(Dân trí) - Có nhiều sự tung hô và câu chuyện cổ tích được viết ra sau chiến tích lần đầu tiên giành vé dự World Cup của tuyển nữ Việt Nam. Nhưng không biết chừng, sự tung hô sẽ chỉ thoáng qua như một cơn gió.
Tuyển nữ Việt Nam dự World Cup: Đừng để lời tung hô trở thành… cơn gió!
Lịch sử bóng đá nữ Việt Nam đã sang trang sau tiếng còi kết thúc trận đấu với Đài Loan (Trung Quốc). Lần đầu tiên trong lịch sử, những cô gái vàng của bóng đá Việt Nam cảm nhận được sự ngọt ngào của World Cup. Họ đã cùng nhau tận hưởng khoảnh khắc của đời người.
Trên khắp mặt báo, hình ảnh của những người hùng xuất hiện dày đặc. Có rất nhiều sự tung hô, những câu chuyện mang sắc màu cổ tích được vẽ nên. Thế nhưng, chỉ sợ ngày nào đó, tất cả sẽ chỉ thoáng qua như một cơn gió.
Những sự khen thưởng, ủng hộ lúc này là cần thiết. Nhưng biết đâu, khi ánh sáng của vinh quang không còn, những cô gái vàng của Việt Nam sẽ lại trở về với… khó khăn, không ai ngó ngàng tới…
GÓC KHUẤT PHÍA SAU TẤM VÉ DỰ WORLD CUP
"Sau trận đấu, các chị em trong đội chỉ biết ôm nhau sung sướng, có người còn rớt nước mắt vì xúc động, sự xúc động trong hạnh phúc" - trung vệ Chương Thị Kiều tâm sự sau khi cùng đội nữ Việt Nam lần đầu tiên giành vé dự World Cup.
Ít ai biết rằng, trước thềm trận đấu với Đài Loan, trung vệ thép của đội nữ Việt Nam đã phải nén nỗi đau khi ông ngoại qua đời để chiến đấu vì màu cờ sắc áo dân tộc. Trong trận đấu ấy, Chương Thị Kiều đã chơi trận tuyệt hay, như thể vỡ òa quá nhiều điều kìm nén trong lòng. Sau trận đấu, người ta đã thấy hình ảnh cảm động. Toàn đội đã ôm Chương Thị Kiều vào lòng để động viên cô vượt qua nỗi đau mất người thân.
Bóng đá Việt Nam luôn sinh ra những con người kiên cường như vậy. Để có được tấm vé dự World Cup lần đầu tiên trong lịch sử, thế hệ cầu thủ nữ Việt Nam của hôm nay không chỉ vượt qua một vài trận đấu ở giải bóng đá nữ châu Á, thay vào đó, họ còn vượt lên số phận, băng qua cả những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua.
Có một chi tiết khiến nhiều người chạnh lòng. Ngay sau chiến tích lịch sử, các cô gái vàng của bóng đá Việt Nam không thể về nước ngay vì… không có chuyến bay. Tất nhiên, vấn đề này đã được giải quyết khi một hãng bay đã đưa chuyên cơ sang Ấn Độ để đón đội nữ Việt Nam. Nhưng qua đó, có thể thấy ngay cả trong thời điểm được tung hô nhiều nhất, đội nữ Việt Nam cũng không nhận được sự quan tâm thực sự lớn.
Có lẽ, các cô gái đội nữ Việt Nam đã "quen" với điều đó. Trước thềm giải đấu, họ từng đứng trước nguy cơ bỏ giải khi chỉ có… 4 cầu thủ tập luyện trong ngày sang Ấn Độ vì ảnh hưởng của Covid-19. Chính vì lẽ đó, ít ai ngờ rằng, đội bóng của HLV Mai Đức Chung lại làm nên chiến tích lịch sử như vậy.
Có thể gọi những đội nữ Việt Nam là những người hùng "chân đất". Bởi lẽ, trong nhiều năm qua, họ vẫn luôn lặng lẽ cống hiến cho thể thao nước nhà. Để đánh đổi lấy vinh quang, họ đã phải gồng gánh với cuộc sống mưu sinh đầy vất vả.
