1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

V-League 2006 không có nhà tài trợ?

Cuối cùng thì chính VFF cũng đành chấp nhận làm sai Quy chế bóng đá chuyên nghiệp khi không thể công bố danh tính nhà tài trợ mùa bóng trước thời điểm qui định là 3 tháng, mặc dù họ cũng đã báo trước nhóm mặt hàng để các CLB tiện vận động tài trợ.

Vấn đề chưa dừng lại ở đó. Theo thông tin mà chúng tôi có được, những cuộc thương thảo đang rơi vào bế tắc khi nhà tài trợ mới của V-League vẫn chưa đạt được các thỏa thuận với đối tác môi giới của VFF.

 

Sau V-League 2005, nhà tài trợ Number One vẫn có ý định nối tiếp mối lương duyên với bóng đá Việt Nam. Công ty quản lý Number One là Tân Hiệp Phát muốn đưa thương hiệu mới là bia Bến Thành Gold làm nhà tài trợ cho V-League. Mọi chuyện có vẻ suôn sẻ cho đến khi vụ việc tiêu cực xảy đến. Bản thân đối tác của VFF là Công ty quảng cáo Đất Việt hoàn toàn bất ngờ.

 

Nhà tài trợ Cúp Quốc gia mùa trước là Vilube đã chính thức rút lui và vẫn chưa có nhà tài trợ nào mới. Mới tuần trước, phía Đất Việt đã lo lắng khi Bến Thành Gold và Number One bắt đầu chần chừ ký tiếp hợp đồng tài trợ cho V-League. Bản thân giải hạng Nhất cũng không có hướng ra khi vẫn chưa tìm ra nhà tài trợ mới thay cho Majesty & Bird. Hậu quả đầu tiên của các vụ án tiêu cực đã có.

 

Quan trọng nhất là V-League. Số tiền tài trợ cho giải lên đến 10 tỷ đồng và đấy là một con số quá lớn trong thời điểm hiện tại. Không có nhà tài trợ thì V-League có ảnh hưởng gì không? Phía VFF tuyên bố V-League vẫn sẽ tiến hành như bình thường.

 

Quỹ tổ chức thi đấu của VFF vẫn còn dù không nhiều và phía Đất Việt cũng phải bỏ tiền ra để tổ chức cho được V-League dù họ không có nhà tài trợ chính nào. Nghĩa là vẫn có tiền để V-League tiến hành nhưng có một điều chắc chắn: uy tín V-League và giá trị thương mại của nó sẽ bị ảnh hưởng nặng nề mà mùa bóng sau, chắc gì VFF còn một đối tác như Đất Việt để mà chia sẻ.

 

Khi các nhà tài trợ bị đặt vào cảnh "chuyện đã rồi"

 

Dù luôn tuyên bố không hề bất ngờ trước các vụ án và những nhân vật liên quan đến tiêu cực, nhưng rõ ràng VFF không hề lường trước các hậu quả của nó. Ngoài đối tác Đất Việt vốn là nơi “lo” cho V-League cũng như Cúp Quốc gia thì Công ty con của VFF là VFD cũng bó tay trong việc vận động tài trợ cho giải hạng Nhất vốn ít tiền hơn nhiều.

 

VFD vốn rất mạnh trong các hoạt động kiếm tiền cho VFF nhưng cũng bất lực trước cơn bão tiêu cực. Cứ so sánh: VFD tìm hơn 5 tỷ đồng cho một giải Agribank Cup nhưng lại không đủ 1 tỷ để cho giải hạng Nhất khởi đầu vui vẻ. Điều đó đã nói lên phần nào sự bị động của các nhà tài trợ trước các biến cố tiêu cực mà VFF luôn bảo rằng mình biết nhưng lại không thông tin kịp thời cho các đối tác của mình hòng chuẩn bị những phương án thay thế.

