trên bản đồ mắc-ca, mà còn sớm trở thành một trong những cường quốc mắc-ca trên thế giới”, ông nói.
Minh Hà