DMagazine

Từ Man Utd đến Chelsea: Những đế chế đi về đâu?

(Dân trí) - Khi Man Utd tiếp đón Chelsea cuối tuần này, Sir Alex Ferguson sẽ tự vấn đế chế đỏ vĩ đại ông xây dựng đâu rồi. Còn Abramovich cũng hoang mang tự hỏi đế chế lừng lẫy của ông sẽ đi về đâu.

Khi Man Utd tiếp đón Chelsea trên sân Old Trafford cuối tuần này, có lẽ, từ trên khán đài, Sir Alex Ferguson sẽ tự vấn đế chế đỏ vĩ đại ông xây dựng đâu rồi. Còn ở một nơi xa, qua sóng vô tuyến, Abramovich cũng hoang mang tự hỏi đế chế xanh lừng lẫy của ông rồi sẽ đi về đâu.

Từ Man Utd đến Chelsea: Những đế chế đi về đâu? - 1

Ngày đầu tiếp quản vị trí HLV Manchester United từ Ron Atkinson vào tháng 11/1986, Sir Alex đã phải ngán ngẩm về sự ngổn ngang và lầm lạc. Quá nhiều công việc ông phải làm ở một đội bóng chỉ còn là "bộ xương khô trong mả". Ánh hào quang từ triều đại Matt Busby đã tắt, Man Utd đang đứng thứ tư từ dưới lên trên bảng xếp hạng.

Một sân bóng hoang tàn và hiu quạnh. Một phòng thay đồ vô pháp, vô thiên. Những trụ cột như Norman Whiteside, Paul McGrath hay Bryan Robson nhậu nhẹt tối ngày tới mức suy nhược cơ thể. Các cầu thủ không có sự cam kết lẫn khát khao với đội bóng và đội bóng cũng chẳng có nổi mục tiêu rõ ràng nào ngoài trụ hạng.

27 năm sau, khi Alex Ferguson giải nghệ, Man Utd là một đế chế. 13 lần đăng quang Ngoại hạng Anh. 2 chức vô địch Champions League. Hằng hà sa số danh hiệu khác và quan trọng nhất, Quỷ đỏ trở thành biểu tượng vĩ đại của bóng đá, CLB sở hữu lượng cổ động viên (CĐV) đông đảo nhất hành tinh.

Thời tại vị, Sir Alex hiếm khi đọc sách về thể thao. Trong thời gian thư giãn, vị chiến lược gia người Scotland chỉ muốn thoát khỏi thế giới bóng đá. Tuy nhiên, chỉ duy nhất cuốn When Pride Still Mattered (Tạm dịch: Khi niềm kiêu hãnh vẫn còn) do David Maraniss viết về Vince Lombardi, vị chiến lược gia vĩ đại nhất lịch sử Giải Bóng bầu dục Mỹ (NFL) được Alex Ferguson trân quý như sách gối đầu giường.

Sir Alex như nhìn thấy mình trong từng trang sách của Maraniss. "Tôi đã nghĩ cứ như thể ông ấy đang viết về tôi, vì sự tương đồng giữa tôi và Lombardi. Mối liên hệ mật thiết giữa tôi và Lombardi được xác định qua một trong những câu nói hay nhất của ông ấy: 'Chúng ta không thua trận đấu, chúng ta chỉ hết thời gian'.", Ferguson chia sẻ.

Lombardi là thế lực siêu nhiên.

Ferguson cũng vậy.

Từ Man Utd đến Chelsea: Những đế chế đi về đâu? - 3

Lombardi rời Green Bay Packers vào năm 1968 để dẫn dắt đội Washington Redskins. Sau đó, Packers rơi tõm. Đội bóng này không thể duy trì vị thế Lombardi đã tạo dựng, cho dù được chèo lái bởi hai đệ tử chân truyền của nhà cầm quân huyền thoại này, đó là Bart Starr và Forrest Gregg. Mất tới 29 năm, Packers mới có thể giành thêm một Super Bowl (Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ).

Câu chuyện tương tự đang xảy ra với Man Utd thời hậu Sir Alex. Từ năm 2013 đến nay, ngót một thập niên, 7 nhà cầm quân đã ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng Man Utd, hàng chục bản hợp đồng bom tấn được thực hiện, nhưng Quỷ đỏ không giành thêm bất cứ danh hiệu Premier League hay Champions League nào. Mùa giải này không phải ngoại lệ, thậm chí hy vọng dự giải đấu danh giá nhất châu Âu của Quỷ đỏ cũng dần tan biến.