 

VFF hầu như bị động trong tiến trình điều tra của cơ quan công an và quá trình thương thảo tài trợ cũng thế. Sự thiếu thống nhất của VFF trong việc chọn lựa số đội dự V-League hay thời điểm bắt đầu V-League là sự bị động kế tiếp. Để lên một kế hoạch tài trợ, người ta cần 3-5 tháng nhưng kể từ khi gút số đội (13) và thời gian (15/1/2006) thì các nhà tài trợ chỉ có chưa đầy 1 tháng để chuẩn bị cho chiến dịch quảng cáo của mình.

 

Thế nên, trong động thái mới nhất của mình, Đất Việt và VFF đã chuẩn bị phương án cuối cùng: bỏ tiền ra để làm giải.

 

Khi V-League không có nhà tài trợ

 

Đấy là một khả năng có thật. Nếu không có thương hiệu mới nào nhảy vào làm nhà tài trợ cho V-League 2006 thì có thể nhà tài trợ cũ là Kinh Đô sẽ phải quay lại nhưng cũng có thể Kinh Đô cũng không còn mặn mà.

 

Nói cách khác, vấn đề là không ai còn ham muốn gắn tên mình vào V-League khi thương hiệu bóng đá này đang sa sút uy tín nghiêm trọng vì các vụ án tiêu cực. Bên cạnh đó, cách quản lý và phát triển thương hiệu V-League của VFF cũng bộc lộ khá nhiều điều sai sót. Thời gian qua, VFF tập trung nhiều vào chiến dịch 6 tỷ đồng cho đội tuyển Việt Nam và cũng đã thất bại về mặt thành tích của đội tuyển.

 

V-League mà không có nhà tài trợ thì cũng chẳng… chết nhưng uy tín của VFF đã giảm thiểu đáng kể và những mùa bóng sau sẽ còn nhiều khó khăn hơn nữa. Trả lời báo chí, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ tự tin nói rằng các nhà tài trợ sẽ không bỏ bóng đá Việt Nam nếu đấy là bóng đá trong sạch, nhưng giữa nói, giữa tin tưởng và làm có khoảng cách không nhỏ. Cái mà các nhà tài trợ cần là VFF sẽ làm gì chứ không phải tin hay hứa hẹn như thế nào.

 

Các CLB cũng bế tắc

 

Có vẻ như các CLB Việt Nam đang trở lại con đường cũ: bao cấp chi tiêu cho bóng đá. Ngoài những đội bóng do doanh nghiệp quản lý thì các đội bóng còn trực thuộc nhà nước vẫn loay hoay tìm tiền mà không có thêm những Mạnh Thường Quân mới.

 

Bình Định vẫn là nhà tài trợ Hoa Lâm. Đà Nẵng vẫn trông cậy vào Bierre Learue. Nam Định vẫn chưa có ai thay thế cho Sông Đà. Đồng Tháp không có người kế tiếp Delta. Tiền Giang vừa bị Konica ngưng hợp đồng. SLNA chắc chắn sẽ không còn tiếp tục với Pjico. Hải Phòng cũng vẫn còn thương thảo với Mitsustar. Không hề có ai mới muốn nhảy vào tài trợ cho bóng đá.

 

Thật ra, ở những đội bóng đang thuộc quản lý của các doanh nghiệp thì tình hình tài trợ không bị ảnh hưởng lắm. Các đội như GĐT.LA, Bình Dương, HA.GL đều đã bán được cho các nhà tài trợ mới các phần “đất” quan trọng trên áo thi đấu và mục tiêu có 15 tỷ đồng chi tiêu toàn mùa bóng đều gần như đạt được. Nói cách khác, khi các đội bóng biết tận dụng phù hợp cơ chế thị trường, cam kết cung cấp các trận đấu sạch và chất lượng cao thì vẫn bảo đảm có nhà tài trợ mới.

 

Các CLB này đều tự thân vận động và tìm cách học làm tiếp thị hình ảnh theo kinh nghiệm kinh doanh của mình chứ không phải đợi đến những khóa học tiếp thị của VFF mới làm được.

 

Theo H.V - T.O

Sài Gòn giải phóng