1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

“VPF thất bại trong việc điều hành và tổ chức V-League”

(Dân trí) - V-League thiếu khán giả và thừa bạo lực, ông Dương Vũ Lâm chỉ ra sự yếu kém trong công tác điều hành giải của VPF, đồng thời đặt ra giả thiết có thể tổ chức đấu thầu công khai quyền khai thác V-League, để tìm ra công ty có năng lực tổ chức tốt nhất.

“Chất lượng chuyên môn thấp!”

Đầu tiên, theo ông thì nguyên nhân do đâu mà V-League hiện nay vắng khán giả?

Nguyên nhân quan trọng nhất là chất lượng chuyên môn thấp, lối đá bạo lực, chặt chém khiến khán giả chán. Trình độ của các đội không ổn định, tên tuổi của các cầu thủ không đi vào lòng người hâm mộ, nên không tạo được sức hút. Bóng đá Việt Nam hiện thiếu những ngôi sao, những thần tượng như thời Hồng Sơn, Huỳnh Đức.

Rồi chúng ta thử nhìn lại xem, rất nhiều các CLB, các ông chủ đầu tư vào bóng đá nặng về mục đích kinh doanh của doanh nghiệp, hơn là phát triển chuyên môn. Họ không đầu tư đội bóng có chiều sâu, cũng không tính đến việc phải canh tranh ở giải châu Á. Bản thân các CLB chỉ mới ở dạng tồn tại, chứ chưa rõ định hướng tương lai, thì người hâm mộ gắn bó với họ thế nào được.

Vai trò của đơn vị tổ chức là VPF ở đâu trong việc chất lượng của V-League đi xuống?

V-League hiện tại đầy những tranh cãi, nhưng kém về chất lượng chuyên môn (ảnh: Anh Hải)
V-League hiện tại đầy những tranh cãi, nhưng kém về chất lượng chuyên môn (ảnh: Anh Hải)

VPF chưa làm tốt công tác dự báo về diễn biến và hướng phát triển của giải đấu. Các hội nghị sơ kết hay tổng kết mùa giải chưa có chất lượng, nên không sửa sai được những thiếu sót trong khâu tổ chức, khiến những thiếu sót này tồn đọng mãi. Ví dụ như vấn đề trọng tài, khâu kỷ luật sau bao kỳ họp vẫn vậy. Thậm chí có những án kỷ luật rất vô lý, như án cấm CĐV Hải Phòng đến sân khách mới đây.

Có cảm giác như VPF chỉ làm cho xong, nhất là trong việc thẩm định chất lượng các CLB, chất lượng sân bãi ở mỗi mùa giải. Tình trạng “một ông chủ - nhiều đội bóng” mà ai cũng nói nhưng không được giải quyết khiến niềm tin không còn.

V-League có nên có đến 14 đội như hiện nay không, thưa ông?

Số lượng đội nhiều như thế là quá sức với V-League. Tôi cho rằng chỉ nên có 6 đội là đủ, phù hợp với chất lượng của V-League và của bóng đá Việt Nam hiện nay. Đây là điều tôi đã từng đề cập. Hồi những năm 90, tôi với anh Duy Long (chuyên gia bóng đá Trần Duy Long - PV) từng sang Hàn Quốc tham quan mô hình giải vô địch quốc gia chỉ có 5 đội của họ.

Ít đội, nhưng đấy phải là những đội có tiêu chuẩn cao, đứng sau lưng là các tập đoàn với năng lực tài chính hùng hậu. Cũng chẳng có ở đâu trên thế giới có chuyện hạng trên có đến 14 đội, trong khi hạng dưới chỉ có 7 đội như ở ta, đấy là sự bất cập về mặt hệ thống thi đấu. Chúng ta đi sai đường quá xa rồi.

Người làm công tác điều hành và quản lý giải V-League đấu bó tay trong việc chấn chỉnh giải đấu (ảnh: Anh Hải)
Người làm công tác điều hành và quản lý giải V-League đấu bó tay trong việc chấn chỉnh giải đấu (ảnh: Anh Hải)

Chúng ta mang danh bóng đá chuyên nghiệp, nhưng các đội của chúng ta không đảm bảo tương lai, buồn buồn là dẹp, các đội hạng dưới thậm chí còn không muốn lên hạng, ảnh hưởng cực lớn đến tính cạnh tranh. Các đội bóng của Việt Nam chưa phải là những CLB đúng nghĩa, đúng chuẩn. Các đội bóng giờ cũng không mang hồn địa phương nên không đi vào lòng người hâm mộ như Cảng Sài Gòn, Hải Quan hay CA Hà Nội trước đây. Ví dụ như Sài Gòn FC đấy, rồi cũng có mấy ai xem đội này đá đâu.

“Có thể đấu thầu công khai để tìm đối tác khác tổ chức V-League”

Còn về mặt hình ảnh và khâu truyền thông về giải thì sao, có hấp dẫn với khán giả không?

Tôi đánh giá khâu truyền thông ở giải V-League rất yếu. Nếu làm phép so sánh với cách làm truyền thông của giải bóng rổ nhà nghề Việt Nam VBA với giải V-League do VPF tổ chức, khâu truyền thông của giải VBA hơn xa. Truyền thông của V-League lại không biết cách tập hợp sức mạnh của báo chí.

BTC giải bóng rổ nhà nghề Việt Nam có nghiên cứu thị trường, nghiên cứu thị hiếu của khán giả, nên họ làm rất tốt, hình ảnh của giải đấu lúc nào cũng đẹp. Ngược lại, hình ảnh của giải V-League quá kém. Khâu truyền thông gần như do tự thân các CLB vận động. Về mặt này, tôi cho rằng chỉ mỗi HA Gia Lai làm tương đối tốt.

Nếu VPF đã không tổ chức tốt V-League, có nên thay đơn vị này bằng một công ty khác có khả năng tổ chức tốt hơn không, thưa ông?

Nếu tổ chức mà không có khán giả thì đúng là gánh nặng cho nền bóng đá, về lâu về dài rất nguy hiểm, nguy hại cho bóng đá Việt Nam. Tôi cũng chưa thấy các nước có mô hình công ty cổ phần bóng đá theo hướng các CLB góp vốn như mô hình của VPF.

Có thể VPF làm vậy để “trói” trách nhiệm của các đội với giải, nhưng thực tế thì chúng ta thấy rồi đấy, cách này không hiệu quả. V-League là sản phẩm của VFF, nếu đơn vị hiện tại đã tổ chức không tốt giải đấu, thì chúng ta hoàn toàn có thể tính đến phương án đấu thầu công khai quyền tổ chức V-League để tìm đối tác khác. Đối tác nào có đề án tốt, mang tính cạnh tranh thì được xem xét giao quyền tổ chức. Chỉ có phương pháp công khai mới hy vọng thu hút người giỏi cho giải đấu, cho bóng đá Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Trọng Vũ (thực hiện)

“VPF thất bại trong việc điều hành và tổ chức V-League” - 3