"Thật đáng xấu hổ. Thật đáng thất vọng. Cũng thật nhục nhã. Nhưng chúng ta phải chấp nhận rằng họ đi trước chúng ta 6 năm", HLV tạm quyền Ralf Rangnick cay đắng thừa nhận sau trận thua Liverpool. 6 năm chính là khoảng thời gian để Sir Alex biến Man Utd từ đội bóng đua trụ hạng trở thành nhà vô địch giải Premier League. Còn Man Utd hiện tại, thế và lực không hề kém cạnh bất cứ đội bóng nào. Vấn đề của đội bóng này nằm ở khoảng trống HLV Alex Ferguson để lại. Thế nên gần 10 năm sau khi vị chiến lược gia người Scotland giải nghệ, Man Utd vẫn chưa thoát ra khỏi kỷ nguyên "hậu Sir Alex".

Nguyên do cho sự sụp đổ đế chế của Packers hay Man Utd là việc xây dựng dựa trên tầm nhìn và sự chèo lái của một người, Lombardi và Alex Ferguson. Họ dẫn đầu và cả tổ chức bước theo. Khi họ rời đi, tổ chức họ để lại không còn người lãnh đạo. Điều mà Lombardi và Ferguson không thể làm là gấp bản thiết kế và nhét nó vào túi người kế nhiệm.

Vào ngày 8 tháng 5 năm 2013, Ferguson tuyên bố giải nghệ. Hôm sau, David Moyes là người được chọn. Một chiến lược gia cũng đến từ Scotland và có kinh nghiệm xây dựng Everton. Ban lãnh đạo Man Utd tự tin tới nỗi ký hợp đồng tới tận 6 năm với Moyes. Thậm chí, 10 tháng sau khi nhà cầm quân này bị sa thải, ông vẫn được hưởng thêm một năm lương. Và rồi Man Utd bổ nhiệm hết HLV này đến HLV khác, mong đợi ai đó tìm lại những gì đã mất. Nhưng như đã đề cập, khoảng trống Sir Alex không chỉ nằm trên băng ghế huấn luyện mà còn cả trong phòng họp thượng tầng.

Từ Man Utd đến Chelsea: Những đế chế đi về đâu? - 5

Khoảng trống Alex Ferguson càng mênh mông khi Giám đốc điều hành David Gill rời đi cùng thời điểm. Ed Woodward, Phó Chủ tịch điều hành, nhanh chóng trở thành người có ảnh hưởng lớn nhất, và được gia đình Glazer tin tưởng để đưa Man Utd phát triển. Muốn làm mọi thứ theo cách của mình, Woodward hiếm khi liên hệ với Ferguson hoặc Gill. Đó là sai lầm chí mạng.

Từ Man Utd đến Chelsea: Những đế chế đi về đâu? - 7

Trong nhiều năm qua, câu chuyện giải thích về cách Roman Abramovich đặt chân đến Chelsea đã đi vào huyền thoại. Ngày nay, câu chuyện ấy đã trở thành những "di chỉ" quý báu để đời sau hiểu thêm về sự biến thiên của môn thể thao vua.

Nguyên nhân thật nhẹ nhàng, mờ ảo và thoang thoảng lãng mạn. Đó là vào năm 2003, nhà tài phiệt người Nga có mặt trên sân Old Trafford và chứng kiến màn trình diễn siêu việt của Ronaldo, tiền đạo vĩ đại người Brazil, tác giả một cú hattrick để giúp Real Madrid loại Man Utd khỏi Champions League. Tuy nhiên, thay vì thái độ thù địch, những CĐV Man Utd đã dành cho "Người ngoài hành tinh" những tràng pháo tay nhiệt liệt. Ngay thời điểm đó, Abramovich quyết định phải sở hữu một đội bóng Anh.

Ông cân nhắc giữa Arsenal, Tottenham và quyết định chọn Chelsea, đội bóng phóng túng và hào hoa ngay dưới tầng lớp tinh hoa Premier League. Rất nhanh chóng, chỉ trong vòng một tuần, Abramovich mua lại The Blues từ Ken Bates. Những mộng mơ bắt đầu từ đây. Chelsea bắt đầu được ví von là Londongrad hay Moscow bên dòng sông Thames.

Thực tế, lịch sử của Chelsea chia làm hai giai đoạn, trước và sau khi tỷ phú Abramovich xuất hiện. The Blues thành lập năm 1905. Ngót nghét 100 năm, cho đến khi tỷ phú người Nga mua lại đội chủ sân Stamford Bridge, Chelsea chỉ một lần duy nhất thống trị bóng đá xứ sở sương mù. Đó là lần đăng quang giải Hạng Nhất Anh vào năm 1955. Ngoài ra là 3 chiếc cúp FA, 2 League Cup và 2 Siêu cúp Anh. Danh hiệu cấp châu lục càng khan hiếm. C1/Champions League chưa bao giờ có khái niệm của người hâm mộ đội bóng áo xanh thành London. Thành tích hiếm hoi Chelsea giành được là 2 chiếc cúp C2 vào các năm 1971 và 1998.

Thời điểm Abramovich mua lại Chelsea, Arsenal và Man Utd thay nhau thống trị bóng đá Anh. The Blues tuy cũng được tính là một thế lực nhưng chỉ đủ lực tranh đua vị trí top 4. Từ khi được tỷ phú người Nga đầu tư, Chelsea mới thành thế lực thống trị. Thời ấy, báo giới Anh đã từng ví von rằng: "Những đồng rúp biết nhảy múa của Abramovich đã viết lại lịch sử của Chelsea". Có một thời, nhắc tới The Blues là người ta nhớ ngay tới những thương vụ đình đám, mang thương hiệu Abramovich.

Từ Man Utd đến Chelsea: Những đế chế đi về đâu? - 9

Dưới triều đại Abramovich, Chelsea 5 lần đăng quang Ngoại hạng Anh, giành 5 cúp FA, 3 League Cup, 2 Siêu cúp Anh, 2 lần vô địch Champions League, 2 lần vô địch Europa League, giành 1 Siêu cúp châu Âu và 1 FIFA Club World Cup. Không chỉ là danh hiệu, từ một đội bóng ngựa ô, The Blues đã hiên ngang bước vào tầng lớp tinh hoa của bóng đá châu Âu, với cá tính và bản sắc rất riêng. Không có những đồng rúp của Abramovich, chắc chắn Chelsea không thể có ngày hôm nay. Theo báo cáo tài chính, nhà tài phiệt này đã rót vào Stamford Bridge khoảng 2 tỷ USD.

Vì thế, ngày tỷ phú gốc Nga tuyên bố bán Chelsea, dẫu biết trước đi chăng nữa những người hâm mộ đội bóng này không thể không buồn bã. Họ hô vang tên người đã đưa đội bóng lên đỉnh thế giới trong từng trận đấu.

Từ Man Utd đến Chelsea: Những đế chế đi về đâu? - 11

Sir Alex Ferguson và Roman Abramovich là hai nhân vật đã đưa Man Utd và Chelsea trở thành kình địch. Trong quá khứ, đôi bên chưa bao giờ xem nhau là đại địch. Trong bóng đá, kỳ phùng địch thủ xuất hiện bởi sự gần gũi về địa lý hoặc cạnh tranh dai dẳng để giành danh hiệu. Với khoảng cách 200 cây số giữa hai sân bóng, Quỷ đỏ thành Manchester và The Blues thành London không có sự liên hệ nào cho đến khi trường hợp thứ hai xảy ra.

Chelsea và Man Utd đều có những thành công trong quá khứ. Chelsea vào những năm 1950 và Man Utd là giai đoạn cuối thập niên 1960 trong kỷ nguyên Busby. Cả hai đế chế ấy không đủ lâu để tạo ra những cú va lịch sử. Sau quãng thời gian cằn cỗi kéo dài 26 năm, Alex Ferguson dẫn dắt Man Utd đến chức vô địch Premier League đầu tiên vào năm 1993, từ đó tạo nên triều đại vĩ đại bậc nhất lịch sử túc cầu.

Kình địch đầu tiên của Man Utd là Arsenal của Arsene Wenger vào cuối thập niên 1990 và đầu 2000. Và khi Arsenal có dấu hiệu đi xuống, Quỷ đỏ thành Manchester và Sir Alex cần đối trọng mới. Và thật đúng lúc, Abramovich mua lại Chelsea, The Blues trở thành kình địch mới của Man Utd thay cho Arsenal. Đó là trận chiến giữa thế lực cũ giàu truyền thống và thế lực mới dựa vào nguồn lực tài chính của ông chủ, một xu hướng còn kéo dài đến tận bây giờ.

Quả thực, với nguồn tài chính không giới hạn của nhà tài phiệt gốc Nga, Chelsea thậm chí nhiều thời điểm còn lấn lướt Man Utd. The Blues bổ nhiệm Jose Mourinho, vị chiến lược gia đã đánh bại chính Man Utd trên hành trình vô địch Champions League cùng Porto và ngày xuất hiện tại Stamford Bridge đã vỗ ngực tự xưng là "Người đặc biệt". Bên cạnh đó, hàng loạt ngôi sao hàng đầu gia nhập The Blues bằng những bản hợp đồng bom tấn.

