Tiền đạo Việt Nam chưa đến mức báo động
(Dân trí) - Công Phượng chưa bước sang tuổi 26, Văn Toàn, Phan Văn Đức nhỏ hơn Công Phượng 1 tuổi, trong khi Tiến Linh còn chưa bước sang tuổi 24. Họ đều có tài, không thể nói là bóng đá nội khủng hoảng tiền đạo.
Về mặt số lượng, như vừa đề cập, bóng đá Việt Nam hiện nay ít nhất có 4 - 5 chân sút đủ sức đá chính ở đội tuyển quốc gia. Đấy là còn chưa kể, ngoài nhóm những Công Phượng, Tiến Linh, Văn Toàn và Phan Văn Đức, như đã nêu ở trên, còn có Hà Đức Chinh, Phan Văn Long và Hồ Tuấn Tài cũng được gọi tập trung đội tuyển Việt Nam vừa rồi.
Giống như Công Phượng, Tiến Linh, Văn Toàn và Phan Văn Đức, nhóm Đức Chinh, Phan Văn Long, Tuấn Tài cũng chỉ trong độ tuổi 23 - 25.
Họ còn trẻ, giá trị sử dụng vẫn còn dài, năng lực chuyên môn không đến nỗi tệ, lại đa dang về vị trí thi đấu. Ví dụ như Tiến Linh, Hà Đức Chinh có thể đá trung phong, Công Phượng, Văn Toàn, Phan Văn Đức đá tiền đạo lùi, Phan Văn Long chơi tiền đạo cánh. Thế nên, khó nói rằng bóng đá Việt Nam đang khủng hoảng tiền đạo.
Trẻ hơn cả những người vừa nêu, thế hệ dưới nữa có Nguyễn Trần Việt Cường (B.Bình Dương), Mai Xuân Quyết (Nam Định), Võ Nguyên Hoàng (Sài Gòn FC)… là những tiền đạo có triển vọng, vốn còn chưa bước sang tuổi 22.
Riêng Võ Nguyên Hoàng chưa được 19 tuổi, nhưng đã là thành viên của một CLB chuyên nghiệp, đồng thời sở hữu thể hình rất tốt (1m82).
Dĩ nhiên, cầu thủ tiềm năng nào cũng cần được mài giũa để trưởng thành, đồng thời chặng đường đi từ chỗ tiềm năng đến vị trí của một ngôi sao là chặng đường dài. Nhưng bước đầu bóng đá Việt Nam vẫn có nhân tố để hy vọng vào việc duy trì sức mạnh ở khu vực Đông Nam Á trong thời gian dài.
Còn về mặt chất lượng, nhóm các tiền đạo trụ cột của đội tuyển Việt Nam hiện nay, đặc biệt là Tiến Linh và Công Phượng vẫn làm tốt nhiệm vụ của mình ở các giải quốc tế gần nhất.
Không tính năm 2020 vốn không có giải quốc tế dành cho đội tuyển quốc gia vì dịch Covid-19, ở năm trước đó, các tiền đạo nội chơi rất hay. Công Phượng tỏa sáng tại VCK Asian Cup 2019, với 2 bàn thắng, trở thành một trong những cầu thủ Việt Nam mà các đối thủ ngán ngại nhất tại giải đấu ấy.
Còn Tiến Linh ghi dấu ấn với 2 bàn thắng ở vòng loại World Cup 2022 - khu vực châu Á, toàn đến từ những pha xử lý đẳng cấp: 1 bàn vào lưới Indonesia trên sân đối phương, và đặc biệt là siêu phẩm sút xa vào lưới UAE, mang về chiến thắng cho đội tuyển Việt Nam.
Riêng chuyện cạnh tranh với các chân sút ngoại ở giải trong nước là chuyện không thể tránh khỏi với các tiền đạo nội. Muốn trưởng thành và muốn vươn mình thành ngôi sao, thì cạnh tranh là điều tốt, là điều có ích.
Cả thế giới bóng đá đối diện với việc cạnh tranh như thế, chứ không riêng gì bóng đá Việt Nam, và họ vẫn chấp nhận chứ không riêng gì chúng ta.
Ở quốc gia láng giềng Thái Lan, các đội bóng thuộc Thai-League còn sử dụng nhiều ngoại binh hơn các CLB ở V-League (Thai-League hiện cho phép mỗi CLB dùng đến 5 ngoại binh/trận), nhưng các cầu thủ Thái nói chung và các tiền đạo Thái Lan nói riêng không ngại chuyện cạnh tranh. Họ xem đấy như là sự tất yếu trong xu thế bóng đá toàn cầu, có cạnh tranh để có tiến bộ.
So về chất lượng, nhóm những tiền đạo hàng đầu của bóng đá Việt Nam như Tiến Linh, Công Phượng, Văn Toàn, Phan Văn Đức có lẽ cũng không thua kém các tiền đạo người Thái như Teerasil Dangda, Siroch Chatthong hay Supachai Jaided. Không kém khi so với các chân sút của bóng đá Malaysia như Safawi Rasid, Syafid Ahmad, hay Idlan Talaha, nên vấn đề tiền đạo hiện không phải là vấn đề đáng gọi là báo động đối với bóng đá nội!