Vì sao V-League 2020 cứ phải vội vã tiếp diễn?
(Dân trí) - VPF vừa lên phương án tổ chức phần còn lại của lượt đi V-League tập trung ở 7 sân bóng. Vấn đề là tại sao V-League cứ phải vội vã lăn bóng, thay bình tĩnh chờ dịch Covid-19 được khống chế hoàn toàn?
Phương án tổ chức tập trung, như đã nói, gây ra khá nhiều bất cập, đặc biệt là có thể khiến cho cuộc đua đến ngôi vô địch trở nên thiếu công bằng.
Ví dụ như CLB TPHCM là đội có khả năng tranh ngôi vô địch V-League năm nay với CLB Hà Nội. Nhưng theo như phương án thi đấu tập trung mà VPF vừa gửi đến đại diện các đội bóng để thăm dò ý kiến, thì đội bóng thành phố phải dùng sân nhà là sân Mỹ Đình ở Hà Nội.
Vấn đề không phải là CLB TPHCM phải đá phần còn lại của toàn bộ lượt đi tại Hà Nội để tranh chấp ngôi vô địch với một đại diện của bóng đá Hà Nội. Mà vấn đề nằm ở chỗ, đội bóng thành phố dù có đá ở đâu đi chăng nữa, cũng đã mất đi lợi thế sân nhà, sân nhà thực thụ của họ là sân Thống Nhất ở TPHCM.
Cuộc đua giành suất trụ hạng cũng lâm vào tình cảnh tương tự, những đội thường xuyên ngụp lặn ở nhóm có nguy cơ rớt hạng trong ít mùa giải gần đây gồm HA Gia Lai, Sài Gòn FC sẽ thiệt thòi đáng kể so với các đội về lý thuyết là đối thủ trực tiếp của họ trong cuộc chiến giành quyền trụ hạng như Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Nam Định hoặc Thanh Hoá.
Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Nam Định và Thanh Hoá vẫn được chơi trên sân nhà, theo như đề xuất của VPF, trong khi “sân nhà”của HA Gia Lai ở phần còn lại của lượt đi, theo như phương án đá tập trung, là sân của… Nam Định, còn Sài Gòn FC sẽ buộc phải dùng sân Mỹ Đình làm “sân nhà”.
Bất cập thứ hai, như đã từng đề cập, việc giải đấu diễn ra trong bối cảnh không có khán giả, ít được dư luận chú ý, với riêng bóng đá Việt Nam, rất dễ xảy ra tiêu cực, dàn xếp. Bởi, “bóng đá như sân khấu 4 mặt”, như cách gọi của dân trong nghề, giờ 4 mặt đấy thiếu người quan sát thì thật chẳng biết giới bóng đá nội sẽ làm gì đằng sau những “bức màn” vô hình hạn chế người quan sát.
Và chi tiết quan trọng nhất vẫn là cho dù có đá tập trung, có hạn chế di chuyển, mà nếu bóng lăn khi dịch Covid-19 chưa được dập tắt hoàn toàn, thì nguy cơ lây nhiễm Covid-19 vẫn cứ là nguy cơ.
Lý lẽ LS V-League 2020 cần tiếp diễn để duy trì phong độ cho các cầu thủ hướng tới việc tập trung đội tuyển quốc gia, chuẩn bị cho các giải quốc tế, trong bối cảnh hiện tại, xem ra không thuyết phục.
Bởi, các giải quốc tế, bao gồm cả vòng loại World Cup có sự hiện diện của đội tuyển Việt Nam, hiện đã tạm dừng cả rồi, dự đoán đến tận cuối năm mới trở lại (trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến theo hướng khả quan nhất). Cũng chẳng còn đội tuyển nào trên thế giới tập trung, nên đội tuyển Việt Nam có sớm gom quân vào lúc này cũng gần như… chẳng để làm gì cả.
Đấy là lý do mà các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu đều chọn phương án hoãn vô thời hạn, phòng dịch Covid-19, cho dù nếu bàn về thiệt hại kinh tế, từng giải La Liga, Permier League, Serie A…, rồi từng CLB của các giải đấu này chịu thiệt lớn hơn nhiều BTC và các CLB tại V-League.
Họ không vội vã tiếp diễn giải đấu thứ nhất là vì sự an toàn của chính các thành viên từng CLB, các thành viên tham gia làm nhiệm vụ tại giải. Thứ nhì là họ không có gì phải vội bởi hiện tại không còn là giai đoạn mà các giải quốc nội cần phải gấp rút thi đấu, để nhường sân chơi cho các đội tuyển quốc gia.
Còn một phương án nữa, ít bất cập hơn nhiều, đồng thời rất quan trọng ở điểm là an toàn hơn nhiều, đó là chờ cho dịch Covid-19 được khống chế hoàn toàn, mọi người nói chung và giới bóng đá nói riêng không còn phải lo vừa đá bóng vừa phòng dịch, hãy trở lại. Trở lại với những sân bóng có khán giả đúng nghĩa các sân bóng. Trở lại với những cuộc tranh tài thật sự công bằng về yếu tố sân bãi, về sự quan sát và chung tay giám sát của đông đảo dư luận cũng như người hâm mộ bóng đá!
Chứ V-League tiếp diễn trong hoàn cảnh mà dịch Covid-19 vẫn chưa qua hết, các đội bóng và các lực lượng vừa thi đấu vừa làm nhiệm vụ mà vẫn cứ lo nguy cơ dính dịch bệnh, e rằng hơi “ép chỉ tiêu” cho giải và cho các đội bóng!
Thiện Nhân