1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Hội nghị lần 4 VFF nhiệm kỳ V:

Xoáy sâu bốn “điểm nóng”

(Dân trí) - Sau phần “hội” khá yên bình và dài lê thê, phần “nghị” liên tục được đốt nóng bởi nhiều ý kiến xoay quanh các vấn đề đã được dự báo trước: sự cồng kềnh của bộ máy quản lý - điều hành, chiếc ghế PCT chuyên môn, biên chế nhân sự và thứ hạng của BĐVN.

> Bầu bán và tuyển lên đường

> Ghế Phó chủ tịch chuyên môn đã có chủ

> Giật mình với chỉ tiêu... lùi

> VFF tự quyết số lượng thành viên BCH

Vì các UV BCH phát biểu quá “hăng”, Hội nghị phải kéo dài đến tận đầu giờ chiều. Những vấn đề được đưa lên bàn mổ không quá mới mẻ, nhưng đây là lần đầu những những tồn tại được chính “người nhà” VFF nói thẳng với nhau.

 

“Cấp quản lý không quản lý, cấp điều hành vừa điều hành, vừa… quản lý”

 

Ông Chu Hồng Thanh cho rằng: “Mô hình VFF khoá V hiện nay chẳng giống ai: không giống mô hình của FIFA, cũng khác với các tổ chức xã hội nghề nghiệp ở VN. Bộ máy VFF về cơ bản được phân thành 2 cấp: quản lý và điều hành. Nhưng thực tế cấp điều hành (các phòng) hiện “ôm” luôn cả công việc quản lý”.

 

Một “điển hình” là vì thiếu nhân sự, ông TTK Trần Quốc Tuấn (tức người đứng đầu cấp điều hành) đã một năm nay kiêm luôn chức PCT chuyên môn.

 

Ông Lê Văn Thành (Trưởng ban tiếp thị và vận động tài trợ) và Nguyễn Lân Trung (Phó Ban đối ngoại) đồng ý cho rằng việc đại đa số các Ban chức năng trở thành “bù nhìn” là vì thiếu thông tin, không được thông báo các chủ truơng lớn để kịp thời tham mưu, góp ý.

 

Ông Trung bức xúc: “Với các vấn đề lớn hiện nay thường trực đều thông qua BCH bằng cách gửi tài liệu, nhưng chủ yếu những vấn đề xuất phát từ bộ phận điều hành chứ không phải từ các ban cấp quản lý. Quy trình chúng ta đang thực hiện là một quy trình ngược”.

 

Nhiều ý kiến khác cũng chất vấn tính hiệu quả phối hợp giữa hai cấp, tính linh hoạt của bộ máy và  cả việc nên hay đừng nhập thành một cấp. Tuy nhiên, cho đến lúc kết thúc hội nghị, đó vẫn là một câu hỏi lửng.

 

Bộ máy: Bao nhiêu người là đủ?

 

Hiện BCH VFF khoá V có 36 người (sau khi PCT Lê Thế Thọ, GĐ Sở TDTT Thừa Thiến Huế Ngô Văn Trân, GĐ Sở TDTT Nghệ An Nguyễn Hồng Thanh rút lui). Theo khuyến cáo của FIFA gửi VFF trong năm 2006, BCH nên “co” lại khoảng 14 người.

 

Tuy nhiên, trong bản báo cáo Sửa đổi điều lệ, PCT Vũ Quang Vinh cho rằng FIFA không can thiệp vào số lượng thành viên cụ thể của từng LĐ. Trong điều kiện hiện nay, theo ông một bộ máy khoảng 30 người là phù hợp. Những điều chỉnh nhân sự chỉ được thực hiện vào giữa năm 2007 và do BCH toàn quyền quyết định.

 

Trong phần thảo luận, GĐ Sở TDTT Hà Tây Cấn Văn Nghĩa lại cho rằng mô hình hiện nay là quá đông và “thiếu chất”. “Các Trưởng ban cần chuyên trách, có nhiệm vụ cụ thể chứ không thể kiêm nhiệm. Cơ cấu các phòng, ban cũng nên co hẹp lại”.

 

Ông Chu Hồng Thanh đặc biệt nhấn mạnh cần thiết phải tinh giảm biên chế theo đúng khuyến nghị của FIFA (tức còn 14 người). Một số đại biểu yêu cầu VFF chỉ rõ những bước đi cụ thể để đảm bảo đúng lộ trình điều chỉnh vào giữa năm 2007 như PCT VŨ Quang Vinh đã nêu.

 

“Ghế” PCT chuyên môn: Ai ngồi? Ngồi để làm gì?

 

Do không ai ứng cử vào chiếc ghế mà ông Lê Thế Thọ bỏ lại sau “cú ngã” ở SEA Games 23, tiểu ban nhân sự đã phát đi 110 phiếu đề cử. Kết quả, có 9 ứng viên được giới thiệu.

 

Ngặt nỗi, hầu hết các ứng viên đều đang giữ các chức vụ khác nên đều tìm cách thoái thác. Cụ thể, các ông Mai Đức Chung (trưởng bộ môn bóng đá UBTDTT kiêm trợ lý HLV ĐTQGVN), ông Phan Anh Tú (Trưởng Ban đối ngoại VFF, TTK LĐBĐ HN), Phạm Ngọc Viễn (Viện phó viện khoa học thể thao), Nguyễn Hưng Thái (Phó GĐ sở TDTT Nam Định) đề xin rút lui.

 

Hiện nay chỉ còn lại 2 ứng viên khả dĩ là ông Ngô Tử Hà (Vụ trưởng, Trợ lý Bộ trưởng chủ nhiệm UB TDTT - nguyên PCT VFF nhiệm kỳ III) và Dương Vũ Lâm (Sở TDTT TP.HCM).

 

Danh tính vị PCT sẽ dược xác định trong cuộc Đại hội thường niên hôm nay (10/1). Nhưng rất nhiều người đang băn khoăn không hiểu vai trò thực của ông PCT này là gì, khi mà cả một năm trời chiếc ghế bị bỏ trống đến nguội ngắt và ông TTK vẫn kiêm nhiệm cả hai đầu việc mà “không mắc sai lầm nào”.

 

Thậm chí, nghe nói còn có người nói rằng nếu không tìm được người đủ tài, đủ nhịêt huyết thì tiếp tục bỏ trống cho xong?!

 

BĐVN “đụng sàn” BXH FIFA: Đâu là trách nhiệm của VFF?

 

Đó là câu hỏi mà một số đại biểu đã đặt ra trong buổi thảo luận hôm qua. Các ý kiến đều nhất trí cho rằng VFF cần có đề xuất, biện pháp cụ thể lên FIFA, không thể để tình trạng BĐVN xếp dưới cả Lào và Phillipines.

 

Ai cũng nói đó là cái BXH “quái gở”, và một lần một quan chức VFF cũng đã thanh minh rằng FIFA “tắc trách”. Nhưng cái BXH đó không chỉ phản ánh trình độ của ĐTQG, mà còn căn cứ vào chất lượng giải VĐQG, mức độ xã hội hoá bóng đá và nhiều tiêu chí khác.

 

Nói cách khác, đó là bộ mặt của BĐ nước nhà và người cần chịu trách nhiệm trước hết là VFF.

Hồng Kỹ