“Hội Thảo Xanh” lần thứ 2 và những trăn trở về nguồn tài nguyên nước
Tại Việt Nam, xu hướng “thiết kế thân thiện với môi trường” hay thường được gọi vắn tắt là “thiết kế sinh thái” đang ngày càng càng phát triển mạnh hơn như một minh chứng cho nỗ lực bảo vệ môi trường sống của con người.
Với tinh thần đó, ngày 17.11.2011, tại TP. HCM, công ty Kohler và Hội kiến trúc sư TP. HCM (HAA) đã tổ chứcHội thảoCông trình Xanh lần thứ 2 với chủ đề “Giải pháp xanh cho phát triển dự án tại Việt Nam”.
Tiếp tục lấy nguồn tài nguyên nước làm trọng tâm, buổi hội thảo trong khuôn khổ sự kiện này đã xoáy sâu vào các vấn đề về xử lý nước thải, tận dụng nguồn nước mưa, hệ thống tiêu chuẩn xây dựng công trình xanh, giải pháp tiết kiệm nước nhờ các thiết bị vệ sinh cải tiến và cả vận dụng kiến thức về thiết kế sinh thái vào trong quá trình thiết kế.
Đại diện công ty Kohler cùng các diễn giả trong hội nghị bàn tròn thảo luận phát triển dự án xanh tại Việt Nam
Hội thảo mở đầu với phần giới thiệu của GS-TS-KTS Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam (INEV), về những quy định hiện hành và công nghệ xử lý nước thải trong các tòa nhà thương mại tại Việt Nam. Ông nhấn mạnh vai trò của việc giải quyết tốt hệ thống thoát nước bên trong công trình xây dựng và sự cần thiết phải thiết lập hệ thống xử lý nước thải cục bộ cho các khu nhà ở, khu đô thị mới, các tòa nhà thương mại… trước khi thải vào hệ thống thoát nước chung đô thị. Những kiến thức về những công nghệ xử lý nước thải trong công trình đang được áp dụng tại Việt Nam và trên thế giới như quy trình USBF (thiết lập trên nguyên lý bể lắng dòng chảy lên có lớp bùn lơ lửng), BIOFAST (gồm hệ thống xử lý với vi sinh, sục khí siêu tốc, khử trùng ôzôn và điều khiển tự động), bể tự hoại cải tiến BASTAF… cũng được ông giới thiệu đến quan khách tham dự. Ngoài ra, tận dụng nước mưa, tái sử dụng nước thải sinh hoạt được nhấn mạnh như các giải pháp hiệu quả giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên nước.
Ông Joseph Azzarello, Kỹ sư, Chuyên viên cấp cao về Phát triển bền vững của Công ty Kohler là một trong ba Diễn giả tại Hội thảo
Mặc khác, thao tác xử lý tốt nước thải để tránh ô nhiễm nguồn nước, tận dụng nước mưa, tái sử dụng nước sinh hoạt… để bảo vệ nguồn nước sẽ là chưa trọn vẹn nếu thiếu đi yêu cầu tiết kiệm nước ngay trong quá trình sử dụng.

Hình ảnh Vòi cảm ứng – Công nghệ Hybrid

Hình ảnh Toilet Wellworth – Công nghệ Class Five

Hình ảnh Toilet San Raphael – Công nghệ Class Five
Trong bài phát biểu: “Tiêu chuẩn xây dựng công trình xanh LEED, sử dụng nước hiệu quả và vấn đề xử lý nước thải theo tiêu chuẩn LEED. LEED tại Việt Nam”, ông Joseph Azzarello, kỹ sư-chuyên viên cấp cao về phát triển bền vững của công ty Kohler, đã giới thiệu súc tích và tổng quan về hệ thống xếp hạng công trình xanh có uy tín hàng đầu thế giới này cùng những tiêu chí có liên quan đến vấn đề sử dụng nước hiệu quả. Theo đó, giải pháp tối ưu nhất hiện nay là thiết kế các thiết bị vệ sinh có khả năng tiết kiệm nước. Các thiết kế cải tiến của bồn tiếu nam Steward không sử dụng nước; phần lọc ở đầu vòi nước (aerator) giúp lưu lượng dòng chảy giảm từ 2,2 gpm (gallons per minute - khoảng 8,3 lít một phút) như thông thường xuống còn 1,5 gpm (khoảng 5,7 lít một phút); vòi sen với lưu lượng nước cực nhỏ là 6,6 lít trong một phút vẫn đảm bảo chức năng thư giãn; các loại bồn cầu chỉ có mức tiêu tốn dao động trong khoảng 4,2 đến 4,8 lít nước cho một lần xả (trong khi đó loại bồn cầu được dùng phổ biến tại nước ta vẫn là 9 lít cho một lần xả)… đã trở thành những giải pháp tiết kiệm nước khả thi. Cũng theo tính toán của Kohler, với một ngôi nhà có 4 phòng tắm sử dụng bồn cầu 4,8 lít một lần xả, trung bình hàng năm gia đình đó tiết kiệm được hơn 62.000 lít nước.
Hội thảo còn có sự tham gia của KTS Nguyễn Văn Tất - Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Kiến trúc sư TP. HCM. Ông đã giới thiệu về công trình Trụ sở UBND và Khối quản lý Nhà nước thị xã Châu Đốc do ông và cộng sự tại công ty TNHH tư vấn và thiết kế TAD tư vấn thiết kế. Công trình đã đạt giải thưởng đặc biệt chuyên đề “Kiến trúc xanh 2010” do tạp chí BCI Asia bình chọn này như một ví dụ sinh động về ứng dụng sự am hiểu về kiến trúc sinh thái để tạo nên những công trình “xanh” thực sự.
Tú Tân