“VFF không sử dụng ngân sách sai mục đích”

(Dân trí) - Đó là khẳng định của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ với báo chí, sau nhiều thông tin về việc VFF đã sử dụng nguồn vốn 140 tỷ đồng để xây dựng trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam không hiệu quả.

Câu chuyện VFF “nói dối” để có tiền ngân sách đầu tư xây dựng trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam đang là tâm điểm của báo chí và dư luận suốt thời gian qua. Sự bức xúc của nhiều người là hoàn toàn có cơ sở, khi VFF trong suốt 6 năm qua, đã không tạo ra một dấu ấn nào trong công tác tuyển chọn, đào tạo trẻ, dù có một cơ ngơi hoành tráng bậc nhất. Chưa hết, VFF mới đây tiếp tục xin kinh phí khoảng 8 tỷ đồng mỗi năm để đào tạo cầu thủ chuẩn bị cho Asiad 2019, được xem là lãng phí và không hiệu quả.

Trước những vấn đề này, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ khẳng định VFF không hề có chuyện khuất tất trong việc sử dụng ngân sách của nhà nước, khi có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ của Tổng cục TDTT cũng như FIFA.
 
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ

“Số tiền 140 tỷ đồng mà Chính phủ đồng ý đầu tư, từ năm 2007 đến nay chúng tôi chỉ sử dụng vào mục đích xây dựng cơ sở vật chất, trong đó có cả việc giải phóng mặt bằng, đền bù đất đai. Cho đến nay, trung tâm vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các hạng mục chứ chưa hề thực hiện việc đào tạo trẻ. Việc sử dụng nguồn vốn đầu tư như nào, đều có thực hiện theo đề án và được Tổng cục TDTT giám sát chặt chẽ.

Tôi xin nhấn mạnh VFF không phải là đơn vị cầm tiền. Trong khi đó, dự án hỗ trợ của FIFA mỗi năm họ vẫn đều đặn cử người sang theo dõi, nên phát hiện sai phạm hay không đúng mục đích ngay lập tức họ sẽ cắt tiền viện trợ. Chính vì thế, tôi xin khẳng định VFF không hề có chuyện khuất tất trong việc sử dụng nguồn ngân sách của nhà nước trong việc xây dựng trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam”, ông Hỷ nói.

Cũng theo ông Hỷ, trung tâm ra đời vào năm 2007 với số tiền đầu tư ban đầu gần 140 tỷ đồng (80-85% từ ngân sách Nhà nước, còn lại từ nguồn tài chính do FIFA hỗ trợ), đến nay vẫn chưa sử dụng hết vì Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF hoàn thiện. Toàn bộ những hoạt động mỗi năm, VFF cũng đều có báo cáo lên Tổng cục TDTT.

Còn nói về việc mới đây trung tâm của VFF được hỗ trợ 8 tỷ mỗi năm nhằm chuẩn bị lực lượng cho Asiad 2019, ông Hỷ cho biết: “Hiện tại, có đội U16 nam đang được đào tạo tại trung tâm. Lứa cầu thủ này luyện tập tại đây với mục đích chuẩn bị cho Asiad Hà Nội 2019. Trước đó, chúng tôi có một khoản kinh phí để phục vụ cho việc đào tạo cho bóng đá nữ và nam.

Trong 8 tỷ đó, VFF không được giữ 1 đồng, mà để nâng cao cơ sở vật chất, trả lương cho HLV, cán bộ tại Trung tâm. Sắp tới, trung tâm cũng có kế hoạch thuê HLV ngoại, dạy văn hóa cho các cầu thủ…Và như tôi nói ở trên, tất cả những việc mà trung tâm đang làm, đều có báo có lên Tổng cục TDTT”.

“Lập 2 lớp tạo nguồn cho Asian Games 2019, nhưng chúng tôi ưu tiên cho bóng đá nữ. Mặt khác, sau khi cho ra lò sản phẩm từ 2 lứa cầu thủ mới được trung tâm tuyển sinh, đào tạo, các lứa trẻ nhỏ hơn mới được tính tới”, ông Hỷ nói tiếp.

Như vậy, ông Hỷ đã lên tiếng xung quanh chuyện “lừa” nhà nước 140 tỷ đồng để xây dựng trung tâm, việc suốt thời gian qua trung tâm không đào tạo trẻ, chuyện xin kinh phí đào tạo 2 lớp cầu thủ chuẩn bị cho Asiad 2019 tại Việt Nam.

Còn về vấn đề mở lớp đào tạo với những cầu thủ trên 16 tuổi từ các địa phương, CLB có hợp lý hay không, ông Hỷ cũng nói rõ: “Nhiều địa phương giờ rất thiếu kinh phí nên việc mở lứa U16 quốc gia chính là hỗ trợ cho các CLB, đồng thời chuẩn bị cho Asian Games 2019. VFF đào tạo không phải là để lấy thành tích cho riêng VFF. Mỗi giải đấu trẻ hay các giải đấu khác, chúng tôi sẽ trả người về CLB để họ thi đấu. Tôi cho rằng, việc các CLB không gửi quân lên trung tâm là vì họ quá thận trọng. VFF đào tạo cầu thủ theo kiểu hỗ trợ cho CLB nên cố gắng đáp ứng đầy đủ những điều kiện về ăn ở, văn hóa. Tất nhiên sau mỗi năm, chúng tôi sẽ có những sàng lọc, loại những cầu thủ không đạt”.

Kim Anh - Lê Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm