U19 Việt Nam đang ở đâu trong khu vực Đông Nam Á?

(Dân trí) - Trước giải, người hâm mộ phần nào hoài nghi về thực lực thật sự của U19 Việt Nam. Bây giờ, sau giải, dàn cầu thủ trẻ và những người làm bóng đá Việt Nam đã phần nào hình dung được vị trí của mình. Đấy không phải là vị trí số 1 Đông Nam Á.

Tiến bộ trong lối chơi

Công bằng mà nói, so với cách nay 1 năm, nhất là so với giải U19 Đông Nam Á 2013 và giải giao hữu hồi đầu năm, U19 Việt Nam đã có tiến bộ khá rõ rệt về cách thức tấn công và cách thức tiếp cận cầu môn đối phương.

Đội bóng của HLV Graechen Guillaume không còn chỉ biết theo một cách là chuyền bóng qua lại trước khu vực 16m50 của đối phương, chờ đối phương lộ sơ hở rồi mới tung đòn.

Hiện tại, U19 Việt Nam đã đa dạng hơn trong tấn công. Ở giải U22 Đông Nam Á, người ta đã được thấy đội này có những pha chuyển hướng tấn công bằng cách đảo cánh đầy bất ngờ, có những pha tấn công rất đơn giản, chỉ sử dụng 1 đường chuyền khe để tiền đạo xộc thẳng vào khu vực cấm địa của đối phương.

Có nghĩa là so với cách nay chừng 1 năm, tốc độ tấn công của U19 Việt Nam đã thay đổi đáng kể. Dĩ nhiên, lúc cần lớp lang, họ vẫn đã rất lớp lang, nhưng khi cần đơn giản, các cầu thủ của HLV Graechen Guillaume cũng có thể đá đơn giản được rồi.

U19 Việt Nam không phải là đội bóng số 1 Đông Nam Á
U19 Việt Nam không phải là đội bóng số 1 Đông Nam Á

Ngoài ra, điều đáng lưu tâm hiện nay là U19 Việt Nam đã biết đá… phản công, điều gần như không hề có trong khoảng 1 năm trước. Các cầu thủ ở tuyến dưới đã biết chuyền vượt tuyến lên phía trên, thay vì cứ từ từ triển khai để đối phương đủ thời gian bịt hết các khoảng trống.

Đấy là điều đáng ghi nhận, cho thấy U19 Việt Nam đã mang nét hiện đại nhiều hơn xưa. Việc tránh được sự rập khuôn bao giờ cũng đáng được ghi nhận, bởi đá càng đa dạng thì đối thủ càng khó bắt bài.

Nhưng đối thủ lại tiến bộ nhanh hơn

U19 Việt Nam có tiến bộ, nhưng điều quan trọng là chúng ta không tiến bộ nhanh bằng đối thủ, mà đấy mới là mấu chốt của vấn đề.

Khi thua Indonesia 1 năm về trước ở giải U19 Đông Nam Á, chúng ta cho rằng đội bóng trẻ xứ vạn đảo đá quá bạo lực. Khi thất bại trước Malaysia ở vòng bảng giải U22 Đông Nam Á, chúng ta nói họ hơn tuổi chúng ta.

Tuy nhiên, thất bại trước Myanmar giờ quá rõ ràng, Myanmar thắng bởi đơn giản họ hay hơn và họ hiện đại hơn U19 Việt Nam. Các cầu thủ Myanmar đá áp sát, chứ không hề chơi rắn, nên không thể nói là họ đá bạo lực. U19 Myanmar cũng cùng cỡ với U19 Việt Nam, nên không còn có thể lấy lý do kém tuổi để nói về thất bại.

U19 Việt Nam thua vì đội bóng của HLV Graechen Guillaume còn những khiếm khuyết mà ta không thấy ở đối thủ. Đấy là một hàng thủ không biết thế nào là bọc lót cho nhau. Thành ra, khi đối phương chỉ cần qua được một người là cả hệ thống hàng hậu vệ giăng ngang gần như bị loại bỏ.

Các trung vệ của U19 Việt Nam cũng rất kém trong khả năng chuồi bóng, trong khi khả năng chuồi bóng chính là khác biệt giữa một hậu vệ giỏi và một hậu vệ bình thường (Nesta hay Maldini được đánh giá là trung vệ hàng đầu thế giới cũng nhờ họ chuồi bóng hơn người). Đông Triều hỗ trợ tấn công hay, nhưng nếu không biết cách chuồi bóng thì mãi mãi cầu thủ này không bao giờ trở thành trung vệ đúng nghĩa.

Lối chơi của U19 Việt Nam thiếu hẳn một “cầu thủ số 6”, tức là một tiền vệ trung tâm có khả năng tranh chấp tay đôi giỏi. Người được kỳ vọng là Xuân Trường không thiếu kỹ thuật, nhưng anh không có tố chất của một tiền vệ trung tâm, vì thiếu mạnh mẽ và không biết thu hồi bóng.

Không có tiền vệ phòng ngự giỏi, U19 Việt Nam hầu như không có phương án chống phản công. Điều này thể hiện qua việc U19 Việt Nam thua 3 bàn sau trong trận chung kết. Đấy là những tình huống mà đội hình của chúng ta dâng cao, nhưng khi đối phương phản đòn, U19 Việt Nam hầu như bị hỏng cả hệ thống phòng ngự.

Và điều mà người ta thấy rõ nhất chính là chúng ta chưa phải là đội bóng số 1 Đông Nam Á ở lứa tuổi 19 như chúng ta vẫn tưởng. Chúng ta không thuộc dạng muốn thắng ai thì thắng như một số người từng tuyên bố! Biết mình ở đâu đôi khi cũng là điều tốt!

Kim Điền