VFF đang điều hành nền bóng đá theo cảm tính
(Dân trí) - Rất nhiều quyết định của VFF, hoặc từ miệng những người đang nắm vai trò định hướng nền bóng đá được thốt lên trong thời gian qua thiếu hợp lý, khiến cho dư luận không thể không đặt câu hỏi ai đang thực sự làm việc tại cơ quan đầu não của nền bóng đá?
Quá nhiều quyết định cảm tính
Ngày còn sung sức, nhất là trong giai đoạn mới ngồi vào vị trí cao nhất của cơ quan điều hành nền bóng đá cách nay hơn 1 năm, chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng từng có ý định tinh giản bớt bộ máy nhân sự đang quá cồng kềnh của tổ chức này.
Thế nhưng, khi mà ý định nói trên còn chưa được thực hiện thì người ta chợt nhận ra rằng không chỉ bộ máy cồng kềnh, mà ngay chính ở các vị trí cao của VFF, dư luận cũng có quyền đặc câu hỏi, nhiều vị có thực sự làm việc hay không? – Khi họ để cho quá nhiều quyết định mang tính cảm tính được đưa ra, mà không có bất cứ sự thẩm định hay luận chứng khoa học nào?
Ví như quyết định kỷ luật liên quan đến Quế Ngọc Hải. Treo giò cầu thủ đang khoác áo SL Nghệ An là điều đương nhiên, nhưng đừng vì thấy Anh Khoa chấn thương nặng mà bắt Ngọc Hải phải bồi thường, mà bỏ qua phần quan trọng nhất là Ngọc Hải phải bồi thường như thế nào? Bao nhiêu? Và bao lâu?
Chẳng hiểu các luật sư của VFF ở đâu để không phát hiện ra những điều khoản hết sức vô lý vừa nêu? (Đặt trường hợp Anh Khoa không thích chữa trị ở Singapore nữa, mà chuyển hẳn sang Mỹ chữa bệnh thì Ngọc Hải sẽ như thế nào? – Có ai trả lời không?).
Bản án kỷ luật dành cho Quế Ngọc Hải cũng có tính chất na ná như chuyện sau thất bại ở bán kết AFF Cup 2014, có quan chức VFF lập tức tuyên bố ông thấy có vấn đề và cần phải điều tra tiêu cực. Hay vụ một quan chức khác năm lần bảy lượt đăng đàn đòi sa thải HLV Miura chỉ vì cảm thấy đội tuyển đá… không đẹp, lại không thấy gọi cầu thủ cưng của một CLB lên tuyển.
Đấy hoàn toàn là những quyết định mang tính cảm tính, thiếu luận cứ khoa học, càng không phải điều để có thể phát biểu công khai với một tổ chức nắm định hướng của cả nền bóng đá, với những người đang nắm vai trò định hướng cho tổ chức ấy.
Cần công bằng khi đánh giá công tác nhân sự
Và lạ hơn nữa, suốt thời gian qua, người ta không rõ rằng quy tắc phát ngôn của cơ quan đầu não của cả nền bóng đá ở đâu? – Bởi mỗi một nhân vật chóp bu lại phát biểu theo một kiểu, không hề có sự thống nhất hoặc không lường trước được tầm ảnh hưởng của phát biểu của chính mình.
Người ta cứ trách phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn hiện ôm đồm quá nhiều, lãnh quá nhiều phần việc ở cơ quan điều hành nền bóng đá. Tuy nhiên, không ai nói rõ vì sao ông phó chủ tịch thường trực buộc phải ôm việc trong bối cảnh mà chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng hiện không khỏe, trong khi VFF còn khối việc cần giải quyết từ khâu đối nội đến đối ngoại?
Có thể nhược điểm của ông Tuấn là việc gì cũng nhận, khiến thời gian điều hành bị phân tán (như chuyện ông phải trả ghế chủ tịch Hội đồng HLV cho người thích hợp hơn), nhưng cần phải công bằng ở điểm nhiều chuyện nếu ông Tuấn không làm, thử hỏi còn ai làm? – Trong bối cảnh nhiều vị xung quanh ông chủ tịch thích đăng đàn phát biểu hơn là xắn tay áo lao vào công việc?
Chính người trong BCH VFF tâm sự rằng nhược điểm khác của ông Tuấn nằm ở chỗ ông này đối ngoại thì khéo, nhưng quan hệ với truyền thông lại không tốt. Nhưng dù gì cũng phải nói rằng trong bối cảnh mà ở VFF hiện tại có quá nhiều người thích làm việc theo cảm tính, thì người ít nói hớ hóa ra lại là người chú tâm vào công việc nhất vào lúc này.
Và dù gì vẫn còn đỡ hơn câu chuyện vài vị cứ mượn quan hệ với truyền thông để bắn tin ra ngoài, theo dạng thông tin một chiều, hay thậm chí mượn truyền thông để đăng đàn phát biểu, gây áp lực cho chính người nhà, càng làm rối thêm các định hướng của bóng đá Việt Nam vào lúc này!
Trọng Vũ