VTV mua bản quyền World Cup 2018 ở “phút 89”: Vui thì có vui

(Dân trí) - Cuối cùng thì đài truyền hình Việt Nam (VTV) cũng đã mua được bản quyền World Cup 2018, sau gần 2 năm đàm phán căng thẳng và chỉ có thể “chốt hạ” khi được một doanh nghiệp tài trợ số tiền lớn lên tới 5 triệu USD. Việc Việt Nam có bản quyền truyền hình World Cup rõ ràng là rất vui mừng, nhưng cũng có nhiều suy ngẫm.

VTV khẳng định nếu mua, họ sẽ lỗ tới 90%, nhưng lại nhấn mạnh World Cup là “món ăn” phục vụ người xem chứ không đặt mục đích thương mại. Hàng triệu người hâm mộ đã chờ vào phút 89, và tất cả vỡ oà. Tất nhiên, không phải ai cũng chờ đợi bản quyền World Cup, khi họ cũng đã chuẩn bị cho mình những phương án khác để không bị “đói” World Cup.

Quay trở lại câu chuyện VTV mua bản quyền truyền hình World Cup 2018, ngày 2/6, theo thông báo của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), Việt Nam là quốc gia còn lại duy nhất chưa mua bản quyền truyền hình World Cup. Đến sát ngày giải đấu bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh khởi tranh, tên đơn vị nắm bản quyền và chi tiết liên hệ tại Việt Nam vẫn được FIFA để trống.


Việt Nam mua được bản quyền World Cup 2018 chỉ 6 ngày trước lễ khai mạc giải

Việt Nam mua được bản quyền World Cup 2018 chỉ 6 ngày trước lễ khai mạc giải

Đây là thông tin bất ngờ bởi trước đây dù gặp nhiều khó khăn nhưng với vị thế của đài quốc gia, VTV vẫn đi tiên phong trong việc mua bản quyền truyền hình World Cup để phục vụ khán giả. Trong 4 kỳ World Cup gần nhất, Việt Nam đều mua được bản quyền phát sóng giải đấu, trong đó VTV có 3 lần, còn FPT 1 lần.

Trên lãnh thổ Việt Nam, VTV là đơn vị truyền hình duy nhất đứng ra đàm phán hợp đồng với phía đối tác Infront Sports & Media. Phía VTV khẳng định nếu đơn vị nào đó tại Việt Nam có bản quyền thì Đài truyền hình Việt Nam sẵn sàng tiếp sóng nguyên vẹn và tôn trọng vấn đề bản quyền.

Vấn đề căng thẳng nhất trong những cuộc đàm phán giữa VTV và đối tác chính là mức giá. Công ty Infront Sports & Media được FIFA giao quyền phân phối bản quyền World Cup 2018 tại khu vực châu Á đưa ra mức giá cao so với khả năng tài chính mà VTV có thể đáp ứng, gấp đôi so với kỳ World Cup 2014, khoảng 14 triệu USD.

Như đã nói ở trên, giá cả là vướng mắc lớn nhất với VTV, nhưng ở các quốc gia trong khu vực, trên thế giới, thì giá bản quyền còn cao hơn nhiều lần và họ cũng có những hướng giải quyết bài toán này một cách nhanh chóng.

Cụ thể, vào cuối tháng Tư vừa qua, Thái Lan đã công bố việc sở hữu bản quyền World Cup 2018. 9 công ty khác nhau ở xứ Chùa vàng đã bỏ ra tổng cộng số tiền 1.4 tỷ baht (khoảng 1000 tỷ đồng) để mua trọn gói 64 trận đấu trên toàn lãnh thổ Thái Lan. Có ba nhà đài sẽ tham gia phát sóng World Cup tại xứ Chùa vàng bao gồm TrueVisions, Amarin TV và Channel 5.

Tại Singapore, ba hãng viễn thông của Singapore gồm Mediacorp, Singtel và StarHub cũng đã hoàn tất thỏa thuận mang World Cup về phát tại đảo quốc sư tử. Tổng số tiền mà ba đơn vị này bỏ ra để phát sóng World Cup 2018 là 18.8 triệu USD.

Ở một nước Đông Nam Á khác là Malaysia, nhà đài quốc gia RTM đã bỏ ra số tiền 30 triệu RM (khoảng 10 triệu USD) để mang 41 trận đấu trong tổng số 64 trận về phát sóng tại đất nước này. Trong 41 trận đấu mua bản quyền thì RTM chỉ phát sóng trực tiếp 27 trận.

Đáng chú ý, FOX đã chấp nhận chi 400 triệu USD cho bản quyền phát sóng (tiếng Anh) cho World Cup 2018 và 4 năm sau tại Qatar.

Lần này, quan điểm của VTV là nỗ lực mua bản quyền phát sóng World Cup 2018 để phục vụ người dân cả nước, tuy nhiên không mua bằng mọi giá, mà chỉ mua với mức giá phù hợp nhất.


Bản quyền các giải đấu lớn như World Cup, Euro khá đắt đỏ những năm trở lại đây

Bản quyền các giải đấu lớn như World Cup, Euro khá đắt đỏ những năm trở lại đây

Đại diện VTV cũng khẳng định vụ mua bản quyền truyền hình World Cup 2018 sẽ khiến họ chịu lỗ lớn, lên tới 90%.

“Ở các giải bóng đá lớn trên thế giới như Euro và World Cup, VTV mua bản quyền đều không bù được chi phí bỏ ra. Lỗ khoảng 40-50%. Giải năm nay chúng tôi ước tính với con số giá được chấp nhận từ phía đối tác thì chúng tôi sẽ lỗ 90%”, ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng Ban thư ký biên tập VTV cho biết.

World Cup đúng là một món ăn tinh thần, nhưng trên hết lại thuộc về phạm trù kinh doanh. VTV đặt mục đích phục vụ khán giả là điều rất đáng trân trọng, nhưng ngay cả khi họ quan tâm hơn tới vấn đề thương mại thì cũng là chuyện bình thường. Đó là lý do chính khiến VTV không thể chốt sớm vấn đề mua bản quyền World Cup.

Nhưng cũng cần phải nhấn mạnh rằng từ trước tới nay, người hâm mộ Việt Nam vẫn chưa quen với việc xem truyền hình phải trả tiền. Ngay cả khi VTV “bó tay”, tuy có buồn nhưng chắc chắn người hâm mộ Việt Nam vẫn “mò” xem được giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh 4 năm mới có 1 lần, thông qua các kênh “lậu”.

Có ý kiến cho rằng, VTV không mua được bản quyền World Cup 2018 biết đâu lại hay, bởi từ đó chúng ta mới vỡ ra được khối điều. Đó là bài học về kinh doanh, về xu thế truyền hình thế giới, về cả thói quen xem truyền hình miễn phí của người dân Việt Nam.

Thuỳ Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm