Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam hoạt động thiếu hiệu quả
Kỳ cuối: Câu chuyện đào tạo trẻ của VFF
(Dân trí) - Câu chuyện đào tạo trẻ của VFF “nóng” lên suốt 1 tuần qua, khi báo chí và dư luận lên tiếng yêu cầu tổ chức này cần làm rõ việc “nói dối” để “vẽ” ra Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ mà chẳng có chức năng đào tạo, để có tiền đầu tư từ nhà nước.
Tiêu tiền kiểu VFF
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nói rằng trung tâm đáng lẽ có tên là Trung tâm Tập huấn bóng đá quốc gia nhằm giúp các đội tuyển quốc gia có nơi ăn tập chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế. Tuy nhiên, để có thêm tiền đầu tư từ Nhà nước và FIFA, VFF đã đặt tên là Trung tâm đào tạo trẻ.
Nơi tập huấn của các đội tuyển cũng chỉ là sân thuê để...đá phủi
Hơn nữa, nếu chỉ là nơi tập huấn cho các đội tuyển, có cần thiết phải xây dựng trung tâm tốn kém như vậy, khi mà VFF hoàn toàn có thể gửi quân tập luyện ở trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội (Nhổn) hay thậm chí có thể tập luyện tại khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, chỉ cách trung tâm chưa đầy 1 km.
Cũng vì không rõ ràng trong cách khai thác trung tâm ngay từ đầu, nên suốt nhiều năm qua, cơ sở vật chất tại trung tâm đã không được sử dụng đúng mục đích. Thậm chí VFF còn tổ chức nhiều giải ở đây, cho một số CLB ở Hà Nội thuê sân tập…
Vấn đề cần được làm rõ nhất, chính là việc ngân sách rót cho trung tâm hàng năm được sử dụng như thế nào. Có ý kiến cho rằng, Thanh tra Chính phủ nên vào cuộc để làm rõ việc VFF sử dụng sai mục đích cả trăm tỉ đồng được rót từ ngân sách. Từ đó, sẽ biết rõ hơn việc trung tâm đã làm được những gì những năm qua. Thậm chí, ngay cả kế hoạch đào tạo cầu thủ để chuẩn bị cho Asiad 2019 với nguồn ngân cách 8 tỷ mỗi năm (chưa tính khoản FIFA hỗ trợ 500.000USD), cũng cần phải được xem xét lại về sự hiệu quả.
Cách tiêu tiền của VFF từ trước tới nay luôn khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi. Việc VFF để trụ sở cũ biến thành…sàn nhảy một thời gian dài bị báo chí chỉ trích. Giờ đến trung tâm với cơ ngơi hoành tráng, nhưng lại chẳng đào tạo lứa cầu thủ nào ra hồn suốt 6 năm qua, mà chủ yếu là cho thuê sân bãi, là nơi tập luyện của một số đội tuyển. Tất cả những điều ấy, cho thấy sự lãng phí rất lớn.
Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra
Trung tâm chỉ để các đội tuyển tập huấn là một sự lãng phí quá lớn
Đáng tiếc nhất chính là nhiều địa phương chỉ mong được đầu tư như trung tâm của VFF, nhưng bao năm qua đã phải đào tạo bóng đá trẻ trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ. Chẳng hạn như lò đào tạo SLNA, những năm qua đầu vào rất lớn, nhưng CLB này không thể mở rộng quy mô để có thể nuôi dưỡng các tài năng trẻ của địa phương mình cũng như các tỉnh lân cận. Một quan chức của CLB SLNA cho biết, đến ngay cả đội 1 còn đang lo kinh phí mỗi năm, thì lấy đâu ra nguồn đầu tư lớn cho các cầu thủ trẻ.
Vậy mà, trung tâm của VFF nhiều năm qua chỉ lo kiếm tiền từ việc cho thuê sân bãi, hơn việc tìm ra những tài năng lớn cho bóng đá nước nhà. Chỉ đến khi trung tâm này nhìn lứa cầu thủ U19 của Học viện HAGL thi đấu thành công tại giải vô địch Đông Nam Á và vòng loại châu Á 2014 vừa qua, mới giật mình, nhưng có suy ngẫm thật sự hay không, chẳng ai có thể biết.
Để chốt lại câu chuyện này, chẳng còn ai muốn nhắc tới và dành sự kỳ vọng vào những gì trung tâm đạo tạo trẻ của VFF “vẽ” ra. Điều mà tất cả chờ đợi, chính là mong muốn một trung tâm được rót ngân sách từ nhà nước hàng năm, cần sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, chứ không thể “nói dối” như thời gian qua.
Kim Anh - Lê Cường