Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn:

“VFF sẽ không đôn đội hạng dưới lên thay chỗ của CS.Đồng Tháp”

(Dân trí) - CS.Đồng Tháp nói bỏ, dù CLB này với VFF vẫn còn 1 cuộc họp nữa, nhưng khó tin rằng mọi chuyện sẽ thay đổi và V-League mùa tới sẽ vắng đội bóng từng 2 lần VĐQG. Về vấn đề này, chúng tôi có trao đổi với PCT chuyên môn của VFF, ông Trần Quốc Tuấn.

V-League còn 13 đội, hạng Nhất có 8 đội

CS.Đồng Tháp nói bỏ, nghĩa là V-League mùa tới sẽ chỉ còn 13 đội. Với số đội lẻ như vậy, VFF có tính đến chuyện đôn đội hạng dưới thay chỗ của CS.Đồng Tháp?

Chắc chắn là không. Cuộc họp BCH mới đây đã nói rõ vấn đề này. Chúng ta tạm thời chấp nhận việc 13 đội đá V-League và 8 đội đá giải hạng Nhất. Sẽ không đôn đội từ hạng dưới lên, vì làm vậy càng nguy hiểm. Cũng theo tinh thần của cuộc họp BCH VFF, theo lộ trình, từ năm 2016, sẽ ổn định số đội ở mức 12 đội đá V-League và 10 đội đá hạng Nhất.

Riêng vấn đề của CS.Đồng Tháp, VFF còn một cuộc họp trực tiếp với họ, để nghe họ chính thức nói chuyện bỏ hay đá. Dù vậy, trên tinh thần là nếu họ nói bỏ, giải đấu sẽ chấp nhận phương án đá với 13 đội.

Ở V-League hiện không chỉ có mỗi CS.Đồng Tháp là khó khăn, nhiều đội khác cũng như vậy. Trong trường hợp giải đang diễn ra giữa mà có đội tiếp tục bỏ cuộc thì sao, thưa ông?

“VFF sẽ không đôn đội hạng dưới lên thay chỗ của CS.Đồng Tháp”
PCT VFF Trần Quốc Tuấn (trái) khẳng định sẽ không đôn đội hạng dưới lên thế chỗ CS.Đồng Tháp ở V-League

Thì cứ theo đúng điều lệ mà làm. Đội nào bỏ cuộc sẽ xử theo điều lệ và giải đấu tiếp tục như thế nào, cách tính điểm ra sao cũng theo đúng điều lệ. Như đã nói ở trên, điều quan trọng là lộ trình, và lộ trình mà chúng ta vạch ra là 12 đội ở V-League và 10 đội ở hạng Nhất mùa sau.

Giảm ngoại binh, giảm gánh nặng tài chính cho các CLB

Năm nào cũng có những ràng buộc về mặt tài chính với các CLB, có những đợt kiểm tra năng lực của từng CLB, nhưng vẫn để xảy ra tình trạng các đội bỏ cuộc giữa chừng. Theo ông nguyên nhân vì sao?

Nguyên tắc của các CLB là phải tuân thủ hoạt động của giải đấu, trong đó có tuân thủ về tài chính. Còn cụ thể hoạt động tài chính của họ như thế nào thì VPF là phía trực tiếp xem xét.

Vả lại, trong một số trường hợp bỏ cuộc giữa chừng, không phải trường hợp nào cũng xuất phát từ vấn đề tài chính, xuất phát từ chỗ thiếu tiền, mà đôi khi xuất phát từ định hướng của từng ông chủ CLB. Ví dụ như chuyện V.Ninh Bình bỏ cuộc, là vì bầu Trường chán cảnh cầu thủ bán độ tập thể, bất mãn vì bị cầu thủ qua mặt, chứ chưa hẳn ông Trường bỏ vì hết tiền.

VFF vừa đề ra phương giảm ngoại binh trong mùa bóng tới đây ở từng CLB, đó có phải là phương án nhằm giúp các CLB giảm gánh nặng tài chính, nhất là trong việc thuê mướn ngoại binh?

Có 2 mục đích rõ rệt mà chúng tôi hướng tới: 1 là giảm tải về tài chính cho các CLB, 2 là chấn chỉnh lại công tác đào tạo trẻ.

Mấy năm trở lại đây, có giai đoạn mà chúng ta phát triển bóng đá trẻ không tốt, thiếu nhân tố cho các đội tuyển quốc gia, thiếu nhân tố ở một số vị trí nhất định, nơi tập trung đông cầu thủ ngoại. Ở đây, trong quá trình tổ chức, chúng ta đối diện với bài toán vốn không chỉ có chúng ta gặp phải, mà đã xuất hiện ở nhiều nước, đó là bài toán nghịch nhau giữa sự hấp dẫn của giải quốc nội và chất lượng đội tuyển quốc gia. Giải League thuê nhiều ngoại binh thì các CLB mạnh, nhưng đội tuyển suy yếu. Thái Lan cũng từng rơi vào tình trạng này, trước đây để tăng sức hút giải quốc nội, họ thuê ngoại binh ồ ạt, nhưng giờ họ cũng giảm lại rồi. Điều quan trọng là trong từng thời điểm mà chúng ta cân đối cho phù hợp.

Đây là lúc mà chúng ta cần môi trường cho các cầu thủ trẻ phát triển, như báo chí đã nói rất nhiều rồi. Làm cách nào để vừa giữ được sức hút của V-League, vừa tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ phát triển trong môi trường tốt là điều phải tính kỹ.

Tiếp nữa là về vấn đề tài chính, giảm cầu thủ gốc ngoại, các CLB sẽ bớt đi số tiền đáng kể trong việc thuê ngoại binh, giảm sức ép chạy đua mua sắm cầu thủ của các CLB.

Xin cảm ơn ông!

Trọng Vũ thực hiện

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm