Vì sao VFF chậm trễ trong việc tìm người thay Chủ tịch Lê Hùng Dũng?
(Dân trí) - Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng gần như vắng bóng để dưỡng bệnh trong cả năm qua, thế nhưng tổ chức này cũng chẳng tỏ ra sốt sắng trong việc tìm người lãnh đạo mới. Vậy cũng đã đến lúc đặt câu hỏi ai là người được lợi ở một tổ chức vắng… người chịu trách nhiệm cao nhất?
Ông Dũng đã đề đạt nguyện vọng xin nghỉ, sức khỏe của ông Dũng cũng không còn thích hợp để ngồi ở cương vị vốn phải đối diện với nhiều áp lực, nơi cơ quan điều hành toàn bộ hoạt động của nền bóng đá như VFF.
Vả lại, như đã phân tích, trong khoảng thời gian tại vị, ông Dũng không phải là người giỏi trong khâu định hướng, cũng như thiếu tầm nhìn mang tính chiến lược cho bóng đá Việt Nam. Thế nên, việc thay nhân vật này không phải là điều gì đó quá to tát (nếu chỉ để tìm người có năng lực cỡ ông Dũng trở lên thiết nghĩ là điều không khó).
Thế nhưng, thời gian qua, cụ thể là ở đại hội thường niên của VFF mới đây, tổ chức này cũng không đả động gì đến chuyện thay “lái trưởng”. Trong khi đó, Tổng cục TDTT trên cương vị quản lý nhà nước lại không thể can thiệp quá sâu vào chuyện của VFF, vì ngại vướng khuyến cáo của FIFA.
Cũng trong thời gian ông Dũng dưỡng bệnh, trong thời gian thiếu vắng “minh chủ”, hầu hết các công việc ở VFF do Phó chủ tịch (PCT) thường trực kiêm PCT phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn quán xuyến. Dù vậy, ở những thời điểm quan trọng nhất, cần đến vai trò của người đứng mũi chịu sào, ông Tuấn thường chọn chiến thuật “núp gió”.
Ví dụ như tại Hội nghị BCH VFF ở TPHCM trước Tết Nguyên đán, bàn đến vấn đề hết sức nhạy cảm là giữ hay không giữ HLV Miura, cũng như bàn đến phát ngôn trước đó của PCT phụ trách truyền thông Nguyễn Xuân Gụ tại Hội nghị triển khai công tác ngành TDTT năm 2016, PCT Trần Quốc Tuấn không đứng ra lãnh trách nhiệm điều hành Hội nghị.
Hội nghị đấy do PCT phụ trách tài chính Đoàn Nguyên Đức chủ trì. Đây được xem là hành động thiếu dũng khí của ông Tuấn, bởi một khi chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng không thể dự Hội nghị vì lý do sức khỏe, thì ông Tuấn trên tư cách PCT thường trực phải là người thay ông Dũng điều hành. Mọi lý do được đưa ra sau đó dĩ nhiên không đủ sức thuyết phục cho sự thoái thác này.
Ngay đến quyết định sa thải HLV Miura sau VCK U23 châu Á 2016, trước thời điểm vị HLV người Nhật kết thúc hợp đồng chỉ 3 tháng cũng là quyết định không giống ai: VFF chọn cách biểu quyết tập thể để định đoạt số phận của HLV Miura, trong khi lẽ ra công việc này phải thuộc về phần đánh giá của bộ phận chuyên môn (riêng về vấn đề chuyên môn thì VFF ngay sau đó đã trả lời báo chí rằng HLV Miura không thất bại tại giải châu Á nói trên – lại một sự mâu thuẫn khác).
Tức là ở những thời điểm nhạy cảm nhất, một số người có thẩm quyền trực tiếp tại VFF thường khôn khéo “lái” trách nhiệm… sang tập thể. Đấy cũng là tình cảnh chung của cơ quan điều hành nền bóng đá trong bối cảnh thiếu chủ tịch, thiếu người điều hành và người chịu trách nhiệm cao nhất.
Chính vì vậy, dư luận đã bắt đầu bàn đến việc rằng một khi VFF vẫn chậm trễ trong việc tìm người thay chủ tịch đương nhiệm Lê Hùng Dũng, thì những ai là người được lợi liên quan đến sự chậm trễ này? Ai là người thường xuyên thích ôm đồm ở VFF, là người thực sự có quyền khi ông Dũng vắng mặt, nhưng lại không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì khi có sự vụ xảy ra?
Kim Điền