1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao
  3. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

VFF có quá nóng vội?

Tuần trước, VFF đã ban hành văn bản về định hướng tổ chức các giải đấu nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia từ 2007 đến 2009. Tuy nhiên về vấn đề được đăng ký và cho vào sân cầu thủ ngoại với số lượng hạn chế đã gây ra phản ứng trái chiều từ phía các đội bóng hạng dưới.

Theo tinh thần của văn bản này thì kể từ mùa thi đấu 2007, mỗi CLB bóng đá dự V-League vẫn được phép đăng ký 5 cầu thủ ngoại (thi đấu 3 người trên sân) và ổn định với 14 CLB.

 

Giải bóng đá hạng Nhất quốc gia cũng vẫn có 14 CLB, nhưng mỗi CLB chỉ được phép đăng ký dự giải 3 cầu thủ ngoại (thi đấu 2 người) thay vì thể thức 5-3 như hiện tại.

 

Riêng ở Cúp quốc gia, mỗi CLB hạng Nhất lẫn V-League chỉ được phép đăng ký 3 cầu thủ ngoại và thi đấu cả 3 ngoại binh trên sân. Những nét mới của văn bản này được các nhà quản lý, các HLV ở cơ sở tiếp nhận bằng những phản ứng trái chiều.

 

Ông Phạm Phú Hòa (GĐ ĐH CLB Sơn Đồng Tâm Long An):

 

Tôi rất ngạc nhiên khi tiếp nhận những thông tin nói trên. Tại sao VFF lại hạn chế việc sử dụng cầu thủ ngoại ở giải hạng Nhất trong khi lại giữ nguyên trạng với V-League? Đây là quyết định hết sức khó hiểu, trong khi đó là nhu cầu có thật của các CLB.

 

Đã làm BĐ chuyên nghiệp thì tại sao lại có sự phân biệt giữa V-League với hạng nhất. Sơn Đồng Tâm là sân sau của Gạch Đồng Tâm, chúng tôi cần có nhiều cầu thủ ngoại để tăng tính chuyên nghiệp và tính cạnh tranh.

 

Giữa hai giai đoạn, nếu ai giỏi thì sẽ hoán chuyển lên đá ở V-League, ai kém hơn phải xuống chơi hạng Nhất. Nay VFF ban hành quyết định như vậy rõ ràng gây khó cho CLB rồi, vì chỉ còn 3 cầu thủ ngoại trong một đội thì làm sao có được sự cạnh tranh sau lúc danh sách đăng ký thi đấu đã được gút lại.

 

Ông Đoàn Phùng (HLV trưởng Thừa Thiên Huế):

 

Không rõ VFF toan tính như thế nào khi ban hành văn bản ấy, song theo tôi nó mang tính áp đặt quá. Nâng cao chất lượng và phát triển bóng đá VN có nhiều cách làm, trong đó hạn chế ngoại binh không phải là cách làm tốt trong bối cảnh đào tạo bóng đá trẻ ở các CLB chưa thật tốt.

 

Lẽ ra VFF phải có cái nhìn và đánh giá toàn diện về thực trạng của việc đào tạo bóng đá trẻ rồi hãy đưa ra quyết định hạn chế sử dụng cầu thủ ngoại.

 

Việc hạn chế ấy vẫn có thể được, với điều kiện phải có một lộ trình thực hiện trong vài ba năm tới để CLB chuẩn bị chứ không thể ban hành mùa này để áp dụng ngay trong mùa tới.

 

Mất đi yếu tố ngoại binh trong khi cầu thủ nội thì chưa đạt yêu cầu làm sao lôi kéo khán giả tới sân. Bóng đá mà không có sự cổ vũ của khán giả thì còn gì là bóng đá. Đó là tính quan hệ hai mặt của một vấn đề mà VFF cần phải cân nhắc cụ thể trước lúc ban hành để buộc các CLB phải áp dụng.

 

Ông Nguyễn Kim Hằng (HLV trưởng An Giang):

 

Ở góc độ của mình, theo tôi thì hạng nhất không cần thiết phải có sự tăng viện của các cầu thủ ngoại, song điều này lại tùy theo thực lực của từng CLB.

 

Nghe thì thật phi lý, nhưng thực tế là vậy. Bằng chứng là Thể Công có cầu thủ ngoại đâu mà họ vẫn đá tốt ở giải hạng nhất. Nhưng Thể Công lại là trường hợp ngoại lệ, bởi đó là lò đào tạo cầu thủ trẻ rất tốt.

 

Nên chăng khi chuyển lên thi đấu hạng chuyên nghiệp thì mỗi CLB nên được quyền đăng ký cầu thủ ngoại thoải mái, thậm chí nên có 6 hay 7 ngoại binh cũng được.

 

Quay trở lại văn bản của VFF trong việc đăng ký 3 sử dụng 2, rõ ràng quy định ấy làm mất đi sự cạnh tranh để giành quyền ra sân giữa các cầu thủ ngoại, nhưng lại có điểm lợi là cầu thủ nội có cơ hội xuất hiện nhiều.