Đơn cử như trường hợp của Tuyết Dung, cô gái từng 2 lần giành Quả bóng vàng Việt Nam. Giới truyền thông từng gọi cô là "Quả bóng vàng biết cấy lúa". Đó là cách gọi dân dã của tuyển thủ quốc gia đã tận dụng thời gian nghỉ ngơi của mình để phụ giúp gia đình cấy lúa. Trong những năm qua, cô đã phải mưu sinh bằng không ít nghề tay trái như bán hàng online, tư vấn xuất khẩu lao động… Giờ đây, cuộc sống của gia đình Tuyết Dung đã khá hơn một chút. Bằng tiền thưởng sau những thành công, cô đã xây cho bố mẹ một căn nhà nhỏ ở quê nhà Hà Nam và cũng mở được quán ăn nhỏ với tên "Tuyết Dung 7" để gia đình đỡ vất vả. Thế nhưng, tất cả đều chưa thể tương xứng với danh tiếng và đóng góp của nữ tuyển thủ này.
Hay một cầu thủ khác từng giành Quả bóng vàng là Huỳnh Như cũng phải… bán hàng online với thương hiệu "Nàng 9 dừa sáp Trà Vinh". Nhiều tuyển thủ khác như Hải Yến hay Thái Thị Thảo cũng phải lựa chọn nghề tay trái này để mưu sinh.
Tất nhiên, những trường hợp nêu ra ở đây là… khá nhất ở đội nữ Việt Nam. Cầu thủ CLB Hà Nội cho biết mỗi tháng với mức lương khoảng 10 triệu đồng cũng chỉ "đủ ăn, đủ mặc" nên phải có nghề tay trái. Con số quá ít so với những hy sinh của những nữ tuyển thủ. Bởi lẽ, tuổi nghề của họ không quá dài (chỉ khoảng ngoài 30 tuổi).
Tâm sự về những khó khăn của các học trò, HLV Mai Đức Chung cho biết: "Tôi mong các cầu thủ nữ đều có cơ hội lập gia đình, có công ăn việc làm và kinh tế ổn định sau giải nghệ. Có vậy thì cầu thủ mới chuyên tâm cống hiến được".
Còn nhớ, sau khi đội nữ Việt Nam giành tấm huy chương vàng SEA Games 2019, đội trưởng Huỳnh Như từng lên tiếng: "Chúng tôi hy vọng tấm huy chương vàng thứ hai liên tiếp sẽ giúp đội tuyển nữ Việt Nam được quan tâm hơn. Những người hâm mộ, các nhà tài trợ sẽ chú trọng nhiều hơn đến đội bóng. Tôi chỉ hy vọng các tuyển thủ không ra sân với sự chạnh lòng".
TRĂN TRỞ CỦA NHỮNG "BÓNG HỒNG"
Có một điều đáng lưu tâm, sau chức vô địch SEA Games 2017 của đội tuyển nữ Việt Nam, HLV Mai Đức Chung từng tâm sự rằng: "Thu nhập của các cầu thủ bóng đá nữ chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng". Sau vinh quang ấy, đội nữ Việt Nam nhận được khoảng 4 tỷ đồng tiền thưởng. Số tiền ấy quá ít ỏi cho một tập thể nhưng điều đó cũng làm ông Chung cảm động: "Tôi ứa nước mắt vì số tiền thưởng có thể giúp các cầu thủ đổi đời. Nhiều cháu tâm sự với tôi rằng chưa bao giờ nhận được số tiền lớn như vậy".
Thực tế, giờ đây, tiền lương của các cầu thủ khá hơn một chút nhưng chỉ ở những đội bóng mạnh như Hà Nội, TPHCM hay Than Khoáng sản Việt Nam. Còn lại, về mặt bằng chung, thu nhập của các tuyển thủ nữ Việt Nam gần như ở mức dưới trung bình so với xã hội. Không ít cầu thủ không chịu nổi gánh nặng vì thu nhập thấp để đi làm công nhân hoặc những công việc khác không liên quan tới bóng đá.
Chính vì vậy, những tuyển thủ nữ Việt Nam không chỉ chiến đấu vì vinh quang của dân tộc, mà đơn giản, thành công còn giúp họ… thoát nghèo với những khoản tiền thưởng. Nhưng không phải lúc nào, thành công cũng gõ cửa. Không phải thế hệ cầu thủ nào cũng may mắn có được thành công ở các giải đấu lớn.
HLV Mai Đức Chung không dưới một lần kêu gọi sự ủng hộ: "Chúng tôi là những vận động viên chơi bóng phục vụ người hâm mộ và cố gắng mang vinh quang về cho đất nước. Tôi mong đợi những cổ động viên hãy sát cánh với chúng tôi, chia sẻ khó khăn cùng toàn đội".
Thực tế, ngoài khoản tiền thưởng (nếu thành công), các cầu thủ nữ Việt Nam chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi và gần như không có nhà tài trợ. Sự "phân biệt" này không chỉ diễn ra trong nội tại bóng đá Việt Nam, mà còn trên thế giới.
Ví dụ điển hình nhất chính là tiền thưởng ở các kỳ World Cup. Tổng tiền thưởng cho các đội nữ tham dự World Cup 2019 là 30 triệu USD. Trong khi đó, số tiền thưởng ở World Cup 2018 cho các đồng nghiệp nam lên tới 400 triệu USD. Đội nữ Mỹ chỉ nhận được 4 triệu USD cho chức vô địch thế giới. Ở chiều ngược lại, đội tuyển nam của Pháp bỏ túi tới 38 triệu USD khi lên ngôi ở World Cup 2018.
Tất nhiên, không thể đong đếm ai vất vả hơn ai nhưng rõ ràng, những cầu thủ nữ thiệt thòi hơn rất nhiều so với những đồng nghiệp nam. Vì lẽ đó, nhiều tuyển thủ nữ đã phải nghĩ ngay tới vấn đề tương lai khi còn đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp bởi mọi thứ quá bấp bênh.
Tuyết Dung đã tốt nghiệp trường Đại học TDTT và đang vừa học, vừa làm HLV. Cô từng chia sẻ: "Đời cầu thủ nữ ngắn. Nếu sau này giải nghệ được làm HLV thì quá tốt. Nếu không được thì chúng tôi cũng cần chuẩn bị để hướng tới công việc ổn định, như làm giáo viên thể chất chẳng hạn".
Cũng có những cựu tuyển thủ sau khi giải nghệ trở thành HLV như Đoàn Kim Chi, Văn Thị Thanh, Minh Nguyệt. Hay có người đi làm truyền hình, viết báo và mở trung tâm bóng đá như Đỗ Thị Ngọc Châm. Nhưng đó chỉ là con số ít ỏi. Phần đông những cầu thủ nữ Việt Nam đều có cuộc sống khó khăn sau khi giải nghệ. Cách đây vài năm, cộng đồng mạng không khỏi xót xa khi hình ảnh cựu tuyển thủ Nguyễn Thị Liễu ngồi bán rau lề đường được đăng tải.
Cựu tuyển thủ Văn Thị Thanh thừa nhận: "Sau khi giải nghệ, nhiều người không theo được nghiệp bóng đá. Tôi rất mong những người hâm mộ, các ban ngành, địa phương quan tâm và tạo điều kiện cho các cầu thủ an tâm cống hiến".
Trong khi đó, cựu tuyển thủ Nguyễn Thị Anh Đào không ngần ngại chỉ ra thực tế: "Bóng đá nữ khổ hơn bóng đá nam. Ai cũng hiểu điều đó. Vì vậy, các tuyển thủ cần phải tranh thủ học bởi ít ra sau khi giải nghệ sẽ có cái bằng, để đi xin việc".
