Trắng tay ở Nhật Bản, thể thao Việt Nam cần tìm hướng đi đúng tại Olympic
(Dân trí) - Đoàn thể thao Việt Nam khép lại Olympic Tokyo mà không giành được huy chương nào. Dù có đôi chút thất vọng, nhưng đã đến lúc chúng ta phải nhìn lại mình để có hướng đi đúng đắn.
Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo với 18 VĐV ở 11 nội dung. Sau hơn 10 ngày tranh tài, tất cả các VĐV đều thất bại và không mang về tấm huy chương nào ở kỳ Thế vận hội thứ 10 mà Việt Nam tham dự.
Tấm HCV ở nội dung bắn súng 10m súng hơi của "lão tướng" Hoàng Xuân Vinh lập được ở Olympic Rio 2016 cho đến lúc này vẫn là đỉnh cao của thể thao Việt Nam tại Olympic. Sau 5 năm, chúng ta không những không tái lập được thành tích giành HCV mà còn rơi vào cảnh "trắng huy chương".
10 kỳ tham dự Thế vận hội chỉ giành được 5 huy chương
Kể từ khi Việt Nam hội nhập với thể thao quốc tế và trở thành thành viên chính thức của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) thì Thế vận hội mùa hè Moscow 1980 là lần đầu tiên chúng ta góp mặt tại ngày hội thể thao lớn nhất thế giới.
Hơn 4 thập kỷ trôi qua, Thể thao Việt Nam đã tham dự 10 kỳ Olympic, với 152 VĐV tham gia tranh tài. Chúng ta mới giành vỏn vẹn 5 tấm huy chương, bao gồm 1 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ. Đây thực sự là một thành tích khá khiêm tốn: khiêm tốn về cả số huy chương lẫn số VĐV có mặt tranh tài ở Thế vận hội.
Xét riêng Olympic Tokyo, theo số liệu từ Ban Tổ chức, có tổng cộng 11.058 vận động viên tham dự Thế vận hội năm nay. Trong đó, đoàn thể thao có nhiều VĐV nhất là Mỹ với 630 VĐV, xếp trên chủ nhà Nhật Bản với 552 VĐV. Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là đoàn có nhiều VĐV nhất, với 42 VĐV, tiếp theo là Malaysia có 30 VĐV, Indonesia là 28 VĐV, Singapore với 22 VĐV, Philippines có 19 VĐV và Việt Nam là 18 VĐV.
Tính đến lúc này, chỉ duy nhất đoàn thể thao Việt Nam và Singapore không giành được huy chương nào tại Olympic Tokyo, trong khi đó, Philippines chỉ hơn Việt nam 1 VĐV tham dự nhưng lại giành được 1 HCV và 1 HCB và đang xếp thứ 49 trong tổng số 206 đoàn thể thao của các quốc gia/ vùng lãnh thổ tham dự Olympic.
Có số lượng VĐV tham dự Olympic Tokyo ít nhất trong các đoàn thể thao ở khu vực Đông Nam Á, chưa kể gần một nửa trong số đó tham dự theo diện đặc cách, tất nhiên việc thể thao Việt Nam không cạnh tranh được huy chương ở Thế vận hội lần này cũng là điều dễ hiểu.
Thất bại nhưng không được nản chí
Việc "trắng huy chương" ở Olympic Tokyo rõ ràng là điều để thể thao Việt Nam phải nhìn lại mình để có hướng đi đúng đắn, cho mục tiêu trước mắt ở Olympic Paris 2024 trong 3 năm tới và cho cả mục tiêu lâu dài.
Việt Nam đặt mục tiêu có huy chương ở các kỳ thế vận hội mà mình tham gia, nhưng trải qua 4 thập kỷ, chúng ta vẫn loay hoay và không thành công trong mục tiêu gia tăng số huy chương, khi có cảm giác môn thể thao nào cũng là "quá sức" với chúng ta khi ra sân chơi tầm cỡ thế giới.
Việt Nam đã đầu tư rất lớn vào các nội dung bơi lội, điền kinh, thể dục dụng cụ... trong nhiều năm qua và gặt hái thành quả khi gần như thống trị ở SEA Games. Dù vậy ra đấu trường Olympic, chúng ta lại không thành công mấy và đã có ý kiến cho rằng chúng ta nên tập trung vào những môn "đặc thù" như Pencat Silat, Vovinam, hoặc "dễ thở" hơn như cử tạ, bắn súng, bắn cung để có huy chương ở các kỳ Thế vận hội tới.