 

Ông Trần Thế Thái (Trưởng đoàn BĐ Quảng Nam):

 

Nói thật, trình độ chuyên môn của các cầu thủ ngoại ở giải hạng Nhất không cao, thậm chí nhiều người còn không hơn được Thạch Bảo Khanh, Đặng Phương Nam của Thể Công.

 

Do vậy, theo quan điểm của tôi thì hạng nhất đăng ký 3 cầu thủ ngoại cũng vừa sức rồi. Bởi không phải CLB nào cũng dồi dào về kinh phí trong việc thuê mướn cầu thủ ngoại cả.

 

Chúng tôi ủng hộ văn bản của VFF vì nó phù hợp với kinh phí hoạt động hàng năm của đội bóng, nhưng chắc chắn rằng với nhiều đội có tiềm lực kinh tế thì họ sẽ phản ứng gay gắt mà thôi.

 

Ông Trần Văn Phúc (HLV trưởng Thanh Hóa):

 

Đã làm bóng đá chuyên nghiệp rồi thì V-League cũng như giải hạng nhất. Vậy thì tại sao một bên bị hạn chế còn bên kia thì vẫn được duy trì như cũ? Phi lý quá. Trước đây từng cấm, rồi mở ra rộng rãi, nay lại bó hẹp quyền lợi của CLB hạng nhất, tại sao vậy? 

 

Hạng nhất là giải đấu để các CLB làm bước đệm nhằm khỏi bỡ ngỡ khi được chuyển lên thi đấu ở V-League, do vậy thiết nghĩ rằng VFF cần phải tạo điều kiện cho chúng tôi làm quen với tính chất chuyên nghiệp.

 

Đăng ký 3 đá 2 thì có chỗ cho một cầu thủ nội vào sân, nhưng chắc chắn là sẽ không mang lại chất lượng chuyên môn như mong muốn vì công tác đào tạo bóng đá trẻ hiện tại còn quá nhiều mặt hạn chế. Một khi bóng đá không có chất lượng chuyên môn như yêu cầu của người hâm mộ thì tại sao lại hạn chế bằng những loại hình văn bản như trên…

 

Việc hạn chế ngoại binh với các CLB ở giải hạng Nhất không ngoài mục đích: tăng cường cơ hội ra sân cho cầu thủ nội, hạn chế sự tốn kém về kinh phí trong việc thuê mướn cầu thủ ngoại, đồng thời buộc các CLB đầu tư nhiều hơn vào công tác đào tạo trẻ để làm lực lượng kế thừa.

 

Nhưng ở mặt khác, việc hạn chế sử dụng ngoại binh ở giải hạng nhất vô tình làm cho nhiều CLB gặp khó khăn hơn khi thị trường chuyển nhượng cầu thủ nội gần như không có, công tác đào tạo trẻ đã và đang làm ở nhiều nơi nhưng chưa thể bù đắp hoặc tung cầu thủ trẻ nhập cuộc ngay trong mùa bóng tới.

 

Liệu rằng về lâu về dài Thể Công có tiếp tục gặt hái được thành công ở giải hạng nhất mùa này khi không có ngoại binh? Trắng tay sau 5 vòng đấu, CLB BĐ TPHCM đang chạy vạy khắp nơi để tìm kiếm cầu thủ ngoại nhằm lấy lại tinh thần để giành mục tiêu trụ hạng.

 

Và không chỉ CLB này mà nhiều đội khác cũng đang tích cực tìm nguồn cầu thủ ngoại giỏi hơn để thay thế vào giữa hai giai đoạn nhằm đạt được mục tiêu đề ra là thăng hạng chuyên nghiệp.

 

Nhu cầu sử dụng cầu thủ ngoại là có thật, bởi họ là những nhân tố mang lại tính hiệu quả của Gạch Đồng Tâm Long An, Đà Nẵng, Hoàng Anh Gia Lai, Bình Dương hoặc Tiền Giang, Khánh Hòa ở mùa bóng gần đây nhất.

 

Không chỉ góp phần nâng cao chất lượng và sự phát triển của bóng đá VN, sự xuất hiện của các cầu thủ ngoại còn là quy luật tất yếu trong hướng đi lên của bóng đá chuyên nghiệp, vậy thì tại sao lại hạn chế sự phát triển ấy từ phía các đội bóng hạng nhất?

 

Trong cuộc hội thảo phát triển BĐVN năm ngoái, ý tưởng giảm bớt số lượng cầu thủ ngoại của VFF đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ đại diện của các đội Hà Nội, GĐT.LA, HAGL, Bình Dương… vì cùng cho rằng không thích hợp và cũng không cần thiết.

 

Vậy mà không hiểu sao tròn một năm sau đó, ý tưởng ấy lại trở thành hiện thực. Thiết nghĩ VFF nên xem xét lại tính khả thi và hợp lý văn bản này trước lúc áp dụng rộng rãi…

 

Theo Sĩ Huyên

Tuổi trẻ