U19 Việt Nam: Đã thấy dấu hiệu… lớn

(Dân trí) - Có thể với nhiều người, U19 Việt Nam thắng Thái Lan bằng bàn thắng có phần hơi may mắn. Có lẽ nhiều người chưa thấy “sướng con mắt” với đội tuyển của HLV Graechen Guillaume trong những phút cuối. Nhưng kỳ thực, bóng đá đôi khi phải thế!

Đã biết đá… ma

Nhiều người xem trận U19 Việt Nam – U19 Thái Lan thấy những phút cuối đoàn quân của HLV Graechen Guillaume chuyền ngang rất nhiều. Đấy là thời điểm các cầu thủ rất chịu khó lởn vởn ở khu vực giữa sân, đôi lúc còn gây ức chế cho đối thủ.

Đấy là khác biệt rất lớn giữa U19 Việt Nam so với thời điểm cách nay 1 năm. Hồi thua U19 Indonesia trong trận chung kết U19 Đông Nam Á 2013, các cầu thủ cứ hùng hục lao lên phía trước, rồi lúc đá ở cúp Nutifood hồi đầu năm, chúng ta cầm bóng nhiều nhưng đôi khi chính các cầu thủ cũng không hiểu cầm bóng nhiều để làm gì và giữ bóng lâu để giải quyết vấn đề gì?

Đấy là những trận thua mà nhiều người thấy… tức, tức ở chỗ đội bóng của HLV Graechen Guillaume cứ nhất nhất lao lên, nhưng không hề biết rằng đá như thế chẳng khác nào húc đầu bào bức tường (cụ thể là bức tường phòng ngự của đối phương).

Trước U19 Thái Lan hôm 20/8, U19 Việt Nam nhiều lúc vờn bóng như đá… ma. Lối đá này có thể không đẹp nhưng luật bóng đá không cấm lối chơi như thế. Điều quan trọng là khi đối phương biết chơi “chiêu”, dùng cách đá bạo lực để hạn chế cách chơi của chúng ta, U19 Việt Nam đã bắt đầu biết chơi chiêu lại.

U19 Việt Nam giờ sẵn sàng đá... ma trước Thái Lan
U19 Việt Nam giờ sẵn sàng đá... ma trước Thái Lan

Cần phân biệt chơi chiêu để phục vụ yếu tố chiến thuật và chơi chiêu vì không còn cách nào để đá. Ở đây, thấy rõ là đoàn quân của HLV Graechen Guillaume đang chơi chiêu để phục vụ ý đồ chiến thuật.

Bóng đá đỉnh cao đôi khi cần phải thế, đối phương đã dùng đường “tà đạo” để đá với chúng ta, nếu U19 Việt Nam chỉ biết đi đường chính đạo, đá theo đúng 1 kiểu thì chẳng khác nào… dại.

Ngay đến đội tuyển Argentina của siêu sao Messi với chất kỹ thuật lừng danh thế giới cũng không dám đá đôi công với đối phương, sẵn sàng đá cù cưa để lê từng bước vào trận chung kết World Cup, thì U19 Việt Nam có là gì mà không thể đá… ma khi đối phương đá xấu?!

Với đối thủ đã khỏe hơn mình, sẵn sàng đá rắn với mình, mà cứ hùng hục lao lên thì khác nào tự sát, giống như Argentina của Messi nếu bảo đá đôi công với đội Đức trong trận chung kết thì không bao giờ cầm cự được lâu đến vậy, không bao giờ có cơ hội chiến thắng (cứ nhìn Brazil đi khắc biết!).

Bóng đá đỉnh cao phải có chiến thuật

Nếu như các em nhỏ mới tập đá bóng chỉ so đọ với nhau về kỹ thuật, thì nói đến bóng đá đỉnh cao phải nói đến chiến thuật. Lứa U19 Việt Nam hiện nay cũng chuẩn bị bước lên đỉnh cao rồi, nên họ làm quen với những tính toán về mặt chiến thuật đi là vừa.

Không phải gặp đối thủ nào chúng ta cũng có thể đá như đối thủ nào. Làm thế vừa dễ bị bắt bài, vừa bị chê là dại. Bài học của chính chúng ta hồi giải U19 Đông Nam Á 2013 và cúp Nutifood hồi đầu năm còn nóng hổi đấy thôi.

Trong bóng đá đỉnh cao, ngay cả những đội bóng bậc thầy về mặt kỹ thuật như Barcelona hay Bayern Munich còn phải xác định họ cầm bóng để làm gì? Với họ, giữ bóng nhiều hơn đối phương nhưng không biết cách chiến thắng hoặc không biết cách bảo vệ chiến thắng sau khi đã dẫn trước thì giữ bóng nhiều chỉ là vô ích.

Người ta từng phàn nàn với lối đá ngây ngô của U19 Việt Nam trước giải U22 Đông Nam Á năm nay. Bây giờ, có thể đội bóng của HLV Graechen Guillaume chơi không hào nhoáng bằng chính họ cách nay vài tháng, nhưng chẳng phải chính chúng ta từng trả giá cho sự hào nhoáng đến mức phát bực mình của chính lứa cầu thủ hôm nay hay sao?

Chúng ta không khuyến khích cầu thủ đá xấu, đá bậy, đá láo, nhưng cần phân biệt đá láo khác, đá xấu khác và đá bóng cầm chừng để phục vụ ý đồ chiến thuật khác. Khi các cầu thủ hiện nay biết quan tâm đến vấn đề chiến thuật, đấy nên xem là tín hiệu mừng cho đoàn quân của HLV Graechen Guillaume.

Kim Điền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm