1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Từ AFF Cup nghĩ về trật tự bóng đá Đông Nam Á

(Dân trí) - Thái Lan vẫn giữ được sức mạnh đáng nể trong làng cầu khu vực, Philippines đang đi trên con đường mà Singapore từng đi và thành công. Trong khi đó, Singapore, Malaysia và Việt Nam tiếp tục nằm ở nhóm trên.

Thái Lan muốn tái khẳng định vị trí số 1

Sau 2 lượt trận của vòng bảng AFF Cup, Thái Lan hiện đang là đội gây ấn tượng mạnh nhất. Nằm trong bảng tử thần, cùng với Singapore, Malaysia và Myanmar (riêng 3 đội Thái Lan, Malaysia và Singapore đã có 8 lần vô địch AFF Cup, sau 9 lần giải tổ chức trước đó), Thái Lan vẫn sớm giành vé vào bán kết.

Đội bóng đất Chùa Vàng thắng cả 2 trận đầu trước 2 đội bóng vô địch AFF Cup trong 2 kỳ giải gần nhất là Singapore (vô địch năm 2012) và Malaysia (2010).

Nên nhớ, Thái Lan dự AFF Cup 2014 với thành phần gồm rất nhiều cầu thủ trẻ, đa số từ đội tuyển Olympic của nước này vừa thi đấu thành công tại Asiad 17. Trước giải, HLV Kiatisuk còn gây sốc khi loại luôn 3 công thần rất nổi tiếng của bóng đá đất Thái là Thonglao, Teerasil Dangda và Teerathep Winothai.

Đội tuyển bóng đá Thái Lan đã trắng tay ở 5 kỳ AFF Cup gần nhất, nên mục tiêu của họ chắc chắn phải là ngôi vô địch của giải năm nay.

ĐTVN vẫn thiếu ổn định ở khu vực Đông Nam Á (ảnh: Gia Hưng)
ĐTVN vẫn thiếu ổn định ở khu vực Đông Nam Á (ảnh: Gia Hưng)


Thách thức vị trí số 1 của Thái Lan dĩ nhiên là ĐKVĐ Singapore, hay Philippines. Bóng đá Singapore không mạnh ở các giải đấu trẻ, nhưng ở cấp độ đội tuyển quốc gia, nhờ dàn cầu thủ gốc ngoại tinh nhuệ, Singapore rất đáng gờm.

Việc thua Thái Lan trong trận đấu đầu tiên ở bảng B không làm người Singapore đánh mất quyết tâm bảo vệ ngôi vô địch. Lối chơi của họ vẫn rất nguy hiểm, đến nỗi ngay chính HLV Kiatisuk của Thái Lan cũng thừa nhận rằng Thái Lan may mắn mới thắng được Singapore.

Trong khi đó, Philippines đang đi trên con đường mà chính Singapore đã từng đi, tạo nên thành công từ cầu thủ nhập tịch. Phong cách thi đấu của Philippines cũng tương tự như Singapore, tức là đơn giản nhưng đầy hiệu quả.

Riêng sau 2 lượt trận đầu tiên tại bảng A, Philippines đã chứng minh họ là đội bóng mạnh nhất ở bảng này, với những chiến thắng rất dễ trước Lào và Indonesia.

Malaysia, Indonesia và Việt Nam thiếu tính ổn định

Cả Malaysia, Indonesia và Việt Nam cũng được xếp vào nhóm trên của bóng đá Đông Nam Á. Nhưng so về sự ổn định, các đội bóng này không được đánh giá cao bằng Thái Lan, Singapore hay Philippines.

Malaysia khá nhất trong số này, nhờ ổn định hơn 2 đội còn lại. Chí ít là ở các kỳ AFF Cup và SEA Games gần đây, người Mã vẫn đều đặn có thành tích tốt.

Cửa vào bán kết của Malaysia vẫn còn, nếu như họ vượt qua được Singapore trong trận đấu cuối cùng tại bảng B. Dù vậy, so với lúc vô địch các kỳ SEA Games 2009, 2011 và AFF Cup 2010, bóng đá Malaysia đang có dấu hiệu chững lại.

Bóng đá Indonesia và bóng đá Việt Nam càng thiếu ổn định. Indonesia đến với giải mang theo tham vọng vô địch như bao lần khác họ hướng về AFF Cup. Dù vậy, kết quả họ đạt được lại không như ý muốn.

Ở thượng tầng, LĐBĐ Indonesia lộn xộn, trong khi ở phía dưới, thế hệ cầu thủ Indonesia hiện nay cũng khó nói là xuất chúng. Họ cũng có vài ngôi sao nhập tịch, nhưng nhìn đội hình của họ vẫn thấy sự thiếu đồng bộ.

Với đội tuyển Việt Nam, toàn bộ nền bóng đá đang sa sút nói chung, chất lượng cầu thủ không như trước. Riêng đội hình dự AFF Cup 2014 thua xa chất lượng đội hình từng vô địch giải năm 2008.

Hệ thống đào tạo trẻ xuống cấp, khâu điều hành lỏng lẻo, giá trị chuyên môn bị đẩy xuống thấp, tất yếu nền bóng đá phải đi xuống, chất lượng con người cũng xuống theo.

May cho chúng ta là trong bối cảnh ấy, chúng ta tìm được HLV Miura rất phù hợp và hiểu công việc mà ông đang làm, nếu không e rằng thành tích và lối chơi của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2014 có lẽ không khác những thất bại triền miên tại các kỳ SEA Games và AFF Cup gần nhất.

Nhóm dưới các đội Việt Nam, Malaysia, Indonesia tiếp tục là nhóm Myanmar, Lào. Dưới nữa là Campuchia, Đông Timor, Brunei.

Kim Điền
Dòng sự kiện: AFF Cup 2014