Vì sao tấm vé bóng đá SEA Games xa tầm tay người hâm mộ?

Trọng Vũ

(Dân trí) - Câu chuyện vé xem bóng đá trở thành đề tài gây chú ý trong những ngày diễn ra SEA Games 32. Tình trạng người hâm mộ thực thụ có nhu cầu nhưng chưa vào được các sân bóng là chuyện thật.

Phóng viên Dân trí tường thuật lễ khai mạc SEA Games 32

Quốc gia chủ nhà của kỳ SEA Games năm nay chơi đẹp chưa từng thấy, khi miễn phí toàn bộ vé vào cổng ở các cuộc tranh tài tại Đại hội thể thao Đông Nam Á trên sân nhà của họ.

Nhưng một số người lợi dụng việc miễn phí này để trục lợi. Theo ghi nhận của phóng viên báo Dân trí xung quanh những ngày thi đấu vừa qua của môn bóng đá (một trong những môn thi đấu sớm nhất, thu hút nhất tại SEA Games), dân phe vé ở Campuchia có chiêu khá độc.

Vì sao tấm vé bóng đá SEA Games xa tầm tay người hâm mộ? - 1

Dân phe vé lợi dụng các em nhỏ dân bản địa vào xin vé nhiều lần, sau đó thu gom vé từ các em này (Ảnh: Vũ Giang).

Vì sao tấm vé bóng đá SEA Games xa tầm tay người hâm mộ? - 2

Các quầy vé không thể khước từ các em này (Ảnh: Vũ Giang).

Họ điều một vài trẻ em đến các quầy vé từ rất sớm, xin vé của Ban tổ chức (BTC), sau đó gom lại, rồi các em này tiếp tục quay về quầy vé xin tiếp nhiều lần nữa. Và vì là trẻ em, nên thường ít bị để ý.

Những chiếc vé vì thế chỉ tập trung vào một số người hoặc một nhóm người nhất định, không đến được rộng rãi với người hâm mộ. Thế nên, dẫn đến hiện tượng những người thật sự có nhu cầu, những khán giả chân chính lại không cầm được vé trên tay.

Từ đây, xuất hiện những cảnh lộn xộn trước và trong một số trận đấu bóng đá ít ngày qua, cùng những lời ca thán về khâu phân phối vé của chủ nhà Campuchia trên các trang mạng xã hội.

Vì sao tấm vé bóng đá SEA Games xa tầm tay người hâm mộ? - 3

Trái lại, một số người hâm mộ thực thụ không có đủ vé. Trong ảnh đôi bạn trẻ này chỉ có đúng 1 vé (Ảnh: Vũ Giang).

Vì sao tấm vé bóng đá SEA Games xa tầm tay người hâm mộ? - 4

Một số bạn trẻ gốc Việt vượt quãng đường hàng trăm cây số đến Phnom Penh trong ngày U22 Việt Nam thi đấu, nhưng không nhận được vé vào sân (Ảnh: Vũ Giang).

Đó là hiện tượng giành giật nhau đến rách vé trước trận đấu giữa U22 Việt Nam với U22 Lào hôm 30/4, hoặc hiện tượng người không có vé vào sân trong trận U22 Campuchia gặp U22 Philippines hôm 2/5.

Về chuyện không có vé vẫn vào được bên trong sân, theo ghi nhận của Dân trí, những người không có vé cố gắng tập trung đông ngay trước các cổng kiểm soát, rồi chờ sát giờ thi đấu hoặc đang thi đấu ùa vào bên trong, trong khi lực lượng bảo vệ đứng trước lượng người quá đông không thể kiểm soát hết, ai cầm vé và ai không cầm vé trên tay.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Campuchia và BTC SEA Games đã cho thiết lập một đường dây nóng qua đầu số "012 363 636", dành cho bất cứ những ai đã có mặt tại xứ sở Chùa Tháp trong những ngày này, chỉ cần gọi đến số máy nêu trên, nói rõ sân thi đấu và cổng kiểm soát mà mình đang có mặt, số lượng vé cần dùng sẽ có sự giải đáp cũng như hỗ trợ về vé.

Vì sao tấm vé bóng đá SEA Games xa tầm tay người hâm mộ? - 5

Một bạn trẻ người Campuchia mệt mỏi với việc xếp hàng rồng rắn xin vé (Ảnh: Vũ Giang).

Vì sao tấm vé bóng đá SEA Games xa tầm tay người hâm mộ? - 6

Đám đông CĐV ùn ùn trước các cổng kiểm soát, số này có cả những người không có vé, nhưng vẫn tranh thủ vào bên trong sân, vì lực lượng bảo vệ xung quanh không thể quan sát hết ai có vé ai không vé trên tay (Ảnh: Vũ Giang).

Tuy nhiên, các giải pháp đấy vẫn không thể giải quyết triệt để tình trạng vé chưa đến tay những người có nhu cầu thực thụ, chừng nào vẫn có dân phe cố gắng trục lợi từ những chiếc vé được phát miễn phí tại SEA Games.

Thực tế ghi nhận từ một số cổ động viên (CĐV) Việt Nam từ quê nhà sang hoặc từ người Campuchia gốc Việt ở cách xa Phnom Penh, không có điều kiện đến sớm nhận vé từ trước đó, khi đến sát các trận đấu không nhận được vé, buộc phải theo dõi các trận đấu của U22 Việt Nam qua những màn hình khổng lồ ở các khu vực công cộng.

Bạn Xuân Hoàng, một người Campuchia gốc Việt vượt hơn 300km bằng đường bộ từ Siem Reap đến Phnom Penh cách đây vài ngày, mất 5 - 6 tiếng di chuyển mỗi lượt, nhưng đến nơi không nhận được vé vào sân, buồn bã cho biết: "Giá như vé được bán trực tuyến thay vì phát miễn phí như thế này, cơ hội có vé của tôi có thể sẽ cao hơn".

Hoặc một bạn nam người Campuchia bản địa có tên Chea mà tôi gặp hôm qua (4/5) trong khu chợ đêm dọc bờ sông, cho biết: "Tôi chưa nhận được vé vì không đủ thời gian để xếp hàng chờ phát vé, đành phải xem các trận đấu của đội nhà ở màn hình lớn phía bên kia", vừa nói CĐV này vừa chỉ tay sang bên kia đường, sát bờ sông, nơi có đặt màn hình LED khổng lồ, như một cách tự an ủi chính mình.