1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Phát hiện hai vụ "hồn Trương Ba, da hàng thịt" ở làng điền kinh TPHCM:

“Trả lại tên cho em!”

Hai VĐV điền kinh nổi tiếng nhất TPHCM hiện nay là Nguyễn Bảo Huy, kỷ lục gia 400m rào nam, hai lần á quân SEA Games, và Trần Ngọc Thịnh, niềm hy vọng số một của nhảy cao VN trong việc thay thế Nguyễn Duy Bằng, đang mang trên mình tên tuổi của người khác.

Việc phát hiện hai trường hợp đội tên của hai VĐV này đã cho thấy thể thao TPHCM không trong sáng như người ta thường nói...

 

Bảo Huy? Có 2 Bảo Huy!

 

Trong vòng năm năm gần đây, VĐV duy nhất thường xuyên đem HCV về cho điền kinh TPHCM là Nguyễn Bảo Huy ở môn chạy 400m rào nam.

 

Với những người viết thể thao, chỉ biết rằng Huy sinh ngày 4/2/1978, được phát hiện từ giải điền kinh học sinh TPHCM trong những năm đầu thập niên 1990, khi anh thi đấu dưới màu áo Trường Ngô Sĩ Liên (Tân Bình).

 

Thế rồi, Huy vừa đột ngột gửi đơn cho ban giám đốc Sở TDTT TPHCM với nội dung xin "trả lại tên cho em" là Nguyễn Văn Phương, sinh ngày 20/5/1976!

 

Vậy Phương là ai và Huy là ai? Câu trả lời: họ là hai anh em ruột và Phương là anh của Bảo Huy. Cả hai cùng học Trường Ngô Sĩ Liên, tuy nhiên chỉ mỗi mình Phương chơi thể thao và sớm được phát hiện là một cậu bé có năng khiếu.

 

Nhưng do Phương đi học trễ một năm nên khi học lớp 9 anh đã lớn hơn bạn bè cùng lứa một tuổi, và như thế thì không thể thi đấu ở giải điền kinh học sinh THCS.

 

Thế là các thầy cô đã cho Phương mang tên cậu em của mình để thi đấu. Và kể từ đó, một ngôi sao điền kinh mang tên "Bảo Huy" ra đời!

 

Thấy cậu bé có năng khiếu, ngay lập tức Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT TPHCM kéo Huy lên tuyến trên và cứ thế Nguyễn Văn Phương dưới cái tên Bảo Huy đã đi dần lên đến ngôi vô địch quốc gia, rồi á quân SEA Games 2001, 2003!

 

“Trả lại tên cho em!” - 1
  

Bảo Huy hay Văn Phương?

 

Nhưng, không sung sướng chút nào khi phải sống dưới cái tên người khác cho dù đó là em mình. Phương tâm sự: "13 năm nay, chẳng lúc nào lòng tôi được yên ổn. Lúc nào cũng nơm nớp lo sợ vụ đổi tên bị phanh phui. Năm nay đã 29 tuổi nhưng tôi cũng chưa dám yêu! Vì khi yêu, tôi biết nói mình là ai với bạn gái đây? Chưa kể và tôi cũng ít khi dám về nhà mà chỉ toàn ở lại trung tâm điền kinh, bởi mỗi khi về tôi rất ngại gặp anh cảnh sát khu vực cứ hỏi hoài chuyện mình... Các anh không thể hình dung nổi là sống trong tâm trạng ấy khổ như thế nào đâu!".

 

Chúng tôi đã tiếp xúc với anh Phương - cảnh sát khu vực nơi gia đình Nguyễn Văn Phương ở (phường 4, Q.Tân Bình) - và anh xác nhận chuyện oái ăm này là có thật.

 

Ngọc Thịnh? Cũng có 2 Ngọc Thịnh!

 

Trong quá trình đi tìm hiểu vụ Bảo Huy, chúng tôi đã được nghe nhiều VĐV điền kinh cho biết: "Đâu chỉ mình trường hợp Huy, mà còn có cả Ngọc Thịnh nữa". Đó chính là "cậu bé vàng" của điền kinh TPHCM Trần Ngọc Thịnh, người mà năm 2002 mới 14 tuổi đã vượt qua mức xà 1,93m.

