1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Việt Nam soán ngôi “kỳ vương” của Trung Quốc

(Dân trí) - Trận CK nam & nữ giải vô địch cờ tướng Châu Á lần 15 (2011) đã kết thúc với nhiều bất ngờ thú vị. Chiếc HCV cá nhân nam & nữ lần này đều nằm trọn trong tay các kỳ thủ Việt Nam. Đây thực sự là tin làm chấn động làng cờ Trung Quốc.

 

Giải vô địch cờ tướng châu Á lần thứ 15 được tổ chức tại Macau (Trung Quốc), từ ngày 01-06/11/2011. Giải đấu quy tụ 20 kỳ thủ (bảng nam) và 10 kỳ thủ (bảng nữ), đến từ 16 quốc gia & vùng lãnh thổ gồm Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Indonesia , Myanmar, Brunei, Malaysia (2 đội), Thái Lan, Hồng Kông, Macau, Singapore, Philippines, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc. Trong đó, đội tuyển Trung Quốc luôn như thường lệ luôn  được đánh giá là một ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch.
 
 
Việt Nam soán ngôi “kỳ vương” của Trung Quốc - 1

Hoàng Lâm mang lại vinh quang cho cờ tướng Việt Nam
 

 

Đội tuyển cờ tướng Việt Nam tham dự giải này với 3 kỳ thủ: Nguyễn Hoàng Lâm, Bùi Dương Trân, Ngô Lan Hương. Cả 3 đã phải trải qua một giải đấu tuyển chọn khắc nghiệt tại Trung tâm huấn luyện Quốc gia II (TP.HCM) trước khi lên đường tham dự giải.

 

Ở bảng nam, đối thủ lớn nhất của 2 kỳ thủ Việt Nam tại giải này có lẽ là 2 kỳ thủ Trung Quốc: “dị nhân” Vương Dược Phi và “Dương thành thiếu soái” Lữ Khâm. Trong quá khứ, Lữ Khâm đã từng là nhà vô địch châu Á & thế giới. Còn với Vương Dược Phi, anh là một trong những ngôi sao trẻ có phong cách tấn công hiệu quả nhất của kỳ đàn Trung Quốc hiện tại. Sự kết hợp giữa “một già, một trẻ” trong việc bố trí đội hình của Trung Quốc luôn là một trở ngại lớn của bất kỳ đội tuyển nào muốn giành ngôi vương.

 

Việc đánh giá thấp các kỳ thủ nước khác mà chỉ chú tâm đến các kỳ thủ Việt Nam đã làm cho 2 kỳ thủ Trung Quốc không lọt nổi vào vòng bán kết. Trận thua tai hại của Vương Dược Phi trước hiện tượng mang tên Thái Chí Cường (kỳ thủ gốc Trung Quốc, nhập tịch Indonesia) ở vòng 3 đã làm cho mọi toan tính của các kỳ thủ Trung Quốc đều bị phá vỡ. Hậu quả tất yếu là dù họ đã cố gắng “gồng lên” ở 2 ván cuối vòng bảng nhưng vẫn không đủ điểm để có suất thi đấu ở bán kết.

 

Trong một giải đấu mà có 2 yếu tố: phong độ cực cao cộng với “thần tài may mắn” luôn đồng hành cùng các kỳ thủ Việt Nam, cả 2 kỳ thủ Nguyễn Hoàng Lâm và Bùi Dương Trân đã xuất sắc có mặt trong trận chung kết (sau khi đã vượt qua đại diện của Philippines (Trang Hoàng Minh) và Đài Loan (Mã Trọng Uy). Nên nhớ rằng Mã Trọng Uy trong giải lần trước đã hạ gục Hồng Trí, lần này đánh bại Lữ Khâm, thực lực cũng không đến nỗi tệ. Riêng Trang Hoàng Minh đã nhiều lần khiến các danh tướng đầu đàn Trung Quốc như Hồng Trí, Triệu Hâm Hâm cũng “bó tay” không làm gì được.

 

Trong trận chung kết trong mơ, với lợi thế đi tiên và kỹ năng năng điều quân linh hoạt từ mọi hướng, kỳ thủ trẻ Nguyễn Hoàng Lâm đã giành chiến thắng trước người đồng đội và chính thức trở thành nhà vô địch châu Á lần thứ 15.

 

Còn ở bảng nữ, kỳ thủ Ngô Lan Hương phải cạnh tranh trực tiếp với Trần Lệ Thuần (Trung Quốc). Cách đây 4 năm, tại giải cá nhân châu Á 2007, Trần Lệ Thuần từng giành chức vô địch (Đàm Thị Thùy Dung của Việt Nam đoạt HCB năm đó).  Và như mọi lần giáp đấu, Ngô Lan Hương thường hay bị kị dơ trước kỳ thủ Trần Lệ Thuần. Trong vòng bảng, Ngô Lan Hương đã để thua trước Trần Lệ Thuần. Tuy nhiên, món nợ ấy đã được trả sòng phẳng trong trận chung kết, qua đó Ngô Lan Hương đã tiếp tục mang HCV về cho đội tuyển Việt Nam.

 

Như vậy, sau 31 năm chờ đợi (từ khi giải bắt đầu năm 1980), sau hàng loạt sự nỗ lực của các tên tuổi như Trịnh A Sáng, Võ Văn Hoàng Tùng, “nhị Nguyễn” Nguyễn Vũ Quân và Nguyễn Thành Bảo thì tại giải lần này, các kỳ thủ của chúng ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, mang vinh quang về cho Tổ quốc. Hy vọng, đây sẽ là cú hích lớn để cho môn cờ Tướng phát triển.

 

Văn Tới