U22 Việt Nam có giữ được miếng đánh lợi hại ở SEA Games?
(Dân trí) - Ở 2 kỳ SEA Games gần nhất, bóng bổng luôn là điểm mạnh đáng sợ của U22 Việt Nam, nhưng ở Doha Cup hồi cuối tháng 3, đội bóng của HLV Troussier lại bộc lộ điểm yếu trong bóng bổng.
Cụ thể, ở 2 trận chung kết nội dung bóng đá nam các kỳ SEA Games 30 năm 2019 và SEA Games 31 năm 2022, những pha ghi bàn trong các tình huống bóng bổng đều giúp U22 Việt Nam khai thông bế tắc, mở ra chiến thắng chung cuộc cho đội nhà.
Ở SEA Games 30 năm 2019, trong trận chung kết với Indonesia, Đoàn Văn Hậu đánh đầu ghi bàn ở phút 39, mở tỷ số cho U22 Việt Nam, trước khi chúng ta giành thắng lợi chung cuộc 3-0.
Còn tại SEA Games 31 năm 2022, Nhâm Mạnh Dũng là người đánh đầu vào lưới Thái Lan ở phút 83, ghi bàn duy nhất giúp đội bóng của HLV Park Hang Seo giành chiến thắng chung cuộc 1-0.
Trước trận chung kết SEA Games 31, trong trận bán kết giải đấu này gặp Malaysia, đội bóng đá nam Việt Nam cũng ghi bàn duy nhất, ấn định chiến thắng 1-0 trước Malaysia bằng một pha ghi bàn từ bóng bổng, sau cú đánh đầu của Tiến Linh trong hiệp phụ.
Tại các kỳ SEA Games 30 và 31, thể hình là điểm mạnh của các cầu thủ U22 Việt Nam. Khi đó, đội bóng của HLV Park Hang Seo có rất nhiều cầu thủ sở hữu thể hình tốt.
Năm 2019 trong đội hình của chúng ta có trung vệ Huỳnh Tấn Sinh (1m83), Nguyễn Thành Chung (1m82), hậu vệ trái Đoàn Văn Hậu (1m86), hậu vệ phải Hồ Tấn Tài (1m80), tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức (1m84), tiền đạo Nguyễn Tiến Linh (1m80).
Đến năm 2022, đội bóng đá nam Việt Nam tham dự SEA Games có trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh (1m85), Nguyễn Thanh Bình (1m84), tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức (1m84), tiền đạo Nguyễn Tiến Linh (1m80), Nhâm Mạnh Dũng (1m81).
Dàn cầu thủ ấy giúp đội U22 Việt Nam tại SEA Games các năm 2019 và 2022 có lợi thế rất lớn trong các pha bóng bổng.
Năm nay, đoàn quân của HLV Philippe Troussier vẫn có một số gương mặt cao trên dưới 1m80 xuất hiện trong đội hình, như trung vệ Lương Duy Cương (1m80), tiền vệ Nguyễn Văn Trường (1m82), tiền đạo Nguyễn Văn Tùng (1m79).
So với mặt bằng cầu thủ Đông Nam Á, họ không kém về thể hình, nhưng nếu gọi là vượt trội, các cầu thủ Việt Nam không còn vượt trội về hình thể so với đối phương như 2 kỳ SEA Games gần nhất.
Chính vì thế, bóng bổng không còn là vũ khí lợi hại của U22 Việt Nam, như chính chúng ta từng sở hữu vũ khí này các năm 2019 và 2022.
Dẫu biết bóng đá không chỉ dựa vào bóng bổng, mà ưu thế do một đội bóng tạo chủ yếu đến từ các pha phối hợp trên mặt sân. Tuy nhiên, việc có thêm vũ khí trong những tình huống bóng bổng dù sao cũng giúp cho một đội bóng lợi hại hơn.
Chí ít, đối thủ ít dám phạm lỗi với cầu thủ Việt Nam ở rìa khu vực 16m50 của họ, vì sợ chúng ta khai thác các tình huống bóng bổng trong những pha bóng cố định, từ đó giúp các cầu thủ Việt Nam thoải mái hơn trong khâu phối hợp.
Hy vọng trong những ngày vừa qua HLV Philippe Troussier có thể giúp cho toàn đội có phương án khác, tấn công đa dạng hơn, nhằm bù đắp cho việc mất đi một trong những vũ khí lợi hại nhất.