Từ Man Utd đến Chelsea: Những đế chế đi về đâu? - 13

Chelsea lần lượt đăng quang Premier League 2004/05 và 2005/06 với sự vượt trội hoàn toàn phần còn lại. "Người đặc biệt" lại càng thêm phần ngạo nghễ chế giễu Man Utd lẫn những đối thủ khác. Nhưng khi Mourinho chuyển đến Real Madrid, Ferguson thừa nhận cảm thấy hụt hẫng vì mất "tay súng trẻ đến thị trấn thách thức vị cảnh sát trưởng già". Thực tế giai đoạn 2007-2009, Man Utd lấy lại vị thế thống trị với 3 danh hiệu Premier League liên tiếp. Quỷ đỏ chỉ đánh rơi chức vô địch thứ tư khi Chelsea bổ nhiệm Carlo Ancelotti làm HLV vào năm 2010.

Trận cầu kinh điển nhất giữa hai đội chính là chung kết Champions League 2007/08. Sự cân bằng và ganh đua khốc liệt giữa hai thế lực lớn nhất xứ sở sương mù được thể hiện rõ nét qua việc Chelsea đánh rơi chiếc cúp tai voi danh giá bởi cú trượt chân định mệnh của John Terry.

Ngoài ra, rất nhiều sự cố khác làm tăng thêm hàm lượng thù hận giữa đôi bên. Chẳng hạn như khi Mark Clattenburg làm trọng tài một trận đấu giữa hai đội bóng vào tháng 10/2012. Các cầu thủ của Chelsea phàn nàn rằng trọng tài đã sử dụng ngôn ngữ không phù hợp đối với người chơi của họ, bao gồm cả những lời nói xấu về chủng tộc nhằm vào Jon Obi Mikel. Trận đấu diễn ra trên sân Stamford Bridge chứng kiến cả Branislav Ivanovic và Fernando Torres bị đuổi khỏi sân, giúp Man Utd giành chiến thắng với tỷ số 3-2 nhờ một bàn thắng việt vị. Chelsea càng thêm tức giận khi Liên đoàn bóng đá Anh tuyên bố trọng tài Clattenburg không làm gì sai trong trận đấu.

Từ Man Utd đến Chelsea: Những đế chế đi về đâu? - 15

Man Utd từ lâu đã không còn là thế lực của bóng đá Anh. Nói cách khác, Quỷ đỏ chỉ còn hư danh. Quyết định bổ nhiệm Erik Ten Hag có thể đem người hâm mộ đội bóng này đến những hy vọng mới, nhưng sự kỳ vọng không còn lớn lao như trước. Họ đã quá mệt mỏi với những cải tổ chẳng đi đến đâu của Ban lãnh đạo đội bóng trong suốt thời gian dài hậu kỷ nguyên Sir Alex.

Sẽ có một danh sách dài những việc Ten Hag cần làm để cải tổ Man Utd. Gạch đầu dòng đầu tiên là câu hỏi về Cristiano Ronaldo. Ông nên giữ siêu sao người Bồ Đào Nha vì tài nghệ săn bàn của anh hay loại trừ vì lão tướng 37 tuổi này không thích hợp với lối chơi pressing theo cách bản thân?! Ronaldo không thể chạy nhiều như trước. Ronaldo cũng không thể hoán chuyển vị trí linh hoạt.

Từ Man Utd đến Chelsea: Những đế chế đi về đâu? - 17

Tương tự CR7, sẽ có những cầu thủ khác không thể thích nghi, giống như bài toán những người tiền nhiệm của Ten Hag phải đối mặt. Ngoài ra là bài toán chuyển nhượng. Man Utd nên mua sắm như một CLB bóng đá hay một tập đoàn kinh tế. Ferguson mất hơn 6 năm để giúp Quỷ đỏ vô địch Premier League. Ten Hag sẽ cần thời gian tương tự để tái sinh đội bóng vĩ đại này, nhưng ông cần dẫn dắt các học trò thi đấu xuất sắc để đạt đến cột mốc ấy. Bất cứ sơ sẩy nào, Ten Hag sẽ là nạn nhân khác của thời hậu Sir Alex.

Chelsea chưa trượt dài như Man Utd. The Blues vẫn có một chiến lược gia tài năng Thomas Tuhcel và những ngôi sao sáng giá trong đội hình. Tuy nhiên, dấu hiệu hoang mang thời hậu Abramovich đã xuất hiện. Mới nhất, Rudiger quyết định chia tay CLB để hướng tới Real Madrid. Trung vệ số một của The Blues không thể chờ đợi để Chelsea ổn định chính trị và đưa ra đề nghị đủ hấp dẫn. Có lẽ, những ngôi sao khác cũng mang trong mình nỗi niềm tương tự.

Chưa bao giờ Man Utd đụng độ Chelsea mà bầu không khí lại hoang mang và buồn bã như vậy trong suốt kỷ nguyên hiện đại.

Nội dung: Khải Hưng

Thiết kế: Nguyễn Vượng