Trung vệ đội tuyển Việt Nam: Thiếu khôn ngoan, thừa bạo lực
(Dân trí) - Bóng đá Việt Nam trước giờ không thiếu những trung vệ giỏi, cũng không thiếu những trung vệ nổi tiếng đá rắn. Nhưng với những Đỗ Khải, Mạnh Cường, Phước Tứ, Như Thành, Mạnh Dũng, Như Thuần… đá rắn khác và đá băm bổ khác.
Ngày còn thi đấu, những Đỗ Khải, Như Thuần đều được mệnh danh là những trung vệ thép của bóng đá Việt Nam. Họ thừa sự rắn rỏi và cũng không ngại va chạm, cũng như không thiếu tiểu xảo khi thi đấu.
Nhưng tuyệt nhiên những Đỗ Khải, Như Thuần, Mạnh Cường hồi đấy, hay Phước Tứ, Như Thành, Minh Đức sau này không có kiểu phi 2 chân vào giò cầu thủ đối phương thô thiển như thế hệ trung vệ sau này.
Ngoài chuyện ý thức không triệt hạ nhau bằng những pha vào bóng theo kiểu “phang ngang bổ củi”, các trung vệ hàng đầu của bóng đá Việt Nam thời đấy còn sở hữu chất lượng lỹ thuật cao, giúp cho họ có khả năng đoạt bóng trong chân cầu thủ tấn công của đối phương bằng những pha soạt bóng đẹp mắt và hợp lệ, chứ không cần đến những pha vào bóng như triệt hạ.
Xem cách Quế Ngọc Hải đốn giò Anh Khoa, hay Thanh Hào mới đây đá gãy chân Abass người ta lại không thấy chất kỹ thuật đó. Ngọc Hải và Thanh Hào đều đang là các tuyển thủ quốc gia, thậm chí Ngọc Hải còn được đánh giá là một trong những trung vệ hàng đầu của bóng đá Việt Nam hiện nay.
Nhưng dường như chất lượng kỹ thuật của lứa sau này không bằng thế hệ đàn anh. Ngọc Hải hiện đọc tình huống không nhanh bằng Đỗ Khải, Phước Tứ, cũng không có kỹ thuật thu hồi bóng gọn gàng như Vũ Như Thành ngày nào.
Bỏ qua chuyện đá ác ý hay không đá ác ý, nhìn pha vào bóng của Ngọc Hải nhằm vào Anh Khoa có thể phần nào hình dung Ngọc Hải đọc tình huống không tốt trong pha bóng ấy, cũng như động tác vào bóng quá kém về mặt kỹ thuật nên mới gây ra tác hại lớn đến thế.
Cũng xét về mặt kỹ thuật, Thanh Hào đáng nhận điểm kém xung quanh pha tắc bóng gây chấn thương nặng cho Abass. Hồi còn thi đấu, Như Thành và Đỗ Khải vẫn có thể chạy sau cầu thủ tấn công của đối thủ, nhưng động tác tung chân soạt bóng của họ lúc nào cũng gọn gàng, vừa đủ để lấy bóng, vừa không gây chấn thương cho đồng nghiệp.
Vì kỹ thuật kém nên các trung vệ của bóng đá Việt Nam thế hệ sau này mới thường thực hiện những động tác tranh cướp bóng sai kỹ thuật, rồi thay vì nhằm vào bóng, chân của họ lại nhằm vào chân của đối phương.
Sẽ là nguy hiểm hơn nữa nếu như ngoài kỹ thuật kém, các cầu thủ phòng ngự thế hệ sau này hiểu sai khái niệm giữa một “trung vệ thép” và một “đồ tể”. Trung vệ thép là người không ngần ngại đá rắn khi cần, vẫn có thể khiến đối phương phải ngán khi buộc phải tranh chấp, nhưng đá rắn không có nghĩa là nhằm chân đối phương mà đá, cũng không có nghĩa là cứ mỗi lần vào bóng lại mỗi lần khiến đối thủ đứng trước nguy cơ gãy chân như những “đồ tể” thứ thiệt!
Kim Điền