Trung tâm đào tạo trẻ của VFF: Không hiệu quả sao vẫn xin thêm tiền?
(Dân trí) - Lần thứ 2 chỉ trong vòng ít ngày, chủ tịch VFF lên tiếng bảo vệ trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của VFF. Chỉ có điều, ông Hỷ càng lên tiếng, dư luận càng cảm thấy vô lý.
Từ lãng phí, đến… lãng phí
6 năm không cho ra bất kỳ sản phẩm nào, chắc chắn đấy câu trả lời tốt nhất cho sự thiệu hiệu quả của trung tâm đào tạo bóng trẻ của VFF. Cũng với ngần ấy thời, mà trung tâm này vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thiện như lời ông Hỷ nói, thì đấy chắc chắn là một sự lãng phí quá lớn.
Trong khi hầu hết các học viện bóng đá trẻ trên toàn thế giới và trên cả nước sàng lọc rất gắt gao để tuyển chọn cầu thủ, rồi mới đào tạo, thì trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của VFF lại hoạt động theo cách không giống ai. Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nói: “Không nhất thiết phải đưa về VFF những cầu thủ tốt nhất, ai có điều kiện thì đưa lên”.
Giải thích kiểu này cũng đồng nghĩa trung tâm đào tạo trẻ của VFF sẵn sàng nhận “hàng dạt” từ các địa phương. Cách đào tạo và tuyển chọn đầu vào kiểu này e rằng quá dễ dãi, không tương xứng với cơ sở vật chất hoành tránh của trung tâm, cũng như không đảm bảo được chất lượng đầu ra, vì nguyên liệu đầu vào không được kiểm định.
Điều đáng nói là, cũng theo ông Hỷ, cách nay khoảng 6 tháng, VFF đã xin thêm tiền cho hoạt động đào tạo (khoảng 8 tỷ đồng/năm) cho trung tâm.
Hoạt động thiếu hiệu quả, nhưng trung tâm đào tạo trẻ của VFF
vẫn đều đặn nhận tiền ngân sách
6 năm hoạt động không hiệu quả, cũng chẳng có gì đảm bảo rằng tương lai tới đây, trung tâm này sẽ có hiệu quả hơn, nếu vẫn giữ cách làm cũ. Ấy thế mà VFF vẫn “dũng cảm” xin tiền nhà nước, để đổ vào đấy thì quả là quá lãng phí.
6 năm qua, trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của VFF đã ngốn trên cả trăm tỷ đồng. Bây giờ, vẫn tiếp tục được rót thêm tiền dù hoạt động không có hiệu quả, không cho ra lò những sản phầm ưng ý, thì quả thật là dư luận cũng chẳng biết rằng bao nhiêu thì đủ cho cái “hố” không đáy này?
Mô hình không giống ai
Cách nay ít ngày, chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ xác nhận ở hầu hết các nước trên thế giới, Liên đoàn bóng đá cấp quốc gia không ai đi đào tạo cầu thủ trẻ, mà đấy là phần việc của các CLB, của các trung tâm địa phương.
Cũng chính cách giải thích ấy làm lộ những bất cập của trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF. Rằng VFF đang đi ngược xu thế của bóng đá chuyên nghiệp, và rằng bấy lâu nay, ít nhất là 6 năm qua, VFF biết chuyện đi ngược xu thế nhưng vẫn “nhắm mắt đưa chân”?
Điều đáng quan tâm hơn nữa là mô hình hoạt động của trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF hiện không giống bất cứ mô hình nào của các trung tâm đào tạo hàng đầu hiện nay.
Thay vì tuyển chọn từ lứa tuổi 11, 12, 13, nhằm dễ uốn nắn kỹ thuật cơ bản, trung tâm của VFF lại tuyển chọ lứa U16, mà ngay chính HLV Lê Tuấn Long của lứa này cho rằng đấy là lứa tuổi quá muộn để dạy cho các em những yếu tố trên.
Nếu như ở các học viện bóng đá hàng đầu Việt Nam hiện như HAGL-Arsenal.JMG, Viettel, hay PVF, những người điều hành học viện có định hướng rất rõ ràng trong việc tìm thầy, tuyển chọn học viện từ khắp nước, thì trung tâm của VFF lại chọn cách “vận động” các đội bóng địa phương gửi quân lên, theo như chia sẻ của chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ.
Sự thiếu hiệu quả cũng xuất phát từ chỗ ấy. Và mới đây, chính phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khẳng định rằng cách hoạt động của trung tâm cần phải thay đổi gấp, thậm chí học ngay cách làm của học viện HAGL-Arsenal.JMG, bởi không thể trông chờ người khác gửi quân tốt lên cho mình.
Ở đây, không thể trách dư luận quá khắt khe với VFF trong vụ thiếu hiểu quả trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, do VFF quản lý. Bởi, người ta không thể không sót cảnh hàng đống tiền đổ vào trung tâm này nhưng không hề mang lại sản phẩm tương xứng.
Người ta cũng không thể đồng tình với cách giải thích thiếu thuyết phục của người đứng đầu VFF. Thay vì thấy sai phải sửa, người đang đứng đầu cơ quan điều hành bóng đá nội dường như chưa nhận ra con đường sai của trung tâm này, và cũng chưa hề nhận ra cái trung tâm đang hoạt động thiếu hiệu quả nọ đang tạo ra sự lãng phí quá lớn, trong bối cảnh mà kinh tế đang khó, còn riêng làng bóng vật vả vì khủng hoảng tài chính.
Trọng Vũ