Sinh viên Việt Nam tự tin với cuộc thi Shell Eco-Marathon Châu Á 2013

Từ ngày 4 đến 7/7/2013, 6 đội sinh viên Việt Nam sẽ cùng 140 đội tại hơn 18 quốc gia Châu Á, tham dự cuộc thi chế tạo xe tiết kiệm nhiên liệu Shell Eco-Marathon Châu Á được tổ chức lần thứ 4 tại Kuala Lumpur, Malaysia.

Dưới đây là một vài chia sẻ của bà Nguyễn Ánh Tuyết, Chủ tịch công ty Shell Việt Nam thuộc tập đoàn Shell toàn cầu - đơn vị tạo ra sân chơi giáo dục có ý nghĩa này:
 
Bà Nguyễn Ánh Tuyết
Bà Nguyễn Ánh Tuyết
 
- Xin bà giới thiệu đôi nét về cuộc thi Shell Eco-Marathon?
 
Shell Eco-Marathon là cuộc thi toàn cầu do Shell tổ chức thường niên không chỉ nhằm mục đích khích lệ tinh thần sáng tạo của sinh viên mà còn xây dựng một nền tảng kĩ thuật cho tương lai, tạo nên những thiết bị vận chuyển hiệu suất cao và tiết kiệm nhiên liệu.
 
Để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về năng lượng và giảm thiểu lượng khí CO2 thải ra, cuộc thi Shell Eco-Marathon sẽ thách thức các đội tham gia trong việc thiết kế, chế tạo và thử nghiệm những cỗ xe có thể di chuyển xa nhất và sử dụng ít nhiên liệu nhất.
 
- Đây là một mục tiêu vô cùng có ý nghĩa với cộng đồng, với môi trường, nhất là trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt. Bà có nhớ Shell Eco-Marathon được khởi nguồn từ đâu?
 
Cuộc thi Chế tạo Xe tiết kiệm nhiên liệu Shell Eco-Marathon khởi nguồn từ năm 1939 tại một phòng nghiên cứu của Shell tại Mỹ. Lúc đó, giữa hai nhà khoa học đã thực hiện một cuộc thi để xem ai có thể đi được khoảng cách xa nhất tính trên mỗi gallon nhiên liệu bằng phương tiện của mình. Người thắng cuộc lúc đó chỉ đạt được 50mpg (21 km/lít nhiên liệu).
 
Và từ sự kiện khiêm tốn như vậy, một cuộc thi có quy mô hơn đã được hình thành. Vào năm 1985 tại Pháp, cuộc thi Shell Eco-Marathon chính thức được ra đời. Tháng 4/2007, cuộc thi Shell Eco-Marathon Châu Mỹ được phát động tại Mỹ, và năm 2010, Shell Eco-Marathon lần đầu tiên đến Châu Á và được tổ chức tại Malaysia, trong đó có sự tham dự của các sinh viên Việt Nam.
 
Nhóm sinh viên Đại học Bách Khoa với sản phẩm sẽ đem đến cuộc thi Shell Eco-Marathon Châu Á 2013
Nhóm sinh viên Đại học Bách Khoa với sản phẩm sẽ đem đến cuộc thi Shell Eco-Marathon Châu Á 2013
 
- Bà đánh giá thế nào năng lực của các sinh viên Việt Nam khi tham gia vào sân chơi quốc tế này?
 
Việt Nam tham gia Shell Eco-Marathon Châu Á lần đầu vào năm 2011 với 3 đội và tăng dần từ 4 đội trong năm 2012 lên 6 đội trong năm 2013. Cuộc thi là sự kết nối hoàn hảo giữa lí thuyết và thực hành. Sau mỗi cuộc thi, những kiến thức và kinh nghiệm đã giúp các bạn ngày càng hoàn thiện mẫu xe của mình hơn.
 
Đáng chú ý, năm 2012, Việt Nam để lại dấu ấn tại cuộc thi với giải nhì của đội BIO-ENERGY của trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự tiến bộ vượt bậc của đội chỉ sau một năm tham dự cuộc thi.
 
Năm nay đội BIO-ENERGY đến với cuộc thi với những cải tiến về thiết kế và động cơ với mong muốn vượt qua được thành tích của chính mình.
 
Đặc biệt năm nay là lần đầu tiên Việt Nam tham dự ở hạng mục thi “Xe mô hình đô thị” với đội thi IUH-03 đến từ trường Đại Học Công Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hạng mục dành cho những mẫu xe bốn bánh một người chạy gần giống với các mẫu đang có mặt trên thị trường.
 
- Công ty Shell Việt Nam có những chính sách hỗ trợ như thế nào cho các đội tham dự cuộc thi năm nay?
 
Mục đích của cuộc thi là đem đến cho các bạn sinh viên một cái nhìn sát nhất với thực tế - các bạn sẽ phải tự quản lí dự án xe của mình, từ khâu tìm kiếm nhà tài trợ, kêu gọi gây quỹ và quảng bá hình ảnh cho mẫu xe của mình đến thiết kế, chế tạo xe.
 
Để tạo điều kiện cho các đội tham gia thuận lợi, công ty Shell hỗ trợ một khoản trọn gói để các đội sử dụng chi phí đi lại và ăn ở cho các đội thi đấu tại nước sở tại với mong muốn các bạn sẽ có được những trải nghiệm tốt đẹp nhất từ cuộc thi.
 
- Liệu những nhà phát minh trẻ này của Việt Nam có thể tin vào một ngày không xa, sản phẩm trí tuệ của mình sẽ được ứng dụng, giúp người Việt nói riêng và nhân loại nói chung có thể tiếp cận các loại xe tiết kiệm nhiên liệu?
 
Như chúng tôi đã trình bày, đây là một cuộc thi nhằm tạo ra sân chơi dành cho sinh viên, khuyến khích thế hệ trẻ phát huy khả năng sáng tạo đưa ra những giải pháp về năng lượng, tiết kiệm nhiên liệu. Nhưng để những sản phẩm này được đưa vào ứng dụng thực tiễn thì cần có sự vào cuộc các ban ngành, Chính phủ, các doanh nghiệp và cộng đồng.
 
Xin cảm ơn bà!
 

Tại cuộc thi năm nay, các đội học sinh sẽ thi đấu để có cơ hội thắng các gói giải thưởng có tổng giá trị cao lên đến USD 65.500. Có 24 giải thưởng trên-đường-đua chính với tổng trị giá lên tới 36.000 USD; 9 giải phụ ngoài-đường-đua ví dụ như  “Thiết kế thân thiên với môi trường”, “Tinh thần đồng đội” và “Tinh thần thi đấu”, tổng trị giá 16.500 USD; và đặc biệt, tất cả các đội sẽ tham gia giải “Giải pháp năng lượng tương lai”, bao gồm 4 giải thưởng dành cho các đội có những giải pháp năng lượng tương lai hay nhất, tổng trị giá 11.000 USD.

Bằng Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm