Ngoạn mục câu chuyện đầu ra cho sản phẩm Làng Tre

Có dịp đến với trung tâm thương mại Big C Đồng Nai, chúng tôi tình cờ bắt gặp một gian hàng đặc biệt, đặc biệt cả về nguồn gốc sản phẩm được bày bán lẫn câu chuyện nhân văn phía sau sự ra đời của gian hàng này.

Chủ gian hàng không phải một người, mà là tập thể những người khuyết tật, neo đơn, cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật... đang sống tại Trung tâm nhân đạo Làng Tre – Đồng Nai. Họ vừa là chủ, vừa là người bán hàng và vừa là thợ sản xuất. Họ bắt đầu “sự nghiệp” kinh doanh với sự hỗ trợ từ dự án “Big Cộng Đồng” do anh Lê Tuấn Đạt – nhân viên thu ngân Big C Đồng Nai trực tiếp thực hiện.

 
Ngoạn mục câu chuyện đầu ra cho sản phẩm Làng Tre - 1
Quầy lưu niệm “Làng Tre yêu thương” tại trung tâm thương mại Big C Đồng Nai

 

Được biết, khi Big C phát động cuộc thi nội bộ “Big Cộng Đồng” nhằm khuyến khích nhân viên thực hiện các dự án xã hội, anh Lê Tuấn Đạt đã nghĩ ngay đến những con người nơi đây. Tận dụng những ngày nghỉ ca, anh đến Làng Tre tìm hiểu thực tế, tính toán để xây dựng được một dự án thực sự hiệu quả dành cho họ. Bằng tâm huyết và một kế hoạch đầy thuyết phục, dự án của anh đã được ban lãnh đạo Big C chọn là 1 trong 8 dự án xuất sắc nhất nhận được tài trợ để triển khai.

 

   

Ngoạn mục câu chuyện đầu ra cho sản phẩm Làng Tre - 2
Nỗ lực vươn lên của những mảnh đời “tàn nhưng không phế” tại Trung tâm nhân đạo Làng Tre

 

Với 40 triệu đồng có được từ ngân sách tài trợ, anh Lê Tuấn Đạt đã cùng với những nghệ nhân nơi đây bắt tay vào việc thu mua nguyên vật liệu gồm hạt cườm, hoa nhựa, kẽm, sắt, đá, giấy bạc,... rồi bằng đôi tay khéo léo, họ xâu kết, tạo hình và gửi hồn vào từng sản phẩm. Tận mắt chứng kiến những sản phẩm độc đáo, lạ mắt như bình hoa, móc khoá, ví cầm tay, ông già noel, con kiến tre, giỏ xách, vòng cổ, hoa mai,... có độ tinh xảo cao mới thấy hết những nổ lực, sự chuyên cần, sáng tạo và mong muốn làm chủ cuộc sống của những mảnh đời ở Làng Tre.

 

 

Ngoạn mục câu chuyện đầu ra cho sản phẩm Làng Tre - 3
Đại diện Làng Tre và Big C cắt băng khai trương quầy lưu niệm “Làng Tre yêu thương” tại Big C Đồng Nai

 

Người sáng mắt thì bán hàng, tạo mẫu, tính toán tiền bạc, người khiếm thị thì tỉ mỉ với công việc đan, kết, hoàn thành sản phẩm…Tất cả đều góp sức cho công việc kinh doanh, không ai thấy mình là người thừa hay vô ích. Ngoài những chi tiêu cần thiết, tiền lãi hàng tháng được dùng đắp vào số vốn ban đầu nhằm mở rộng kinh doanh, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho các thành viên của Làng.  

 

Anh Hùng – một người khiếm thị tại Làng Tre chia sẻ: “Đây là nguồn động viên to lớn, giúp chúng tôi có công ăn việc làm, đồng thời những sản phẩm này được tung ra thị trường có thể cho mọi người thấy rằng chúng tôi tàn nhưng không phế”.

 

Ngoạn mục câu chuyện đầu ra cho sản phẩm Làng Tre - 4
Bằng đôi tay khéo léo, nghệ nhân Làng Tre đã tạo nên những món quà lưu niệm độc đáo, lạ mắt

 

Còn Thầy Bổn – Quản lý Trung tâm nhân đạo Làng Tre chia sẻ thêm “Khi giúp đỡ bằng tiền thì bao nhiêu cũng không đủ, núi cũng hết, nhưng chương trình này giúp chúng tôi một nơi có lợi nhuận hàng tháng để lo cho mọi người. Không phải mình chỉ dùng một lần rồi hết mà có thể xoay vòng nhiều lần, không chỉ cho lớp người này mà còn để cho lớp người sau nữa”.

 

 

Ngoạn mục câu chuyện đầu ra cho sản phẩm Làng Tre - 5
Quầy lưu niệm thu hút nhiều khách hàng đến tham quan, mua sắm

 

Sau gần 3 tháng đưa vào hoạt động, quầy lưu niệm đặt tại Trung tâm thương mại Big C Đồng Nai đã đạt những kết quả rất khả quan, mang đến nguồn thu ổn định cho Làng Tre, góp phần cải thiện cuộc sống của những thành viên nơi đây. Dự án trên đã phần nào chắp thêm đôi cánh cho những mong ước sống có ích, minh chứng sống động cho những cuộc đời “tàn nhưng không phế” trong xã hội.                                                                    

 

Thật vậy, cùng sự chung tay của cộng đồng, những mảnh đời khó khăn hoàn toàn có thể tự vươn lên, đứng vững trên đôi chân của mình và đóng góp tích cực cho xã hội.

 

Ngọc Trâm - Diệp Bình