 

Cuộc tìm hiểu của chúng tôi được bắt đầu từ những người hàng xóm của gia đình Thịnh. Sáng chủ nhật 17/7, ở nhà của chú D. (P.4, Q.4) cách nhà Thịnh hai căn, mọi người đã hết sức ngạc nhiên khi nghe nói Thịnh là VĐV thể thao.

 

Tất cả đều khẳng định nhân vật chơi thể thao của gia đình ông Thanh (tên ba của Thịnh) là Cu Đen với tên trong giấy tờ là Trần Thanh Ngọc Trọng, còn Út với tên khai sinh là Trần Ngọc Thịnh hiện đã nghỉ học để phụ gia đình buôn bán trên đường Phan Bội Châu (Q.1).

 

Chúng tôi cũng đã chụp được sổ nhân khẩu do tổ dân phố quản lý, trong đó Ngọc Thịnh sinh ngày 1/3/1988, còn Trọng sinh ngày 15/4/1985.

 

Bước tìm hiểu thứ hai của chúng tôi là gọi điện thẳng đến nhà Thịnh. Đầu dây bên kia là giọng một cậu thiếu niên. Chúng tôi hỏi: “Có Trọng ở nhà không?” Đáp: “Anh Trọng đi tập huấn ở Hà Nội rồi”.

 

Hỏi: “Vậy em là Thịnh phải không?” Đáp: “Dạ phải”. Hỏi: “Em có chơi thể thao không?” Đáp: “Dạ không, ở nhà chỉ có mỗi mình anh Trọng chơi thôi...".

 

Bước tìm hiểu thứ ba của tôi là tiếp xúc với ba mẹ của Thịnh. Sau một thoáng ngập ngừng, cả hai ông bà đã quyết định nói lên sự thật. Họ đã nghe lời HLV Hải (của Q.4) hoán chuyển khai sinh của hai anh em để Trọng trở thành Thịnh nhằm thi đấu một giải điền kinh học sinh. Không ngờ Trọng đạt thành tích cao để rồi sau đó được đưa vào trường năng khiếu, dự giải trẻ toàn quốc và đoạt HCV với thành tích 1,93m vào năm 2002.

 

Ông Trần Ngọc Thanh tâm sự: "Với tư cách là cha mẹ, chúng tôi rất hối hận vì  càng lớn, Trọng càng tỏ ra mặc cảm với bản thân và trong các cuộc điện thoại về thăm nhà cháu đều tha thiết xin ba mẹ lo liệu gấp việc này".

 

Sáng hôm qua 18/7, chúng tôi đã liên lạc với Trọng (hay là VĐV Thịnh, đang tập trung cùng đội tuyển nhảy cao VN tại Nhổn) qua điện thoại, anh cho biết: "Hồi tháng 5/2005, gia đình có làm một lá thư gửi cho thầy Vinh (HLV Nguyễn Quang Vinh của TPHCM) đề nghị thầy giúp đỡ lấy lại tên thật cho tôi, nhưng đến giờ vẫn chưa nghe nói gì. Tâm trạng tôi lúc này rất lo lắng vì nửa muốn lấy lại tên cho mình rồi ra sao thì ra, nửa cũng ngại vì mấy thầy khuyên là cứ để im đó rồi từ từ lo cho".

 

Còn Phương (VĐV Bảo Huy) cũng cho biết năm 2003, khi nghe Ủy ban TDTT thông báo cho phép khai lại đối với tất cả các trường hợp lỡ gian lận, đã vội vàng báo cho các thầy đề nghị phục hồi tên thật cho mình, nhưng tất cả cũng đều bảo từ từ...

 

Chúng tôi cũng đã tìm các nhân vật có liên quan như ông Nguyễn Đăng Khoa - nguyên hiệu trưởng Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT, ông Nguyễn Trung Hinh - nguyên trưởng bộ môn điền kinh TPHCM, ông Trần Duy Khâm - trưởng bộ môn điền kinh hiện nay, HLV Nguyễn Quang Vinh... nhưng tất cả đều trả lời rất giống nhau: "Không biết!".

 

Theo Huy Thọ, Trung Dân

 Tuổi trẻ