Tuy nhiên, đó không phải là ý tưởng đúng. Việt Nam nhắm tới những nội dung "dễ thở" ở Olympic như bắn súng, bắn cung, cử tạ... để giành huy chương là hướng đi đúng. Nhưng vấn đề là, nhiều nước khác cũng nhắm đến mục tiêu như của Việt Nam, nhưng họ có kinh nghiệm hơn và đầu tư mạnh hơn nên Việt Nam dù đã cố gắng vẫn rất khó cạnh tranh khi bước vào tranh tài chính thức.
Bởi vậy, lúc này Việt Nam vẫn phải kiên trì và dũng cảm khi đầu tư mạnh vào các môn thể thao được thế giới chú trọng như bơi lội, điền kinh, thể dục dụng cụ... Cho dù không giành được huy chương thì đầu tư vào những môn thể thao nói trên luôn là hướng đi đúng nếu muốn hội nhập với thế giới.
Ngay cả Trung Quốc, đất nước thống trị các môn thể thao phù hợp với người châu Á như cầu lông, bóng bàn, bắn súng, cử tạ... thì những kỳ thế vận hội gần đây họ cũng có sự chuyển dịch mạnh mẽ tới những môn thể thao cạnh tranh như bơi lội, điền kinh. Ở Olympic Tokyo, Trung Quốc khiến cả thế giới nể phục khi giành được rất nhiều HCV ở những môn thể thao cạnh tranh nói trên.
Tăng số lượng để nâng chất lượng
Thay vì loay hoay trong việc giành huy chương, theo giới chuyên môn, thể thao Việt Nam nên hướng tới mục tiêu có số lượng VĐV đủ chuẩn tham dự Olympic nhiều hơn và có số VĐV tham dự ở những môn có thế mạnh với nhiều nội dung hơn.
Trong khi kỳ Olympic đầu tiên Việt Nam tham dự ở Moscow (Nga) năm 1980, chúng ta có 31 VĐV tham dự thì sau 40 năm, con số VĐV giảm xuống còn 18 VĐV (chưa kể gần một nửa tham dự đặc cách) thì phần nào phản ánh thể thao Việt Nam cũng đang thụt lùi.
Nên nhớ ở Olympic Rio 2016, đoàn thể thao Việt Nam cũng có số lượng VĐV tham dự nhiều hơn, với 23 VĐV và gây tiếng vang với 1 HCV và 1 HCB ở nội dung bắn súng đều do VĐV Hoàng Xuân Vinh lập được.
Việc có nhiều VĐV đủ chuẩn tham dự ở các nội dung thi đấu của Olympic rõ ràng vừa tăng thêm cơ hội giành huy chương cho thể thao Việt Nam đồng thời vừa giúp Việt Nam quảng bá được nhiều hơn vị thế của mình trên đấu trường quốc tế.
Nếu đặt mục tiêu trước mắt, nhất là trong vòng 3 năm tới ở Olympic Paris 2024, rõ ràng thể thao Việt Nam nên nhắm tới việc có nhiều VĐV tham dự hơn, thay vì chỉ hướng đến mục tiêu "đánh du kích" có huy chương ở những nội dung "dễ thở" như hiện nay.
Tổng số VĐV và số huy chương của đoàn thể thao Việt Nam qua 10 kỳ Thế vận hội:
- Olympic Moscow (Nga) 1980: Đoàn TTVN tham dự với 31 VĐV, không giành huy chương.
- Olympic Seoul (Hàn Quốc) 1988: Tham dự với 10 VĐV, không giành huy chương.
- 3. Olympic Barcelona (Tây Ban Nha) 1992: Tham dự với 7 VĐV, không giành huy chương.
- Olympic Atlanta (Mỹ) 1996: Tham dự với 6 VĐV, không giành huy chương.
- Olympic Sydney (Australia) 2000: Tham dự với 7 VĐV, lần đầu tiên có tên trên bảng tổng sắp huy chương, với tấm HCB của nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân ở hạng cân 57kg.
- Olympic Athens (Hy Lạp) 2004: Tham dự với 11 VĐV, không giành huy chương.
- Olympic Bắc Kinh (Trung Quốc) 2008: Tham dự với 21 VĐV, giành 1 HCB nhờ công của lực sỹ cử tạ Hoàng Anh Tuấn (hạng 56 kg nam).
- Olympic London (Anh) 2012: Tham dự với 18 VĐV, giành 1 HCĐ sau khi Trần Lê Quốc Toàn được đôn từ hạng tư nội dung 56kg lên vị trí thứ ba, thế chỗ VĐV của Azerbajan bị tước huy chương vì doping.
- Olympic Rio (Brazil) 2016: Tham dự với 23 VĐV, trong đó xạ thủ bắn súng Hoàng Xuân Vinh xuất sắc giành 1 HCV nội dung 10m súng ngắn hơi và 1 HCB nội dung 50m súng ngắn.
- Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020: Tham dự 18 VDV, không giành huy chương.