U23 Việt Nam đã “lột xác” tại Shah Alam

(Dân trí) - U23 Malaysia vào tối 27/3 không phải là đội bóng mạnh. Thế nhưng, so với chính mình thì đội tuyển U23 Việt Nam rõ ràng là đã khác hẳn các trận giao hữu trước đó. Điều đó khẳng định HLV Miura chẳng phải là “tay mơ” như nhiều người vẫn e ngại như vậy.

Tiến bộ về kỹ - chiến thuật và thể lực

Vẫn phải nói về thể lực của các cầu thủ Việt Nam dưới thời HLV Miura. Cứ nhìn 2 cầu thủ nổi tiếng mỏng manh của đội là Công Phượng và Văn Toàn sẽ thấy công tác cải thiện thể lực mà vị HLV người Nhật đã thực hiện cho các họ trò hiệu quả đến mức nào. Văn Toàn đủ sức chạy khỏe trong suốt 90 phút, trong khi Công Phượng cũng ít đi bộ hơn hẳn các trận đấu mà anh thường chơi trong màu áo HA Gia Lai.

Thể lực tốt giúp cho các cầu thủ U23 Việt Nam thoải mái tranh chấp tay đôi với đối phương nổi tiếng về sức mạnh và sức bền, cũng như đủ sức duy trì tốc độ cao cho đến tận cuối trận.

Về mặt chiến thuật, nhưng chúng tôi từng nhận định trước đó, đội bóng của HLV Miura rất tỉnh táo trong việc chậm rãi ở tuyến dưới và chớp nhoáng ở tuyến trên. Các cầu thủ không hề nhập cuộc theo tư thế phải “ăn tươi nuốt sống” đối phương, bởi chúng ta hiểu chúng ta không mạnh hơn họ, chúng ta chỉ cần hợp lý hơn.

Sự hợp lý đấy chính là việc các hậu vệ chơi theo kiểu an toàn nhất có thể (nhất là Ngọc Hải), các tiền vệ trung tâm đá khá gần nhau, sau khi đã rút ra được bài học kinh nghiệm từ thất bại vỡ mặt trước Thái Lan cách nay vài ngày.

U23 Việt Nam đã “lột xác” tại Shah Alam
Bàn thắng của Huy Toàn thể hiện rõ nét nhất sự hợp lý và tính bất ngờ trong lối chơi của U23 Việt Nam: Nhanh, gọn, chính xác (ảnh: Gia Hưng)

Khi phạm lỗi các cầu thủ ở tuyến dưới cũng rất dứt khoát: Phạm lỗi chiến thuật khi đối phương vẫn còn cách xa khung thành, vây áp đối thủ ngay khi họ có bóng, đồng thời chơi theo kiểu “bóng qua người ở lại” lúc đối phương đang phản công.

Có người sẽ cho rằng đá thế là không đẹp. Nhưng luật bóng đá không cấm một đội đá không đẹp mà vẫn chiến thắng, nên đoàn quân của HLV Miura không làm sai luật. Vả lại, cần phải khách quan ở điểm lực lượng của đội tuyển U23 Việt Nam tham dự giải đấu lần này không phải là lực lượng mạnh, nếu không muốn nói chất lượng cầu thủ mà chúng ta đang có không thuộc nhóm hàng đầu khu vực, nên nếu đã yếu thì phải biết dùng… thế.

HLV Miura không... may với các thủ môn

Một điều mừng khác với đội tuyển U23 Việt Nam sau trận đấu với Malaysia là các tiền đạo đã “thông nòng”. Điều này có ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần, sau khi lối chơi của Công Phượng và Văn Toàn phần nào đã được cải thiện: Chịu khó di chuyển nhiều hơn, chịu khó áp sát hơn khi đối thủ có bóng, chịu khó nhìn các đồng đội mà đá hơn trước.

U23 Việt Nam đã “lột xác” tại Shah Alam
U23 Việt Nam đã “lột xác” tại Shah Alam

Dù vậy, vẫn có đôi chút đáng ngại về vị trí thủ môn của U23 Việt Nam. Thủ thành Hoài Anh trong đêm 27/3 chưa tạo được niềm tin ở chỗ anh ra vào thiếu hợp lý và phản xạ không nhanh (nhất là trong bàn thua ở hiệp 1).

Có một điều khác không thể không nhắc đến là HLV Miura dường như không có duyên với các thủ môn. Ở 2 giải quốc tế chính thức gần nhất, vị HLV người Nhật đều gặp vấn đề với các thủ thành mà ông chấm là số 1.

Trước AFF Cup 2014, thủ môn tốt nhất của HLV Miura trong giai đoạn chuẩn bị là Bửu Ngọc chấn thương nặng phải rời cuộc chơi, buộc ông Miura phải dùng Nguyên Mạnh, rồi Nguyên Mạnh thiếu an toàn khiến đội tuyển Việt Nam bị loại trước Malaysia ở bán kết lượt về.

Giờ, HLV Miura lại mất thủ thành Văn Tiến trong quá trình chuẩn bị cho vòng loại Olympic châu Á lần này, trong khi Văn Tiến trước đó được đánh giá là thủ môn tốt nhất của đội tuyển U23 Việt Nam trước thềm giải đấu.

Thành ra, vị HLV người Nhật phải miễn cưỡng sử dụng thủ thành Hoài Anh, rồi miễn cưỡng chứng kiến sự thiếu hợp lý của thủ môn này trong suốt trận.

U23 Việt Nam chưa phải trả cái giá quá đắt với sự thiếu hợp lý đấy, nhưng cần phải nhắc nhở Hoài Anh chơi an toàn hơn, giúp các hậu vệ ngay phía trên anh yên tâm hơn trong việc vây bắt đối phương từ xa, cũng như dâng cao hỗ trợ tuyến trên.

Kim Điền