Vòng 9 V-League 2014: Hiện tượng được giải mã

(Dân trí) - Lần thứ 2 liên tiếp trong vòng 2 vòng đấu, Than Quảng Ninh thất bại trên sân nhà. Những trận thua cho thấy tân binh của V-League 2014 không còn là bất ngờ với các đối thủ. Trong khi đó, một tân binh khác là HV.An Giang dần đi vào ngõ cụt…

Than Quảng Ninh thất thủ, nhà ĐKVĐ và 2 cựu vương tìm lại vị thế

Bất chấp lợi thế sân nhà và bất chấp việc dẫn trước đối phương, Than Quảng Ninh vẫn thua ở vòng này, trước Hà Nội T&T. Trận thua vừa nêu cộng với chuyện Than Quảng Ninh từng thất bại trước Hải Phòng cũng trên sân Cẩm Phả cách nay 1 tuần cho thấy hiện tượng Than Quảng Ninh đang dần được giải mã.

Từ đầu mùa đến giờ, đội bóng vùng mỏ chủ yếu thắng đối phương nhờ yếu tố bất ngờ và nhờ tinh thần hừng hực trong lần đầu chơi ở V-League. Thế nhưng, khi bất ngờ không còn, Than Quảng Ninh hiện nguyên hình là một đội bóng hàng yếu ở sân chơi VĐQG.

Để lọt lưới đến 5 bàn chỉ trong 2 trận đấu gần nhất, dù được chơi trên sân nhà, Than Quảng Ninh dường như cũng đã “hết bài”. Đây là điều dễ hiểu bởi lực lượng của đội bóng vùng mỏ chỉ có thế, và chuyện họ đá tốt cho đến thời điểm này đã là điều đáng ngạc nhiên.

Than Quảng Ninh không còn là hiện tượng của V-League
Than Quảng Ninh không còn là hiện tượng của V-League


Thất bại của Than Quảng Ninh cũng là câu trả lời cho sự trở lại của Hà Nội T&T, khi đội bóng thủ đô đánh bại đội bóng vùng mỏ. Hà Nội T&T hiện đứng 3 với 12 điểm, kém đội đầu bảng Thanh Hóa đến 10 điểm.

Nhưng nên nhớ đội bóng của HLV Phan Thanh Hùng mới đá 6 trận, ít hơn Thanh Hóa 2 trận vào một số đội khác 3 trận. Chính vì vậy, đội bóng thủ đô vẫn còn có thể thu ngắn cách biệt đáng kể với những đội xếp trên mình.

Cũng tìm được niềm vui chiến thắng tại vòng 9 và SHB Đà Nẵng và SL Nghệ An. 2 cựu vương vừa nêu chưa từ bỏ khát vọng tranh ngôi cao ở V-League năm nay. Họ vẫn có được sự đồng đều và sức mạnh đáng sợ, nếu giữ được sự tập trung cần thiết.

Đặc biệt là với SHB Đà Nẵng, đội này vượt qua HV.An Giang trong bối cảnh mất nguyên cặp tiền đạo ngoại là Gaston Merlo và Mamic, ngay cả khi họ đá không hay. Chơi không hay mà vẫn thắng thì đó mới là đội mạnh, thế mới đáng nể!

2 thái cực ở 2 đầu bảng xếp hạng

Đứng chót bảng tiếp tục là HV.An Giang, với việc mới có 1 điểm, dù đã đá 8 trận. Đội bóng vùng đồng bằng sông Cửu Long gần như chỉ còn 1 lối thoát cho thảm cảnh rớt hạng ở mùa giải năm nay.

Nếu HV.An Giang đánh bại được đối thủ trực tiếp ĐT Long An ở vòng đấu tới, họ mới mong chuyện níu kéo nhóm kế trên, đồng thời cải thiện được vấn đề tinh thần. Bằng ngược lại, đoàn quân của HLV Nhan Thiện Nhân xem ra khó thoát, bởi khi đó, HV.An Giang rất dễ dính “đòn hội đồng” của làng cầu nội, trong bối cảnh mà ngay chính các đối thủ của họ cũng muốn tìm một đội để dí suất rớt hạng đầu tiên.

Trái ngược với HV.An Giang là sự ổn định đến đáng ngạc nhiên của Thanh Hóa. Đội bóng xứ Thanh đã thắng 7 trận liền. Tức là ngoại trừ trận đầu hòa với Hải Phòng ở đất Cảng, Thanh Hóa đã toàn thắng suốt từ đó đến nay, một thành tích chưa từng có tiền lệ của đội bóng xứ Thanh tại V-League.

Người xứ Thanh vẫn chưa vội nói về ngôi vô địch, vì sợ nói trước bước không qua, nhưng với người hâm mộ chung lập, với khoảng cách điểm quá lớn so với đối thủ gần nhất (Thanh Hóa đang cách đội nhì bảng Than Quảng Ninh 8 điểm), không gọi Thanh Hóa là ứng cử viên vô địch thì cũng chẳng biết sẽ gọi họ bằng gì?

Thành công của Thanh Hóa không phải tự nhiên mà có. Xét trên những tiêu chí của một CLB chuyên nghiệp từng được chuyên gia Tanabe (Nhật Bản) khuyến cáo trước khi ông rời Việt Nam, là đội bóng phải gắn với địa phương, phải có nhiều nhà đầu tư cùng lúc mà không phụ thuộc bất cứ ông bầu nào, phải có nguồn thu từ vé… Thanh Hóa chính là đội đáp ứng nhiều nhất các tiêu chí vừa nêu, nhiều hơn bất cứ đội nào tại Việt Nam.

Đội bóng xứ Thanh đang có thế, thời và lực tốt hơn chính họ nhiều năm nay, nên nếu Thanh Hóa không quyết đua đến cùng trên con đường đến ngôi vô địch, cơ hội sẽ khó trở lại với họ.

Kim Điền