Không chỉ có vậy, bóng đá đã lấy đi của những cô gái nhiều thứ, trong đó có nhan sắc. Họ thường xuyên phải tập luyện ngoài trời với cường độ cao. Da đen sạm, cơ bắp nổi lên là điều không thể tránh khỏi. Họ đều lớn lên là những cô thiếu nữ xinh đẹp nhưng rồi đã phải hy sinh cả nét con gái để chiến đấu.
"Những cầu thủ không còn xinh xắn như trước. Họ nam tính hơn, cơ bắp hơn. Điều đó sẽ khiến họ gặp khó khăn trong việc lập gia đình. Bởi lẽ đó, nếu các cầu thủ không có sự chuẩn bị thì sẽ rất khó thích nghi với cuộc sống mới" - cựu tuyển thủ Minh Nguyệt chia sẻ.
ĐỪNG ĐỂ MỌI THỨ… ĐÂU LẠI VÀO ĐẤY!
Đã có sự tung hô lớn, có không ít những câu chuyện mang sắc màu cổ tích được viết ra trên mặt báo, mạng xã hội trong những ngày qua. Nhưng thử đặt câu hỏi ngược lại, giả sử như đội nữ Việt Nam không thể giành vé dự World Cup, có lẽ, họ sẽ tiếp tục mưu sinh trong sự lãng quên của những người hâm mộ.
Đó là sự xót xa của những vận động viên theo nghiệp thể thao đỉnh cao, chứ không riêng gì bóng đá nữ. Vinh quang giống như một món quà, để từ đó họ được bước ra ánh sáng, với sự chú ý nhiều hơn thường lệ.
Trước khi giành tấm huy chương vàng ở Olympic 2016, vận động viên bắn súng Hoàng Xuân Vinh vẫn ngày ngày tập luyện trong bốn bức tường. Nhưng chỉ sau một khoảnh khắc, tất cả đã thay đổi. "Biển người" chào đón anh ở sân bay Nội Bài, cùng với đó là những khoản tiền thưởng kếch xù và sự đón tiếp long trọng.
Đó là phần thưởng quý giá để những vận động viên nỗ lực từng ngày. Nhưng sau những sự tung hô ấy sẽ là gì? E rằng, mọi thứ sẽ là chìm xuống và dần dần lãng quên trong tâm thức của nhiều người.
Sau ngày Hoàng Xuân Vinh giành huy chương vàng Olympic, bắn súng Việt Nam vẫn… không được quá chú trọng. Và không biết chừng, bóng đá nữ Việt Nam sẽ lại chịu kết cục tương tự.
Có những mạnh thường quân sẵn sàng chi tiền tỷ thưởng đội nữ Việt Nam ở thời điểm này nhưng thử hỏi, vài tháng sau, có ai còn nhớ tới bóng đá nữ, hoặc ít nhất, có ai chấp nhận đầu tư để phát triển môn thể thao này?
Cựu tuyển thủ Minh Nguyệt chia sẻ: "Có nhiều lần hô hào như vậy rồi. Có thể bây giờ toàn đội được tung hô nhưng sau này, đâu lại vào đấy cả thôi. Tôi chỉ mong những người hâm mộ quan tâm thực chất, không phải chốc lát".
Sau khi giành vé dự World Cup, sẽ có một vài tuyển thủ nữ Việt Nam "đổi đời" (theo lời HLV Mai Đức Chung) nhưng nhìn chung, hầu hết các cầu thủ khác vẫn sẽ chịu đựng những ngày tháng nghèo đói, với thu nhập rất thấp.
Rõ ràng, nếu muốn phát triển bóng đá nữ vươn lên cao nữa trên tầm thế giới thì rất cần sự đầu tư, không chỉ giúp các cầu thủ phát triển chuyên môn mà ít nhất đảm bảo cho họ cuộc sống ổn định để yên tâm cống hiến. Ai cũng nhìn thấy điều đó nhưng để hiện thực hóa vẫn là câu chuyện xa vời.
Đừng để vinh quang chỉ thoáng qua như cơn gió. Và rồi, khi xong xuôi tất cả lại… đâu vào đấy!
H.Long