1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

VFF khó ngăn chặn được bạo lực với kiểu "phạt nguội" với Samson

(Dân trí) - Thông điệp mà VFF gửi đến bóng đá nội hồi đầu mùa là nghiêm khắc với hành vi những hiện tượng xấu xí trên sân cỏ, nhằm ngăn chặn bạo lực. Nhưng cho đến sau vòng 4 V-League, những án phạt từ phía VFF chưa cho thấy điều đó.

Rõ nhất và ồn ào nhất có lẽ là vụ Hoàng Vũ Samson vào bóng thô bạo với Châu Ngọc Quang của HA Gia Lai, trong trận đấu thuộc vòng 3 V-League, ngày 18/1. Thật ra đây là tình huống rất rõ ràng đối với những ai xem băng ghi hình. Thế nhưng vụ việc lại ồn ào kéo dài vì người ta không xử lý Samson ngay từ đầu.

Mãi đến ngày 7/2, tức là gần 3 tuần sau khi xảy ra sự cố, Samson mới bị “treo giò” 2 trận. Một án phạt bị đánh giá rằng VFF, hay nói cụ thể hơn nữa là Ban kỷ luật của VFF dùng để đối phó với phản ứng dữ dội dư luận, hơn là mang tính răn đe.

Ngay đến cấp trên trực tiếp của VFF là Tổng cục cũng nhận định rằng VFF thiếu chủ động trong vụ việc này, thay vì chờ báo cáo, chờ giải trình từ phía VPF, VFF hay Ban kỷ luật chưa làm tốt nhiệm vụ của họ là giải quyết dứt điểm vụ việc thuộc thẩm quyền của mình ngay từ đầu. Trước đó, chính Tổng cục TDTT cũng đã nhắc nhở VFF xem xét kỹ tình huống vừa nêu.

Phải mất đến 3 tuần VFF mới cho ra được án phạt dành cho Samson (Hà Nội FC)
Phải mất đến 3 tuần VFF mới cho ra được án phạt dành cho Samson (Hà Nội FC)

Đấy là xét về phương pháp xử lý, còn xét về tính răn đe, án phạt 2 trận dành cho tiền đạo của Hà Nội FC cũng chưa chắc mang lại tính tác dụng làm thức tỉnh Samson. Nên nhớ, đây không phải là lần đầu tiền đạo nhập tịch này chơi bạo lực tại V-League, mà đấy là lỗi có hệ thống qua nhiều mùa giải.

Còn nhớ, vài năm trước, Samson từng có pha trả đũa đạp thẳng vào mặt trung vệ Huy Hoàng của SL Nghệ An, khiến Huy Hoàng phải nhập viện cấp cứu. Ít lâu sau đó, Samson động thủ với cầu thủ của Hải Phòng trên sân Lạch Tray, nhưng bị phạt nhẹ hơn các thành viên của đội bóng đất Cảng, khiến chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng khi đó bức xúc đòi bỏ V-League.

Tức là thái độ và thói quen chơi bóng bạo lực là thái độ lặp đi lặp lại của Samson từ mùa này qua mùa khác, thế nên án treo giò chỉ 2 trận đối với tiền đạo đang khoác áo đội bóng thủ đô được xem là khá nhẹ, không tính mức độ cộng dồn về lỗi hành vi, lỗi ứng xử trên sân cỏ mà chính VFF từng cảnh báo các thành viên tham gia giải trước giờ bóng lăn.

Án phạt của Samson vừa không nặng vừa quá trễ khiến cho dư luận có lý do để lên tiếng về chuyện VFF khi muốn ngăn chặn bạo lực cũng... nhìn mặt CLB chủ quản, nhìn mặt cầu thủ liên quan đến vụ việc.

Thực hư lời đồn này đến đâu là điều cần phải xem xét, duy chỉ có điều đúng là Omar (Thanh Hoá – bị treo giò 8 trận, sau giảm xuống còn 6), Thế Nhật (SL Nghệ An – bị treo giò 5 trận vì đấm gãy mũi đối phương) bị phạt cực nhanh, trong khi Samson (Hà Nội FC – treo giò 2 trận) phải cần đến 3 tuần, cùng hàng loạt bài báo trên nhiều phương tiện truyền thông mới phải nhận án kỷ luật.

Chưa hết, nếu đã treo giò Samson, tính lỗi của cầu thủ này tương đương với 1 thẻ đỏ, thì VFF cũng nên xử lý luôn trọng tài điều khiển trận đấu là ông Nguyễn Ngọc Châu, bởi một lẽ đơn giản rằng cầu thủ xem như bị tính là một thẻ đỏ thì lỗi của trọng tài rành rành là bỏ sót lỗi và bỏ sót thẻ.

Đã xử lý, VFF nên xử lý triệt để, thứ nhất là lặp lại kỷ cương của giải đấu, buộc các trọng tài phải có trách nhiệm hơn với công việc của mình, thay vì giữ thói quen nương nhẹ với những hành vi bạo lực, thói quen điều hành các trận cầu nhưng thiếu mất phần bản lĩnh của người cầm còi. Thứ hai là cũng để tạo sự công bằng cho tất cả các bên, ở chỗ ai sai, ai sót thì đều phải chịu phạt thích đáng.

Và như Tổng cục TDTT nhận định, khi xử lý vi phạm, VFF nên có sự chủ động của mình, trong lĩnh vực mà họ có đầy đủ thẩm quyền, thay vì phải chờ có báo cáo và chờ phản ứng của dư luận. Làm thế cũng là để giữ uy tín cho VFF, tiếp sau nữa là giữ cương kỷ cương cho bóng đá Việt Nam.

Kim Điền

VFF khó ngăn chặn được bạo lực với kiểu "phạt nguội" với Samson - 2

Dòng sự kiện: V-League 2017