Vận động viên trọng điểm được tăng tiền ăn lên 400 nghìn đồng/ngày

(Dân trí) - Nhằm chuẩn bị cho SEA Games 2017 và ASIAD 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những chính sách để đầu tư cho những HLV và VĐV có nhiều khả năng giành huy chương. Theo đó, có 14 HLV và 55 VĐV sẽ được hưởng chính sách đặc thù về chế độ dinh dưỡng, tiền công, chăm sóc y tế, thực phẩm chức năng, trang thiết bị luyện tập, thi đấu.

Cụ thể, HLV được hưởng chế độ tiền ăn 400.000 đồng/người/ngày; tiền công 500.000 đồng/người/ngày. VĐV được hưởng chế độ tiền ăn 400.000 đồng/người/ngày; tiền công 400.000 đồng/người/ngày. Chế độ này bắt đầu áp dụng từ ngày 15/1/2017 đến 31/12/2017.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn, trong năm 2017, mục tiêu trọng điểm của thể thao thành tích cao sẽ tập trung vào việc chuẩn bị lực lượng tham dự SEA Games 29, Paragames 9 tại Malaysia; chuẩn bị tham dự giải thể thao trẻ châu Á lần thứ 3, Đại hội Thể thao người khuyết tật trẻ châu Á lần thứ 2 tại Indonesia; Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á tại Turkmenistan; Đại hội Thể thao mùa Đông châu Á lần thứ 8 tại Nhật Bản và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới.


Ánh Viên và một số vận động viên được tăng tiền trợ cấp

Ánh Viên và một số vận động viên được tăng tiền trợ cấp

“Với những nhiệm vụ này, chúng tôi đang tập trung rà soát lực lượng để chuẩn bị một cách kĩ càng, những vận động viên trọng điểm xuất sắc sẽ được đầu tư một cách đặc biệt. Hay nói cách khác là nguồn lực của ngành sẽ tập trung đầu tư cho các vận động viên này. Chúng tôi xác định SEA Games là mục tiêu thi đấu của năm 2017 và cũng là bước đệm chuẩn bị cho kỳ ASIAD 2018 và Olympic 2020”, ông Phấn chia sẻ.

Trong năm nay, SEA Games sẽ là sân chơi mang tình trọng tâm của thể thao Việt Nam. Theo thông báo ban đầu từ Ban Tổ chức SEA Games 29 Malaysia, tại SEA Games lần này, các VĐV sẽ tranh tài 405 bộ huy chương của 38 môn thể thao. Tại kỳ Đại hội này, Thể thao Việt Nam sẽ đăng ký thi đấu 26 môn thể thao. Điểm khó của SEA Games 29-2017 là chủ nhà Malaysia sẽ hạn chế nội dung của một số môn thể thao khi không đưa vào thi đấu bộ huy chương của nữ mà chỉ dành cho nam. Các môn như Rowing, Canoeing, Vật không có trong chương trình thi đấu. Ở một số kỳ SEA Games trước, thể thao Việt Nam giành khá nhiều HCV từ các môn thể thao trên. Trong số các môn và các nội dung thi đấu, có khá nhiều môn lạ, hoặc không phải là sở trường của thể thao Việt Nam. Số này phải kể đến Bowling, Hockey trên băng, Bóng lưới, Đua thuyền buồm, Lướt ván, Golf,... Một số môn khác, vốn có tên trong chương trình thi đấu Olympic, nhưng không phải là thế mạnh của Thể thao Việt Nam như 3 môn phối hợp, Hockey trên cỏ, Bóng rổ, Đua ngựa…

“SEA Games 29 là kỳ SEA Games đầy khó khăn với Thể thao Việt Nam, mục tiêu chúng tôi đưa ra là phấn đấu giành thành tích cao nhất, giữ vững được vị trí nằm trong top 3 tại kỳ Đại hội này. Để đạt được mục tiêu như vậy thì toàn ngành, đặc biệt là các VĐV, các HLV phải nỗ lực rất nhiều. Trong đó phải tập trung mọi nguồn lực để vận động viên đạt thành tích”, ông Phấn nhấn mạnh.

An An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm