5 kiểu người khó tiến xa trong công việc

Bạn chọn được công việc phù hợp để gắn bó và lập mục tiêu xa hơn là được đề bạt lên những vị trí chủ chốt, quản lý trong công ty. Tích lũy kinh nghiệm và nâng cao chuyên môn là việc đương nhiên phải làm, nhưng bạn cũng đừng quên một yếu tố không kém phần quan trọng khi công ty đánh giá nhân viên: Đó là tính cách.

5 kiểu người khó tiến xa trong công việc - 1

Theo Trưởng phòng Nhân sự của CareerLink.vn, đơn vị tư vấn tuyển dụng ứng viên và tìm kiếm việc làm hàng đầu tại Việt Nam, có 5 kiểu người sẽ khó tiến xa trong công việc bởi có những tính cách không phù hợp để trở thành người quản lý.

Tham khảo thông tin việc làm mới nhất tại https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-nhanh

1. Ghen tỵ với đồng nghiệp

Đồng nghiệp được đề bạt, bạn cho rằng họ không xứng đáng vì bạn có năng lực, kinh nghiệm và thành tích vượt trội hơn hẳn. Thế rồi mọi mục tiêu của bạn trong công việc dần thu hẹp, chỉ xoay quanh người đồng nghiệp vừa được thăng chức: những nỗ lực trong công việc chỉ nhằm chứng minh rằng bạn giỏi hơn; hay nếu buộc phải làm việc chung nhóm thì bạn luôn tỏ thái độ bất mãn hoặc khiêu chiến nhằm hạ bệ đối phương.

Giải pháp: Hãy chứng tỏ năng lực của mình có ý nghĩa như thế nào với công ty, không nên hơn thua với bất kỳ ai. Nếu có đặt mình ra so sánh với đồng nghiệp, chỉ cần quan sát những mặt tốt của họ như cách xử lý công việc, cách giao tiếp để học hỏi mà thôi.

2. Không giữ được bí mật

Sếp gặp riêng bạn và trao đổi một số công việc liên quan đến dự án mới mà công ty sắp triển khai. Bạn hết sức vui mừng vì cảm thấy mình được tin tưởng, được tạo cơ hội để phát huy năng lực. Không kìm nén được sự hào hứng, bạn kể với mọi người về công việc mà mình được giao phó.

Giải pháp: Thật ra, dù sếp không dặn phải giữ kín nội dung công việc, nhưng nếu bạn thấy sếp không trao đổi công khai trước mặt mọi người thì có lẽ dự án vẫn đang nằm trong giai đoạn ý tưởng và quan trọng là bạn không nên làm lộ bí mật của công ty.

3. Không biết lắng nghe

Trong giao tiếp, lắng nghe luôn là một kỹ năng hết sức quan trọng. Đối với công việc cũng vậy, nếu bạn thực sự không thể lắng nghe ý kiến của bất kỳ ai; lúc nào cũng chỉ thấy ý của mình là đúng, sẵn sàng phản bác lại mọi người ngay cả khi họ chưa dứt lời, thì chắc chắn sẽ gây bất mãn cho tất cả những ai làm việc cùng.

Giải pháp: Đừng cố chấp giữ khư khư quan điểm của mình. Hãy dừng lại một nhịp trước khi có ý định cắt ngang lời, thay vào đó lắng nghe với thái độ chân thành và phản biện ý kiến của người khác dựa trên nội dung họ đã trao đổi. Đó vừa là sự tôn trọng, vừa khiến người đối diện tiếp thu ý kiến của bạn tích cực hơn vì họ cảm thấy đã được lắng nghe và được phản hồi.

4. Thiếu sự dứt khoát

Trước mỗi sự việc, bạn đều suy tính thiệt hơn, cân nhắc lợi hại rồi mới hành động. Điều này vô cùng cần thiết, nhưng bạn mất bao lâu để đưa ra được quyết định cuối cùng? Nhiều người cho rằng đó là sự cẩn trọng nhưng lại không nhận ra sự cẩn trọng đến mức chậm chạp ấy có thể khiến bản thân bỏ lỡ rất nhiều cơ hội.

Vì thế, ở quy mô tập thể, người quản lý không có tính dứt khoát luôn mất quá nhiều thời gian để cân nhắc, khiến nhóm mất cơ hội nhận những dự án tốt; đôi khi còn trở thành nhóm không có tiếng nói ở công ty vì cứ mãi suy tính trong khi mọi người đã giải quyết dứt điểm vấn đề được đặt ra rồi.

Giải pháp: Tập cho mình thói quen suy nghĩ cẩn thận, đưa ra quyết định nhanh chóng nhưng không hấp tấp để mắc sai lầm.

5. Thiếu lập trường

Không ít người thường bị đồng nghiệp gán cho biệt danh "kẻ ba phải" hay "gió chiều nào xoay chiều ấy". Nguyên nhân là vì những người này không những không đưa ra được quan điểm, ý kiến riêng của mình mà luôn thấy ai nói cũng đúng, cũng không biết mình tán thành ý kiến của ai.

Bạn có thể hình dung mẫu người như vậy dẫu có tham gia bao nhiêu buổi họp thì cũng không ai nhận ra sự có mặt của họ bởi ý kiến của họ luôn giống ý của người khác, vậy tại sao cấp trên phải đề bạt họ?

Giải pháp: Tập thói quen giải thích cho mỗi nhận định mà mình nêu ra. Luôn quan sát sự việc theo nhiều hướng để có cái nhìn tổng thể; nghe và ghi chép ý kiến của mọi người và tổng hợp những gì còn thiếu nhằm nhìn ra được mình đồng tình hay không đồng tình với ý kiến nào.

Câu châm ngôn “Hành động tạo nên thói quen, thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận” luôn đúng trong mọi hoàn cảnh. Nếu có những kiểu tính cách như trên, bạn nên cố gắng để thay đổi trước khi nó trở thành chướng ngại vật cản bước chân của bạn trên con đường sự nghiệp. Chúc bạn thành công.

Mừng Mẫn